Tháng 11/2023, xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Đây là niềm vui, niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương sau 5 năm nỗ lực, đồng thời là tiền đề quan trọng để xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian tới.
Mô hình trồng bưởi da xanh ở thôn Hiển Dương cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.
Đạt chuẩn nông thôn mới năm 2018, xã Cường Thịnh giữ vững quan điểm "xây dựng nông thôn mới chỉ có điểm đầu, không có điểm kết thúc”. Nghị quyết của Đảng ủy xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm trong xây dựng nông thôn mới nâng cao trở thành việc thường xuyên của các cấp, các ngành, các tổ chức trong hệ thống chính trị địa phương. Công tác tuyên truyền sớm được đẩy mạnh làm chuyển biến rõ nét về vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân.
Xã đã chủ động rà soát lại quy hoạch phù hợp với tình hình thực tế của một địa bàn rộng 1.637 ha, có 6 thôn với 694 hộ, 2.672 người dân chung sống; đồng thời làm rõ lộ trình xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, tổ chức thực hiện chương trình có trọng tâm, trọng điểm, huy động và lồng ghép các nguồn vốn, phát huy nội lực của người dân và điều kiện địa phương để đầu tư hạ tầng kỹ thuật, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.
Quán triệt phương châm phát huy vai trò chủ thể của người dân, Nhà nước hỗ trợ; cấp ủy, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; Ủy ban MTTQ xã chủ trì, các tổ chức chính trị xã hội vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới; thực hiện triệt để nguyên tắc "Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, phong trào xây dựng nông thôn mới ở Cường Thịnh đã vượt lên một số khó khăn nội tại, những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ theo từng năm.
Trong tuyền truyền, xã đã chú trọng hướng dẫn nhân dân phát triển sản xuất nâng cao thu nhập; vận động nhân dân hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi, chủ động thực hiện các tiêu chí không có sự hỗ trợ của Nhà nước như: đóng góp công lao động, kinh phí để xây dựng, chỉnh trang, mua sắm trang thiết bị của các nhà văn hóa thôn; tham gia những việc cụ thể để hoàn thành tiêu chí về môi trường.
Công chức xã Cường Thịnh, huyện Trấn Yên trao đổi với người dân về kế hoạch mở rộng nhà văn hóa thôn. (ảnh tư liệu)
Tổ chức phát triển sản xuất nang cao thu nhập cho người dân cùng với thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản giai đoạn 2021 - 2025 theo nghị quyết HĐND tỉnh, xã tiến hành quy hoạch các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyên canh tập trung phù hợp với điều kiện sản xuất và lợi thế địa phương.
Đồng thời, xã vận động nhân dân đưa những cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao vào thâm canh, mở rộng quy mô diện tích cây trồng, vật nuôi có giá trị, phù hợp với điều kiện sản xuất, tạo vùng sản xuất hàng hóa với khối lượng lớn gắn với xây dựng các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp theo chuỗi liên kết, nâng cao giá trị gia tăng sản phẩm và phát triển bền vững.
Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp ở Cường Thịnh có bước đột phá, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa và sản phẩm chủ lực có giá trị, hiệu quả kinh tế và sức cạnh tranh trên thị trường như: vùng trồng cây dược liệu, vùng ươm cây giống, vùng chăn nuôi gia cầm tập trung. Đến nay, toàn xã có 24 cơ sở chăn nuôi hàng hóa, trong đó có 20 cơ sở chăn nuôi gia cầm quy mô từ 1.000 - 60.000 con, 3 cơ sở nuôi lợn và 1 chăn nuôi 10 con trâu, bò trở lên cùng một số mô hình cây ăn quả, vùng trồng hoa, cây cảnh.
Sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp được coi là trọng tâm trong phát triển kinh tế nên xã khuyến khích đầu tư các cơ sở chế biến gắn với vùng nguyên liệu, góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho lao động địa phương. Hoạt động thương mại, dịch vụ phát triển với sự ra đời của các điểm đại lý bán hàng của nhiều thành phần kinh tế; một số cửa hàng bán lẻ với nhiều loại mặt hàng có quy mô ngày càng lớn.
Việc tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn được chú trọng với hoạt động của 2 doanh nghiệp, 6 hợp tác xã và 26 tổ hợp tác tham góp vào chuỗi giá trị gắn với sản phẩm chủ lực như: gà đồi, mật ong, dược liệu, trong đó sản phẩm Mật ong Cường Thịnh đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Các hợp tác xã tạo việc làm và tăng thu nhập cho thành viên trung bình đạt 120 triệu đồng/năm, góp phần không nhỏ trong quá trình thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế - xã hội của địa phương.
Kinh tế phát triển, thu nhập bình quân của người dân trong xã năm 2023 đạt 51,2 triệu đồngnăm, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 0,7%. Kết quả này đã tạo điều kiện để xã huy động thuận lợi sự đóng góp của nhân dân thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tính từ năm 2018 đến hết 2023, trong tổng số 88,5 tỷ đồng đầu tư cho xây dựng nông thôn mới ở Cường Thịnh có tới 66,6 tỷ đồng là nguồn lực từ trong dân, chiếm 68,5%; 2,4 tỷ đồng do doanh nghiệp, hợp tác xã và các loại hình kinh tế khác đóng góp, còn lại do Nhà nước đầu tư.
Đến nay, toàn bộ hệ thống giao thông đã được cứng hóa, trong đó 100% đường thôn là đường bê tông, trong tổng số 9,7 km đường ngõ xóm đã có 72,8% được bê tông hóa. Hệ thống thủy lợi đảm bảo tưới tiêu chủ động cho 93,1% diện tích gieo cấy lúa; các tiêu chí về điện, trường học, trạm y tế, cơ sở vật chất văn hóa có chất lượng cao hơn giai đoạn trước.
Hội viên Hội CCB xã Cường Thịnh nuôi ong mang lại thu nhập cao cho gia đình, góp phần phát triển kinh tế xã hội địa phương.
Đáng mừng là nhận thức của người dân Cường Thịnh ngày càng được nâng cao nhờ hệ thống thông tin, truyền thông phát triển; tỷ lệ người dân trong độ tuổi lao động sử dụng điện thoại thông minh đạt 92,4%. Công tác đào tạo nghề được quan tâm nên trong số trên 1.600 lao động của xã có 1.214 người qua đào tạo nghề, trong đó đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ 505 người.
Cùng với sự phát triển nông thôn mới, xã luôn động viên nhân dân chỉnh trang xây dựng, nâng cấp nhà ở. Toàn xã có 661/694 nhà đạt chuẩn theo quy định, đạt tỷ lệ 95,2%, tạo ra bộ mặt nông thôn mới khang trang, sạch đẹp; môi trường sống được nhân dân quan tâm bảo vệ. Năm 2023, xã có gần 95% hộ dân đăng ký đạt danh hiệu "Gia đình văn hóa”.
Được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là động lực để Cường Thịnh rút ngắn đường đến đích nông thôn mới kiểu mẫu trong thời gian gần nhất.
Với bài học kinh nghiệm và phát huy những mô hình xây dựng nông thôn mới tiêu biểu như ở các thôn Đồng Lần, Đầm Hồng, Hiển Dương và một số thôn khác, mục tiêu xã đặt ra là: duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt nhưng chưa mang tính bền vững; giữ vững và nâng cao chất lượng các thôn đã đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu, tạo tiền đề xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Cùng đó, các giải pháp được đề ra cụ thể, phù hợp gắn với đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết chung sức xây dựng nông thôn mới sẽ là cơ sở để hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu của người dân Cường Thịnh trong thời gian ngắn nhất.
123 lượt xem
1