Thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM) bền vững, huyện Văn Chấn đã tập trung phát động các phong trào thi đua, chú trọng ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp.
Từ năm 2021 đến nay, đã có 19.250 lượt hộ nông dân Văn Chấn được tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp...
Thời gian qua, triển khai Chương trình hành động của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững tỉnh Yên Bái, các cấp ủy, chính quyền huyện Văn Chấn luôn quan tâm lãnh đạo, huy động các cấp, các ngành cùng vào cuộc.
Theo đồng chí Hoàng Việt - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Văn Chấn, việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước theo hướng tập trung về cơ sở, bám sát nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách để tổ chức phát động với các hình thức thi đua phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng thành phần xã hội, từng vùng và địa bàn dân cư đã phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và các đoàn thể trong vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp gắn với xây dựng NTM bền vững.
Trọng tâm là nâng cao chất lượng các cuộc vận động như: "Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh", "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; các phong trào: "Cựu chiến binh gương mẫu”, "Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, "Lao động giỏi - Lao động sáng tạo”, "Xung kích phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc”, "Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp"...
Đồng thời, phong trào thi đua "Dân vận khéo" thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội tích cực triển khai. MTTQ các cấp đã vận động nhân dân tham gia nhiều mô hình, điển hình "Dân vận khéo” trên các lĩnh vực mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giáo dục, y tế, văn hoá, giảm nghèo bền vững.
Cùng với sự hưởng ứng tích cực của MTTQ và các đoàn thể, Văn Chấn còn quan tâm đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp. Đến nay, Văn Chấn đã đưa 14 thủ tục hành chính (TTHC) vào giải quyết tại Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp huyện, 12 TTHC lĩnh vực nông, lâm nghiệp được giải quyết tại Bộ phận Phục vụ hành chính công cấp xã.
Công tác đào tạo, phổ biến kiến thức khoa học, công nghệ, đào tạo nghề cho lao động nông thôn được chú trọng và nâng cao chất lượng. Trong 8 tháng năm 2023, Văn Chấn đã đào tạo nghề cho 2.495/2.640 lao động nông thôn, bằng 94,5% kế hoạch; 987 lao động chuyển dịch từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp,bằng 89,7% kế hoạch, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 64,08%; giải quyết việc làm mới 2.032/2.700 lao động, bằng 75,3% kế hoạch.
Ông Phạm Nguyên Bình - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Văn Chấn cho biết: Phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững, Văn Chấn chú trọng đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả được nhân dân đón nhận và phát triển thành công trong thực tế sản xuất.
Từ năm 2021 đến nay, đã có 19.250 lượt hộ nông dân được tập huấn, hướng dẫn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp... Huyện cấp phát 20.200 tờ tài liệu cho nông dân về kỹ thuật gieo cấy chăm sóc phòng trừ sâu bệnh hại lúa; kỹ thuật trồng và chăm sóc cây ngô, cây quế; kỹ thuật chăm, phòng chống đối rét cho trâu, bò; kỹ thuật ủ phân hữu cơ, hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp…
Toàn huyện có trên 75% diện tích lúa được gieo cây bằng các giống có năng suất, chất lượng cao, trên 98% diện tích ngô được trồng bằng các giống tiến bộ kỹ thuật và áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến.
Đến nay, toàn huyện có 4 sản phẩm nông sản được cấp bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý là: gạo nếp Tú Lệ, baba gai Văn Chấn, cam Văn Chấn và sản phẩm chè Shan tuyết Suối Giàng; 1 hợp tác xã áp dụng quy trình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 50,55 ha; 5 đơn vị áp dụng quy trình sản xuất cây ăn quả có múi an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích 150 ha; 2 đơn vị áp dụng quy trình nông nghiệp bền vững (SAN) và được cấp chứng chỉ chứng nhận Raiforest Alliancer; 4 đơn vị áp dụng quy trình sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP với diện tích chứng nhận 87,5 ha…
Thực hiện chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, toàn huyện có 23 sản phẩm OCOP; trong đó: 11 sản phẩm 4 sao, 12 sản phẩm 3 sao thuộc các nhóm, ngành hàng: thực phẩm, đồ uống, sản phẩm thảo dược, dịch vụ du lịch nông thôn và bán hàng. 100% sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc sản chủ lực của huyện đủ điều kiện đưa lên các sàn giao dịch thương mại điện tử.
Cùng đó, huyện đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả tuyên truyền; phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ nông, lâm nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn; thực hiện hiệu quả cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phục vụ phát triển nông nghiệp…
Những nỗ lực đó đã góp phần giúp Văn Chấn sớm hoàn thành mục tiêu Chương trình hành động của Huyện ủy thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Yên Bái khóa XIX về phát triển ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng gắn với xây dựng NTM bền vững tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021-2025.
395 lượt xem
1