Tỉnh Yên Bái có 110/150 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 73,33%. Trong đó, năm 2024, tỉnh Yên Bái đã công nhận 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái xây dựng nông thôn mới đã làm diện mạo nông thôn có sự thay đổi tích cực.
Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái - ông Hoàng Hữu Độ, toàn tỉnh Yên Bái có 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm huyện Trấn Yên, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và huyện Yên Bình.
Số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là 37 xã, số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu là 11 xã gồm các xã Tuy Lộc, Minh Bảo, thành phố Yên Bái; xã Đào Thịnh, Việt Thành, Minh Quán, Báo Đáp, Bảo Hưng, Nga Quán, huyện Trấn Yên; xã Đông Cuông, Đại Phác, huyện Văn Yên; xã Đại Minh, huyện Yên Bình. Tổng số thôn công nhận đạt chuẩn thôn nông thôn mới kiểu mẫu là 245 thôn.
Với sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị trong tỉnh Yên Bái, công cuộc xây dựng nông thôn mới đã được thể hiện ở diện mạo nông thôn các địa phương trong tỉnh có sự thay đổi tích cực, toàn diện, văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được cải thiện, hệ thống chính trị được củng cố, tăng cường, dân chủ ở cơ sở được phát huy, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, vai trò làm chủ và vị thế của người dân ngày càng được nâng cao trong việc thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái, dự kiến hết năm 2024, tỉnh Yên Bái tiếp tục phấn đấu công nhận thêm 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 7 xã đạt nâng cao, 4 xã kiểu mẫu và phấn đấu huyện Văn Yên đạt chuẩn nông thôn mới.
Dự kiến Kế hoạch thực hiện Chương trình năm 2025 và giai đoạn 2021-2025 có thêm 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Yên Bái là một tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn; kết cấu cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ; thu nhập của người dân còn thấp; trong khi nguồn lực đầu tư để xây dựng nông thôn mới rất lớn, cộng với khả năng đối ứng của ngân sách địa phương và nguồn đóng góp của nhân dân hạn chế nên gặp nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện Chương trình.
Giai đoạn 2024-2025, Tỉnh Yên Bái còn lại 44 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 42 xã đặc biệt khó khăn Khu vực III thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 861/QĐ-TTg. Do vậy, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh trong những năm tiếp theo cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn vì các xã đều có xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới là rất thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp...
Sản xuất nông nghiệp mặc dù đã chuyển biến tích cực nhưng nhìn chung vẫn chưa hình thành được vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn; các chuỗi giá trị sản xuất còn lỏng lẻo, thiếu bền vững nên đã ảnh hưởng nhất định đến thu nhập của người dân. Nhiều địa phương đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng thiếu sự tham gia của doanh nghiệp, HTX dẫn đến khó tiêu thụ sản phẩm hoặc mất giá.
Do ảnh hưởng của báo số 3 và biến đổi khí hậu đã gây thiệt hại rất lớn về người, tài sản của nhà nước và nhân dân, có tác động đến cuộc sống, sinh hoạt, sản xuất của người dân.
Nhu cầu vốn để thực hiện Chương trình là rất lớn, trong khi nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách Trung ương để thực hiện chương trình hằng năm còn hạn chế; nguồn thu từ ngân sách địa phương thấp và phải cân đối, lồng ghép thực hiện nhiều nhiệm vụ cấp bách thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Yên Bái.
Để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, UBND tỉnh Yên Bái đề nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ban, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo để các tỉnh nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng triển khai thực hiện đảm bảo các mục tiêu giai đoạn 2021-2025 của chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Khu vực trung tâm xã Hưng Khánh (huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái), xã đang hướng đến hoàn thành các tiêu chí xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Mục tiêu đến hết năm 2024, cả hệ thống chính trị tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân để khơi dậy được tiềm năng, lợi thế của địa phương trong phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo an ninh trật tự... phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 và của năm 2024.
Cùng với việc tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan toả lớn trong nhân dân, cộng đồng, xã hội.
82 lượt xem