CTTĐT - Đến hết năm 2023, tỉnh Yên Bái đã có 106/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; huyện Yên Bình đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới, đưa tổng số đơn vị cấp huyện của tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới lên 4/9 huyện, đứng đầu trong các tỉnh miền núi phía Bắc, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao đến năm 2025. Tốc độ tăng trưởng khu vực nông, lâm nghiệp thủy sản cao nhất trong vùng; diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới, đời sống người dân nông thôn không ngừng được nâng lên. Yên Bái tiếp tục là điểm sáng xây dựng nông thôn mới trong các tỉnh miền núi phía Bắc.
Yên Bái tiếp tục là điểm sáng xây dựng nông thôn mới trong các tỉnh miền núi phía Bắc
Giai đoạn 2021 - 2025, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh phấn đấu về đích nông thôn mới đều là các xã đặc biệt khó khăn. Công tác xóa đói giảm nghèo chưa bền vững, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Thu nhập bình quân đầu người, đời sống của người dân không cao nên khó huy động được nguồn lực xã hội hóa. Với cách làm sáng tạo, sát thực tế, trong năm 2023, tỉnh Yên Bái có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 116,7% kế hoạch; 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, đạt 111,1% kế hoạch; 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, đạt 125% kế hoạch; huyện Yên Bình đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới. Đây là kết quả của sự nỗ lực không ngừng nghỉ của cấp ủy, chính quyền các cấp và sự đồng lòng của nhân dân để nâng cao chất lượng cuộc sống, hướng tới xây dựng những miền quê hạnh phúc, đáng sống.
Là xã vùng II của huyện Lục Yên, kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, xã Minh Tiến, huyện Lục Yên khi triển khai xây dựng nông thôn mới đã phải đối mặt với vô vàn khó khăn. Với phương châm các tiêu chí "dễ làm trước, khó làm sau”, vừa đảm bảo tính khẩn trương, đồng bộ, vừa đảm bảo tính bền vững, phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đến nay xã Minh Tiến đã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 11/2023.
Ông Lý Xuân Vạn, Ban phát triển thôn Khau Phá, xã Minh Tiến cho biết: “Phong trào xây dựng nông thôn mới đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong nhân dân, người dân rất phấn khởi tin tưởng vào chủ trương của Đảng, Nhà nước; tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng nông thôn mới với việc hiến đất, góp công, góp của. Trong 12 năm qua, người dân thôn Khau Phá đã hiến trên 1.500m2 đất các loại, trên 2.500 cây cối, đóng góp gần 1 tỷ đồng và trên 4.500 ngày công để xây dựng đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa thôn và các công trình xây dựng khác”.Với sự hưởng ứng tích cực của người dân, đến nay diện mạo nông thôn xã Minh Tiến nói chung đã có những đổi thay rõ nét.
Xã Minh Tiến, huyện Lục Yên đón bằng công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2023
Những ngôi nhà sàn bê tông, nhà xây kiên cố mới được mọc lên; đường xá được bê tông hóa sạch đẹp, hệ hống điện chiếu sáng được lắp đặt dọc các tuyến đường liên thôn. Đời sống của người dân ngày càng được nâng lên. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 42,545 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ nghèo đa chiều của xã còn 12,83%. Nhà văn hóa, khu thể thao xã; nhà văn hóa và khu thể thao các thôn, hệ thống bưu chính viễn thông... trên địa bàn xã được quan tâm đầu tư xây dựng mới và nâng cấp; đảm bảo phục vụ các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao trên địa bàn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Cùng với xã Minh Tiến, các xã Tô Mậu, Lâm Thượng, Mường Lai của huyện Lục Yên cũng đã cán đích nông thôn mới trong năm 2023, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới của huyện Lục Yên lên 15/23 xã; xã Vĩnh Lạc được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đó là kết quả của sự lãnh đạo linh hoạt của cấp ủy, chính quyền huyện Lục Yên từ huyện đến cơ sở với phương châm "người dân làm - nhà nước hỗ trợ”, tranh thủ tối đa các nguồn lực để xây dựng nông thôn mới, xác định lộ trình và đề ra giải pháp thực hiện phù hợp với điều kiện thực tế, đặc biệt đối với những xã còn nhiều khó khăn; sự đồng thuận, chung tay góp sức của nhân dân để xây dựng nông thôn mới.
Với quan điểm “xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc”, ngay sau khi được công nhận đạt chuẩn, các xã đã bắt tay ngay vào việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, mang đến diện mạo mới cho nông thôn, hình thành thêm nhiều miền quê đáng sống trên địa bàn tỉnh.
Người dân xã Đại Phác tích cực tham gia Ngày thứ Bảy cùng dân, dọn dẹp vệ sinh môi trường
Để cán đích xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, xã Đại Phác, huyện Văn Yên đã đẩy mạnh tuyên truyền, thực hiện các phong trào như "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”, "Ngày thứ Bảy cùng dân”, "Lắng nghe dân nói và xây dựng văn hóa giữ gìn vệ sinh môi trường sống”, "Mỗi người, mỗi ngày một việc, góp phần làm sạch môi trường”, phong trào "Dịch rào hiến đất” gắn với các phong trào của các tổ chức hội, đoàn thể trong xã. Phát huy tối đa vai trò chủ thể của người dân trong phát triển kinh tế; quan tâm xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp; có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp; gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa, những nét đặc thù của từng vùng, miền; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Ông Hoàng Kim Chung - Chủ tịch UBND xã Đại Phác cho biết: “Ngoài việc nâng cao các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, chúng tôi đã tập trung thực hiện chuyển đổi số, ra mắt tổ công nghệ cộng đồng của xã và tổ công nghệ cộng đồng các thôn; phát động phong trào “Tự hào tôi là công dân số” theo Bộ tiêu chí tạm thời công dân số do Chủ tịch UBND huyện Văn Yên ban hành. Triển khai lắp đặt hệ thống camera an ninh tại trụ sở xã và các tuyến đường chính trên địa bàn; triển khai xây dựng mô hình trường học chuyển đổi số tại 100% nhà trường trên địa bàn; các chi bộ thuộc đảng bộ xã sử dụng nền tảng số “Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Yên Bái” đạt 100%... Đến nay, Đại Phác là một trong những địa phương nổi trội trong thực hiện chuyển đổi số với 90% hồ sơ công việc đều được xử lý trên môi trường mạng; 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử, được ký số bởi chữ ký số chuyên dùng, trừ văn bản mật theo quy định; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 đạt 100%; 100% số hộ gia đình được tiếp cận và sử dụng các nền tảng, dịch vụ tư vấn, chăm sóc sức khỏe trực tuyến; 88,5% người dân trưởng thành đã thực hiện các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt…”
Là địa phương phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2023, huyện Yên Bình đã phát động sâu rộng đợt thi đua "Nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng huyện Yên Bình trở thành huyện nông thôn mới thông minh, hạnh phúc, đáng sống”. Để thực hiện mục tiêu này, huyện đã tạo cơ chế chính sách tăng cường thu hút đầu tư, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thúc đẩy công nghiệp phát triển theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường, khai thác tối đa tiềm năng du lịch vùng hồ Thác Bà, tạo động lực phát triển, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.
Lãnh đạo huyện Yên Bình tham gia Ngày cuối tuần cùng dân tại xã Phúc Ninh
Cùng với đó, huyện đã phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền trong thực hiện nhiệm vụ; khuyến khích tinh thần chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, kịp thời phát hiện, nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, các mô hình hay, cách làm mới sáng tạo, mang lại hiệu quả cao. Từng tập thể, cá nhân cũng xác định rõ các phần việc phải làm, mục tiêu, chỉ tiêu phải hoàn thành, các tập thể, cá nhân chịu trách nhiệm để từ đó có giải pháp, tăng tốc hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2023.
“Không chỉ bằng khẩu hiệu, với quan điểm chỉ đạo "Không có gì là không thể, phải quyết tâm tìm cách để làm" và thái độ "không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Bình đã từng ngày, từng giờ bằng những việc làm thiết thực chạy đua với thời gian, biến phương châm thành hành động với những lộ trình bài bản, quyết tâm bứt phá đưa Yên Bình sớm trở thành huyện nông thôn mới phát triển giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc, đáng sống… Đến nay, Yên Bình đã hoàn thành các tiêu chí, đang trình Chính phủ công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới năm 2023” - Bí thư Huyện ủy Yên Bình An Hoàng Linh cho biết.
Có thể thấy, sau nhiều năm quyết tâm thực hiện xây dựng nông thôn mới, bức tranh nông thôn của tỉnh Yên Bái đã có sự thay đổi toàn diện, tích cực. Đây là kết quả của những cách làm hay, những mô hình sáng tạo, là minh chứng sống động, chân thực của “ý Đảng lòng dân” thống nhất, đồng lòng, sự phát huy vai trò chủ thể của mỗi cán bộ, đảng viên và Nhân dân cùng tham gia xây dựng những miền quê đáng sống. Đây cũng là tiền đề để tỉnh Yên Bái tiếp tục nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân, góp phần xây dựng tỉnh Yên Bái “xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc” như Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra.
163 lượt xem
Thu Nga