Một trong những nguồn lực quan trọng đóng góp vào quá trình phát triển nông nghiệp đa giá trị nằm ở các mô hình kinh tế hợp tác, các hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Các HTX phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp đa giá trị đã tạo thêm cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn.
Lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh thăm mô hình trồng cây Trà hoa vàng của hội viên nông dân Vũ Quyết Thắng tại xã Xuân Long, huyện Yên Bình.
Nâng cao vai trò của HTX
Thời gian qua, kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các HTX trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển cả về chất và lượng. Đến nay, tỉnh Yên Bái có trên 820 HTX với trên 33.600 thành viên. Trong đó có 460 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp với trên 7.400 thành viên chiếm 55,8%. Các HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong tập trung diện tích đất sản xuất, chuyên môn hóa sản xuất, phát huy vai trò tập thể trong việc hội tụ, thu hút nguồn lực, để có thể tiếp cận được những công nghệ mới, phối hợp trong tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu, quảng bá và lưu thông sản phẩm ra thị trường trong nước và quốc tế.
Để tạo thuận lợi cho các HTX nông nghiệp phát triển, tỉnh Yên Bái đã xây dựng, ban hành và triển khai nhiều cơ chế, chính sách như: Hỗ trợ đầu tư phát triển, hoàn thiện kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất; giao đất, cho thuê đất; hỗ trợ vốn, giống khi gặp khó khăn do thiên tai, dịch bệnh; hỗ trợ HTX liên kết sản xuất, chế biến sản phẩm; hỗ trợ phí mua Bảo hiểm nông nghiệp…
Những chính sách này thực sự là đòn bẩy để KTTT với nòng cốt là HTX phát triển, khẳng định được vai trò, vị trí trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Điển hình như: HTX Quế hồi Việt Nam, HTX nông nghiệp và phát triển nông thôn Hưng Thành (huyện Trấn Yên); HTX nông lâm thủy sản Khánh Thiện (huyện Lục Yên); HTX Dịch vụ tổng hợp Thiên An, (huyện Yên Bình); HTX Nông nghiệp hữu cơ Mù Cang Chải, (huyện Mù Cang Chải)…
Bên cạnh việc thúc đẩy, phát triển HTX, tổ hợp tác nông nghiệp theo chuỗi giá trị, tỉnh Yên Bái đã còn quan tâm phát triển loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, nhằm khai thác tiềm năng, thế mạnh, đa dạng hóa loại hình, sản phẩm du lịch, thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển theo hướng bền vững.
Để thúc đẩy, hỗ trợ phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện cho cá nhân, HTX, doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch nông thôn như: Nghị quyết số 14/2018 ngày 2/8/2018 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 10/2021, ngày 19/2/2021 của HĐND tỉnh, quy định mức hỗ trợ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) và hỗ trợ phát triển du lịch đối với các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các doanh nghiệp, HTX, cá nhân, hộ gia đình có hoạt động kinh doanh du lịch…
Qua triển khai, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã trở thành đòn bẩy thúc đẩy phát triển du lịch Yên Bái nói chung, du lịch nông nghiệp, nông thôn Yên Bái nói riêng. Ngoài ra, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các sản phẩm ngành nghề, sản phẩm OCOP gắn với nông nghiệp, đặc trưng của từng địa phương. Thông qua các hoạt động này góp phần tăng tính đa dạng cho điểm đến, thêm sức hút cho du lịch Yên Bái thời gian qua.
Tuy nhiên, hoạt động du lịch trong các HTX chủ yếu phát triển tự phát, không có quy hoạch, thiếu sự gắn kết với tour du lịch nên chưa thu hút được nhiều du khách. Sản phẩm du lịch nông nghiệp chưa thực sự hấp dẫn du khách và chưa được chú trọng về mẫu mã, thương hiệu; lao động làm việc trong các HTX chủ yếu không được đào tạo, thiếu kiến thức và kỹ năng du lịch.

Xã Thành Thịnh, huyện Trấn Yên phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm gắn với du lịch trải nghiệm - hướng đi mới nâng cao thu nhập cho người nông dân.
Vì thế, các HTX chưa khai thác hết được tiềm năng du lịch bản địa; thiếu kinh nghiệm làm du lịch, thiếu kiến thức trong sản xuất nên xuất hiện nhiều rủi ro như: Phát sinh dịch bệnh, đầu tư xây dựng hạ tầng trái quy định (nhất là các công trình phục vụ du lịch xây dựng trên đất nông nghiệp); ô nhiễm môi trường, du nhập tệ nạn vào nông thôn…
Ông Nguyễn Đức Lâm - Phó Chỉ tịch Thường trực Liên minh HTX tỉnh cho biết: Thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể xây dựng các mô hình nông trại thí điểm phát triển nông nghiệp gắn với du lịch theo từng giai đoạn và nhân rộng ra các địa phương, nhằm xây dựng các sản phẩm đặc trưng. Đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa các bên trong mô hình phát triển nông trại, nông nghiệp gắn với du lịch nông nghiệp nông thôn gồm nông dân, doanh nghiệp lữ hành, địa phương, cơ quan quản lý nông nghiệp, du lịch; đề xuất, kiến nghị với các cấp có thẩm quyền ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn đầu tư, hoàn thiện kết cấu hạ tầng sản xuất, hạ tầng phát triển du lịch, đào tạo nguồn nhân lực sản xuất nông nghiệp kết hợp làm du lịch, phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống, phát triển trang trại gắn với du lịch…
Kết quả đáng mừng
Trong thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức, song sản xuất nông nghiệp của Yên Bái đã đạt được những kết quả khá toàn diện, thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; các chương trình mục tiêu quốc gia được triển khai quyết liệt, đồng bộ; các cơ chế, chính sách đặc thù được ban hành kịp thời để thúc đẩy phát triển sản xuất, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, diện mạo nông thôn ngày một khởi sắc, tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng khá.
Các hình thức tổ chức sản xuất không ngừng được đổi mới theo hướng liên kết thành lập tổ hợp tác, HTX và liên doanh liên kết với doanh nghiệp tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.
Từ năm 2021 đến nay toàn tỉnh hỗ trợ thực hiện trên 70 dự án liên kết phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm chủ lực của tỉnh, các chuỗi liên kết sản xuất được duy trì và hoạt động có hiệu quả, điển hình như: các chuỗi trồng dâu, nuôi tằm; chuỗi sản xuất sản phẩm tre măng Bát độ; chuỗi sản xuất chè, chuỗi sản xuất quế hữu cơ....
Từng bước xây dựng, hình thành các vùng sản xuất nguyên liệu tập trung chuyên canh của tỉnh như: Gỗ rừng trồng nguyên liệu trên 90.000 ha; quế trên 82.000 ha, Sơn tra trên 9.300 ha; măng tre Bát độ gần 6.000 ha; chè trên 7.400 ha; cây ăn quả trên 10.000 ha; dâu tằm trên 1.100 ha...
Trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất theo hướng tuần hoàn, tích hợp đa giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu như: Mô hình sản xuất lúa ruộng bậc thang vùng cao gắn với du lịch mùa vàng; mô hình chè Shan tuyết cổ thụ gắn với du lịch; mô hình nuôi cá lồng gắn với tham quan du lịch trải nghiệm trên hồ Thác Bà; mô hình trồng sen gắn với du lịch sinh thái tại huyện Trấn Yên…đã giúp người sản xuất tăng thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác, góp phần tiết kiệm và sử dụng có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.
Đặc biệt, Công ty TNHH điện sinh khối EREX đã đầu tư xây dựng Nhà máy Điện sinh khối tại Yên Bái, trên cơ sở tận dụng tối đa nguồn năng lượng sinh khối từ các phụ phẩm, phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp, chế biến lâm sản và các loại cây trồng khác có thể sử dụng làm nhiên liệu cho sản xuất điện.
Đây được xem là một cách tiếp cận mới theo hướng tuần hoàn, tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, giảm lãng phí sản xuất, hạn chế những tác động tiêu cực cho môi trường, đồng thời tạo ra năng lượng tái tạo hữu ích cho xã hội. Từ đó, góp phần tích cực làm thay đổi, tư duy, phương thức sản xuất của người nông dân theo hướng tuần hoàn, tích hợp đa giá trị gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.
Trên cơ sở chủ trương, định hướng của Trung ương, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Yên Bái đã cụ thể hóa bằng các nghị quyết, chương trình hành động, đề án, chính sách để định hướng và hỗ trợ thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Hàng năm tỉnh Yên Bái đã cân đối, bố trí khoảng 90 tỷ đồng để thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh. Qua đó, có thể khẳng định đây chính là thời cơ thuận lợi để ngành nông nghiệp cùng người nông dân từng bước thực hiện mục tiêu đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng hiệu quả, giá trị gia tăng và bền vững.
Thách thức cần vượt qua
Tuy nhiên, Yên Bái cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do xuất phát điểm kinh tế nông thôn còn thấp, nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, địa hình phức tạp, đất đai manh mún, trình độ sản xuất còn nhiều hạn chế, kết cấu hạ tầng khu vực nông thôn còn thiếu và yếu. Tình hình biến đổi khí hậu ngày một gia tăng, các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra và khó lường, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi tiềm ẩn nguy cơ rủi ro rất lớn đối với sản xuất nông nghiệp.
Năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản của tỉnh tuy đã được nâng lên, song nhìn chung chưa đáp ứng được kỳ vọng, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế phát triển, năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản còn yếu, chưa tạo dựng được thương hiệu, chỗ đứng vững chắc trên thị trường, các kênh tiêu thụ đầu ra cho sản xuất thiếu ổn định.
Trong thời gian tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; phát triển nông nghiệp dựa trên những lĩnh vực có lợi thế so sánh của tỉnh gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ nông thôn.
Đồng thời, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa tập trung theo hướng liên kết sản xuất vừa và nhỏ liền kề tạo ra vùng sản xuất lớn; phát huy tối đa thế mạnh của địa phương. Triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án, chính sách của trung ương và của tỉnh; các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản. Đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất theo tổ hợp tác, HTX; thu hút các thành phần kinh tế tham gia sản xuất, liên doanh, liên kết tiêu thụ sản phẩm nông sản theo chuỗi giá trị.
Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt được; ưu tiên bố trí, huy động lồng ghép các nguồn lực đầu tư cho các xã nông thôn mới theo kế hoạch; tăng cường thực hiện công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số trong nông nghiệp...
Việc ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, chuyển mạnh từ sản xuất lấy số lượng làm mục tiêu sang sản xuất sản phẩm chất lượng, có giá trị gia tăng cao, ứng dụng khoa học công nghệ trong trồng trọt và chăn nuôi, kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn… là giải pháp giúp Yên Bái tạo đột phá, tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá bền vững. Sự đột phá này không chỉ góp phần nâng cao đời sống người nông dân mà còn mở ra những cơ hội lớn cho Yên Bái trên con đường hội nhập kinh tế toàn cầu.
11 lượt xem