Để chủ động phòng, chống đói rét cho trâu, bò trong vụ đông năm 2021, người chăn nuôi cần tận dụng tối đa được nguồn rơm, rạ sau khi thu hoạch lúa mùa, dự trữ và chế biến sử lý rơm làm thức ăn cho trâu bò. Tuy hàm lượng dinh dưỡng thấp, nhưng đem rơm, rạ chế biến sẽ là nguồn thức ăn tốt, giàu dinh dưỡng, hàm lượng Protein cao. Bà con chăn nuôi cần chú ý các phương pháp dự trữ, chế biến rơm, rạ như sau:
Làm cây rơm dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông là cách làm phổ biến ở vùng nông thôn.
1- Phương pháp tận thu rơm, rạ sau thu hoạch:
Sau khi gặt lúa, thu rơm, rạ về cần phơi khô, tránh để bị nấm mốc; sau đó, đưa về nhà, đánh thành cây rơm dự trữ cho trâu, bò ăn trong mùa đông.
2- Biện pháp ủ Urê:
a) Chuẩn bị nguyên vật liệu:
- Rơm khô, túi ni lông hoặc xây bể nổi hoặc ủ thành cây rơm xung quanh có ni lông bao phủ kín có dây buộc chặt, thùng nhựa, thùng phi… tùy vào lượng rơm cần ủ mà chọn kích thước cho phù hợp. Thông thường, chăn nuôi trong nông hộ số lượng trâu, bò ít thì sử dụng bao nilon là phù hợp nhất.
- Đạm Urê + nước sạch, găng tay, ô doa…
b) Phương pháp ủ:
Sử dụng công thức: 100 kg rơm khô + 4 kg Urê + 100 lít nước.
Phương pháp thực hiện như sau: 10 kg rơm khô, rải đều lên sân gạch hoặc tấm vải nhựa. Dùng bình ô doa đựng 10 lít nước + 0,4 kg Urê, khuấy đều đến khi tan hết đạm vào nước. Tưới nước đã pha Urê vào rơm, cứ 10 kg rơm thì tưới 10 lít nước đã hòa với Urê (nếu rơm tươi và ướt thì chỉ tưới 6 - 7 lít nước đã pha/10 kg rơm) cứ lần lượt tưới cho đến hết nước; sau đó, đảo đều và cho vào thùng, bể, bao ni lon, buộc kín miệng để ủ trong 10 ngày thì có thể cho trâu bò ăn.
c) Phương pháp cho ăn:
Sau khi ủ 10 ngày, kiểm tra rơm có mùi thơm, vàng bắt đầu lấy cho trâu, bò ăn. Lúc đầu cho ăn ít khoảng 1 - 2 kg/con/ngày và cần phải tập cho trâu bò ăn dần bằng cách trộn lẫn với cỏ tươi (khoảng 50%); sau 2 - 3 ngày trâu, bò sẽ ăn quen dần và lượng ăn tăng dần lên; mỗi ngày cho ăn tối đa từ 7 - 10 kg/con trâu, bò.
3- Biện pháp mềm hóa rơm:
Đây là biện pháp đơn giản nhằm tăng cường hàm lượng dinh dưỡng có trong rơm khô giúp cho trâu, bò thích ăn.
- Nguyên liệu: rơm khô, muối và nước sạch, xô, chậu.
- Phương pháp: Hòa muối vào nước để được dung dịch 5 - 7% (cứ 10 lít nước sạch hòa với 0,5 đến 0,7 kg muối) tưới vào rơm khô đã dự trữ cho trâu bò ăn trực tiếp.
4- Biện pháp ủ kiềm hóa rơm:
a) Chuẩn bị nguyên vật liệu:
- Rơm khô, đạm Urê + nước sạch, găng tay, ô doa, vôi, muối ăn, cào, xẻng, bể, nhà để rơm đã sử lý hoặc bao tải…
b) Phương pháp ủ:
Công thức: - Rơm khô: 100 kg, Urê: 2,5 kg; vôi: 0,5 kg; muối ăn: 0,5 kg; nước sạch: 70 - 80 lít. Urê, vôi, muối được hoà tan vào 70 - 80 lít nước cho tan đều; sau đó, tưới vào 100 kg rơm cho tất cả rơm được thấm nước hỗn hợp Urê, vôi, muối.
Cách ủ: Dùng sân sạch, nilon hoặc vải xác rắn rộng khoảng 2 - 3 m2, trải từng lớp rơm dày khoảng 15 - 20 cm (1 gang tay); sau đó, tưới nước đã hòa tan Urê, vôi, muối cho thấm đều tất cả lớp rơm rồi lại cho lớp khác và tưới đều. Lần lượt như vậy, tưới cho ẩm hết lượng rơm. Các lớp dưới nên tưới ít, các lớp trên tưới nhiều hơn, phần dư thừa sẽ thấm xuống các lớp dưới không gây lãng phí. Sau khi rơm được tưới đều, ta cho chúng vào các bao tải dứa có bao ni lon, nén thật chặt. Buộc chặt để giữ cho rơm chế biến sạch sẽ, tránh nắng mưa, ẩm ướt.
c) Cách cho ăn:
Rơm ủ trong 7 - 10 ngày, lấy ra cho trâu, bò ăn. Rơm ủ có chất lượng tốt, có màu vàng đậm, mùi Urê, không có mùi mốc, rơm ẩm, mềm. Sau khi lấy ra, ta lại buộc kín miệng bao tải ngay. Những ngày đầu tập cho trâu, bò ăn, cần lấy rơm ủ ra, phơi trong mát chừng 30 - 60 phút để mùi Urê, vôi bay bớt. Khi cho ăn, cần trộn thêm 50% cỏ tươi cắt ngắn cho vào chậu hoặc máng ăn sạch; mỗi ngày cho ăn tối đa từ 7 - 10 kg/con trâu bò.
6188 lượt xem
1