Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chính sách thực hiện nông thôn mới >> Kinh tế

Trấn Yên xây dựng nông thôn mới “Không có điểm kết thúc”

03/12/2019 08:41:02 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Huyện Trấn Yên xác định xây dựng nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn từ 2020 - 2025. Với mục tiêu, xây dựng NTM có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại, cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý; gắn phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa với phát triển du lịch sinh thái; giữ vững an ninh trật tự, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.

Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên thăm cánh đồng dâu tại xã Hồng Ca

Huyện Trấn Yên có diện tích tự nhiên 62.914,3 ha, dân số 84.675 người, có 22 đơn vị hành chính (21 xã và 1 thị trấn). Năm 2011, khi bắt tay thực hiện chương trình xây dựng NTM, xuất phát điểm của huyện ở mức thấp, mặt bằng chung toàn huyện đạt bình quân từ 4 - 5 tiêu chí/xã; những xã đặc biệt khó khăn chỉ đạt 1- 2 tiêu chí. Hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống đường giao thông nông thôn, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, môi trường. Toàn huyện còn 4 xã và 46 thôn, bản đặc biệt khó khăn; trong đó có 5 thôn 100% đồng bào Mông sinh sống, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập của nhân dân còn ở mức thấp; điều kiện kinh tế, văn hóa xã hội, cơ sở hạ tầng còn hạn chế.

Qua 9 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên đã nỗ lực không ngừng, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện và hoàn thiện các tiêu chí xã, huyện NTM. Trong phát triển kinh tế, đến nay trên địa bàn huyện đã định hình vững chắc được các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa với các sản phẩm chủ lực tạo ra sản phẩm với khối lượng lớn, chất lượng hiệu quả và có sức cạnh tranh cao trên thị trường như: Dâu tằm; sản phẩm thịt gia súc, gia cầm; Quế; Tre măng Bát Độ; lương thực có hạt, chè chất lượng cao, quả có múi, rau, cây dược liệu. Các vùng sản xuất hàng hóa chủ lực đem lại nguồn thu nhập chính của nhân dân trên địa bàn huyện như: Vùng trồng dâu nuôi tằm 700 ha, vùng cây ăn quả 1.000 ha, vùng chè hơn 900 ha, vùng Quế 16.000 ha, vùng măng tre Bát Độ 3.500 ha, vùng gỗ nguyên liệu trên 35.000 ha; phát triển chăn nuôi gia súc gia cầm theo quy mô tập trung đảm bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường, sản lượng thịt hàng năm trên 8.000 tấn...

Hệ thống cơ sở hạ tầng xã Y Can được kiên cố hóa

Trong sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, hiện nay toàn huyện có 12 dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ cao và tạo nhiều việc làm cho nhiều lao động như: Graphit, sản phẩm thép hộp, thép ống, quần áo may gia công xuất khẩu, quặng cầu viên. Hiện toàn huyện có 506 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp (trong đó: 50 doanh nghiệp ngoài quốc doanh, 3 doanh nghiệp nhà nước, 3 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; 10 hợp tác xã; 440 hộ cá thể), thu hút và tạo việc làm cho trên 4.000 lao động có thu nhập ổn định… Đến năm 2019, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 35,4 triệu đồng/người, tăng 25,4 triệu đồng/người so với năm 2011. Giá trị sản xuất nông nghiệp tăng bình quân 5,4%/năm; sản xuất công nghiệp tăng bình quân 15,9%/năm. Các chế độ, chính sách về an sinh xã hội được thực hiện đồng bộ; Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện năm 2019 giảm còn 4,75%. Chất lượng giáo dục, đào tạo được duy trì nâng cao; huyện đã hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, THCS đạt mức độ 2. Hệ thống khám chữa bệnh từ huyện đến cơ sở được củng cố và tăng cường cả về vật chất và đội ngũ cán bộ y tế. Đến nay toàn huyện có 21/21 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, huyện Trấn Yên hoàn thành 9/9 tiêu chí NTM cấp huyện.

Lãnh đạo huyện Trấn Yên thăm một xưởng thêu bằng máy may công nghiệp của người Mông tại bản Đồng Ruộng xã Kiên Thành

Với quan điểm, xây dựng NTM có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, huyện Trấn Yên xác định xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của cả hệ thống chính trị trong giai đoạn 2020 - 2025. Với mục tiêu cụ thể là duy trì, củng cố và không ngừng nâng cao chất lượng các tiêu chí xã, huyện NTM; phấn đấu năm 2020 toàn huyện có từ 5 - 7 thôn đạt tiêu chí thôn NTM kiểu mẫu, có 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, có 4 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; đến năm 2025 có 70% số xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 50% số xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Phấn đấu đến năm 2025 huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu theo hướng phát triển nông nghiệp gắn với du lịch. Tiếp tục không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, an toàn, văn minh, giàu đẹp, giàu bản sắc văn hoá truyền thống.

Người dân xã Kiên thành sơ chế măng tre Bát Độ

Trong giai đoạn tới, huyện Trấn Yên phấn đấu tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường giao thông nông thôn, cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi, hệ thống lưới điện đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thích ứng với biến đổi khí hậu. Chỉnh trang làm đẹp cảnh quan, môi trường các trường học, duy trì và nâng cao chất lượng 45 trường học đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia xanh - sạch - đẹp - an toàn… Đặc biệt, trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, huyện sẽ tập trung thực hiện 5 nội dung trọng tâm của Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gồm: thực hiện hiệu quả các giải pháp phát triển các sản phẩm chủ lực của huyện như: măng tre Bát Độ, quế, dâu tằm, chè chất lượng cao, cây ăn quả có múi, rau an toàn. Phấn đấu năm 2020 huyện Trấn Yên có ít nhất 3 sản phẩm OCOP (Chương trình “Mỗi xã, thị trấn một sản phẩm”) được bình chọn đạt 3 sao trở lên; đến năm 2025 có 7 sản phẩm OCOP được bình trọn đạt 3 sao trở lên, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm được bình chọn 5 sao. Tiếp tục chuyển đổi hoạt động của các HTX dịch vụ nông nghiệp theo luật HTX năm 2012; phấn đấu mỗi năm phát triển thêm 1 - 2  HTX trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm làm cầu nối giữa nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông sản chủ lực của địa phương. Đồng thời phát triển sản xuất công nghiệp theo hướng bền vững, khai thác triệt để thành tựu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đưa sản xuất công nghiệp trở thành nền kinh tế chủ đạo, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế biến sâu các sản phẩm công nghiệp giá trị gia tăng lớn, tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Còn rất nhiều việc phải làm, nhiều khó khăn phía trước phải vượt qua để hoàn thành mục tiêu trở thành huyện NTM kiểu mẫu. Vì vậy, bên cạnh huy động nội lực, sự đoàn kết chung sức của nhân dân trong huyện, Trấn Yên đang tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa và tranh thủ các nguồn kinh phí từ các nhà đầu tư, các dự án, từ sự hỗ trợ của tỉnh và trung ương để hoàn thiện và đồng bộ hệ thống  cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, thông tin, thể thao đáp ứng yêu cầu của NTM kiểu mẫu; nâng cao chất lượng cuộc sống cả về vật chất và văn hóa tinh thần của người dân.

1735 lượt xem