Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Chính trị

Yên Bái: Giám sát chuyên đề việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và của HĐND tỉnh về các Chương trình mục tiêu quốc gia

14/07/2023 14:13:11 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng 14/7, Đoàn giám sát chuyên đề năm 2023 của HĐND tỉnh do đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh làm trưởng đoàn đã giám sát tại UBND tỉnh về việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và của HĐND tỉnh về việc triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG): xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 20230, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Yên Bái.

Quang cảnh buổi giám sát

Dự buổi giám sát có đồng chí Vũ Quỳnh Khánh - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Hoàng Thị Thanh Bình - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Nguyễn Quốc Luận - Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Nguyễn Thế Phước - Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; lãnh đạo các Ban HĐND tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong Ban chỉ đạo các CTMTQG; UBND các huyện, thị, thành phố.

Báo cáo tóm tắt kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân tỉnh về các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh cho thấy: Quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG trên địa bàn tỉnh đã được chỉ đạo kịp thời, hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, từ đó tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã; kịp thời ban hành các Văn bản quy phạm pháp luật, các Văn bản triển khai thực hiện các chương trình theo quy định của Trung ương. Đồng thời, đã ban hành các văn bản hướng dẫn của tỉnh hỗ trợ trong thực hiện các Chương trình MTQG.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đoàn Hữu Phung báo cáo tóm tắt kết quả triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và của Hội đồng nhân dân tỉnh về các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh

Trên cơ sở nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ thực hiện các chương trình MTQG, tỉnh Yên Bái đã chủ động lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án khác (vốn đầu tư công nguồn NSTW hỗ trợ đầu tư, vốn ODA) và cân đối, bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh để đầu tư xây dựng các công trình, dự án hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ thực hiện các cơ chế, chính sách của tỉnh; các huyện, thị xã, thành phố chủ động cân đối, bố trí nguồn vốn từ nguồn ngân sách cấp huyện để hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn mới, hỗ trợ các xã về đích nông thôn mới nâng cao.

Kết quả giải ngân kế hoạch vốn năm 2022 đến hết ngày 30/6/2023 đối với vốn đầu tư phát triển, đã giải ngân đạt 90,4% kế hoạch, trong đó: Vốn ngân sách trung ương giải ngân đạt 90% kế hoạch, gồm: Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã giải ngân đạt 89% kế hoạch; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững đã giải ngân đạt 82,7% kế hoạch; Chương trình MTQG xây dựng nông mới giải ngân đạt 97% kế hoạch. Vốn ngân sách địa phương đối ứng thực hiện các chương trình MTQG (vốn ngân sách huyện) giải ngân đạt 100%.

Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông sâu rộng tới người dân với mục đích nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của các Chương trình MTQG, tuyên truyền những nội dung cơ bản, trọng tâm của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 đến cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình giai đoạn 2021 - 2025. Qua đó đã nhận được sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng phong trào hiến đất, tham gia đóng góp tự nguyện bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện các chương trình MTQG; tổ chức quán triệt, phổ biến, tập huấn cho cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp, người dân về các chương trình MTQG, góp phần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí trong các tầng lớp nhân dân; tạo sự đồng thuận ngày càng cao trong xã hội; củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp; làm nòng cốt trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tăng cường và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững sự ổn định về chính trị và trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở.

Qua đó, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng đối với từng chương trình: Đối với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi: Tập trung huy động nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; bên cạnh việc bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc, hướng dẫn, hỗ trợ người dân xóa bỏ những thủ tục lạc hậu, tiếp cận văn minh để hòa nhập tốt với cộng đồng xã hội; góp phần từng bước cải thiện đời sống đồng bào dân tộc, trong đó vấn đề nhà ở, hạ tầng phục vụ dân sinh đã được quy hoạch và đầu tư xây dựng; chất lượng cuộc sống được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm; hệ thống lưới điện được đầu tư; không còn tình trạng hôn nhân cận huyết thống; học sinh được đến trường đúng độ tuổi; tình hình an ninh trật tự được kiểm soát tốt. Đến cuối năm 2022 tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giảm so với năm 2021 là 8,1%; Số thôn có nhà văn hóa đạt 96,8%; số xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn là 13 xã/59 xã (hiện còn 46 xã đặc biệt khó khăn); có 13/59 xã đặc biệt khó khăn (theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ) đạt chuẩn nông thôn mới.

Đối với Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững: Được thực hiện công khai, minh bạch từ việc xác định đối tượng hỗ trợ đến việc phân bổ vốn và kiểm tra, giám sát của các cơ quan trung ương, địa phương, cộng đồng, người dân, đặc biệt là sự giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc và Hội đồng nhân dân các cấp. Phong trào tỉnh Yên Bái chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau được các địa phương hưởng ứng và triển khai thi đua thực hiện hiệu quả, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, bảo đảm mức giảm tỷ lệ hộ nghèo 5-6%/năm, đạt kế hoạch trung ương giao.

Đối với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới: Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ các cấp về chủ trương, chính sách của Chương trình giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện sâu, rộng; xây dựng nông thôn mới tiếp tục là phong trào sôi nổi trên toàn tỉnh, trở thành nhu cầu, mong muốn của cộng đồng dân cư. Kinh tế nông thôn tăng trưởng khá, năng lực, trình độ sản xuất được nâng lên, chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) được tập trung chỉ đạo và có những thành công bước đầu, tạo sức lan tỏa rộng rãi góp phần nâng cao thu thập, cải thiện đời sống người dân; Công tác bảo vệ môi trường ở nông thôn ngày càng được thực hiện tốt hơn, nhất là việc hầu hết các xã, thôn đã triển khai phân loại rác tại hộ gia đình; từng bước thực hiện xử lý nước thải sinh hoạt tại các hộ gia đình và trong Khu dân cư. Đến ngày 30/6/2023, toàn tỉnh có 99/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 66,0%, trong đó có 13 xã đặc biệt khó khăn khu vực III thuộc Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; có 27 xã nông thôn mới nâng cao, 06 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 74 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới, 191 thôn đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu; 03 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Có thể thấy, việc triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ, hợp tác của các tổ chức và nhân dân, mang lại những kết quả quan trọng: Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư nâng cấp và làm mới, sản xuất phát triển, ổn định, nâng cao đời sống. Xây dựng được nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả; chất lượng giáo dục và đào tạo nâng lên, hoạt động văn hóa thể thao phát triển, việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc được quan tâm; các chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách, hộ nghèo… được thực hiên đầy đủ, do đó kinh tế - xã hội tỉnh ngày càng phát triển; hệ thống chính trị được củng cố, an ninh, trật tự xã hội ổn định.

Để bảo đảm tiến độ và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương trong quá trình triển khai các CTMTQG, tỉnh có một số kiến nghị đối với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách cũng như xem xét, điều chỉnh việc phân bổ nguồn sự nghiệp ngân sách Trung ương đối với 2 CTMTQG phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững theo hướng phân bổ tổng nguồn kinh phí để tạo sự chủ động, linh hoạt cho các địa phương.

Thành viên Đoàn Giám sát trao đổi, làm rõ những khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện các CTMTQG trên địa bàn tỉnh

Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh giải trình làm rõ những nội dung Đoàn Giám sát nêu

Tại buổi giám sát, các thành viên Đoàn Giám sát và đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, các ngành đã thẳng thắn thảo luận, trao đổi, làm rõ những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế, vướng mắc, các giải pháp để tiếp tục triển khai trong thời gian tới để thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu kết luận buổi giám sát

Phát biểu kết luận buổi giám sát, đồng chí Tạ Văn Long - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Để tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các CTMTQG trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, đề nghị UBND tỉnh, các sở ngành tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện nội dung các văn bản quy định, hướng dẫn việc thực hiện các CTMTQG đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất. Cùng với đó, chỉ đạo các địa phương nâng cao hơn nữa trách nhiệm trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình; tăng cường công tác chỉ đạo, hướng dẫn, giúp đỡ cấp xã trong xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện các chương trình. Đồng thời, khẩn trương triển khai các nghị quyết của HĐND tỉnh và hướng dẫn của UBND tỉnh mới ban hành để tổ chức triển khai ngay những nội dung còn tồn đọng đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% năm 2023.

Đồng chí đề nghị UBND tỉnh và các sở, ban, ngành sớm hoàn thiện báo cáo giám sát; trong đó cập nhật số liệu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Đoàn giám sát; gửi báo cáo về Thường trực HĐND tỉnh để hoàn thành báo cáo giám sát gửi Quốc hội đúng thời gian quy định.

484 lượt xem
Nguyễn Hiên

Các bài khác

Xem thêm »