Yên Bái dù là tỉnh miền núi, đời sống kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, nhưng những năm qua với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, cùng cách làm hay, sáng tạo đã tạo được nguồn lực phát triển kinh tế, đời sống người dân được nâng lên, Yên Bái đã từng bước vượt khó xây dựng nông thôn mới (NTM).
Đồng chí Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh (ngoài cùng bên phải) thăm mô hình HTX tổng hợp Đông Yến (xã Đông An, huyện Văn Yên)
Tỉnh miền núi, nhiều khó khăn
Yên Bái có địa hình bị chia cắt, thường xuyên bị ảnh hưởng do thiên tại gây ra. Tính từ năm 2009 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh xảy ra 178 đợt không khí lạnh, 77 đợt tố lốc và mưa lớn, chịu ảnh hưởng của 41 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Các đợt thiên tai đã làm 145 người chết và mất tích, 120 người bị thương; 842 nhà sập đổ; 22.563 ha diện tích cây trồng bị thiệt hại; 68.724 con gia súc, gia cầm bị chết, hư hỏng nhiều công trình cơ sở hạ tầng của nhà nước, nhà xưởng, cơ sở hạ tầng của doanh nghiêp và của người dân. Ước thiệt hại khoảng 3.329 tỷ đồng.
Diện mạo nông thôn khởi sắc nhờ xây dựng nông thôn mới.
Hơn nữa, Yên Bái là tỉnh đa dân tộc, dân cư sống không tập chung, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn; trình độ dân trí không đồng đều. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động ở nông thôn còn chậm; sản phẩm nông nghiệp chất lượng thấp, năng lực cạnh tranh chưa cao; kinh tế hộ vẫn chiếm vai trò chủ đạo trong nông nghiệp của tỉnh. Nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào nông nghiệp trong khi tình hình thiên tai và dịch bệnh xảy ra thường xuyên, giá cả thị trường luôn biến động, không ổn định gây nhiều bất lợi cho người sản xuất, nhất là sản xuất nông nghiệp, dẫn đến thu nhập của người dân còn bấp bênh, gây khó khăn trong việc huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới.
Ông Nhâm Xuân Trường – Phó Chánh Văn phòng Điều phối Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng NTM tỉnh Yên Bái cho biết: Năm 2011, khi mới bắt đầu triển khai chương trình xây dựng NTM đã gặp phải rất nhiều khó khăn, toàn tỉnh chỉ có 02/157 xã đạt từ 10-15 tiêu chí, 17/157 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn nhiều nơi chưa đạt chuẩn. Nguyên nhân chính là do chưa nhận được sự đồng thuận của người dân, chưa phát huy được chủ thể là người nông dân.
Để giải quyết những khó khăn vướng mắc của địa phương, tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định số 1957/QĐ-UBND ngày 22/11/2010 về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020. Trong quá trình triển khai thực hiện đã kiện toàn Ban chỉ đạo theo yêu cầu của Trung ương và phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh để đảm bảo hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Hiệu quả từ cách làm hay
Sau 10 năm triển khai thực hiện, Ban chỉ đạo Chương trình MTQG xây dựng NTM các cấp đã duy trì thường xuyên, triển khai nhiều cách làm hay và sáng tạo, nhờ đó đã đạt được những kết quả tích cực.
Tính đến 31/8/2019, toàn tỉnh đã có 54/157 xã (34,3%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Dự kiến đến hết năm 2019 sẽ đạt 68 xã (43,3%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, tỉnh Yên Bái sẽ nằm trong nhóm 07/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến 2020. Có được kết quả đó là nhờ sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền từ tỉnh tới cơ sở.
Các huyện, các xã đều có các sản phẩm nông nghiệp riêng
Ông Nhâm Xuân Trường, Phó Chánh Văn phòng Điều phối MTQG xây dựng NTM tỉnh Yên Bái chia sẻ: Trong 10 năm xây dựng NTM, thời gian đầu tỉnh Yên Bái cũng gặp rất nhiều khó khăn, bởi người dân chưa thật sự vào cuộc và chưa hiểu được lợi ích từ chương trình này mang lại. Những năm sau đó, tỉnh tích cực tuyên truyền tới người dân, dần dần ý thức của người dân về xây dựng NTM cũng thay đổi tích cực.
Đối với các xã vùng thấp của tỉnh, việc phấn đấu về đích NTM cũng không gặp nhiều khó khăn như các xã vùng cao. Đặc biệt như tại huyện Trấn Yên, tới thời điểm hiện tại, toàn huyện có 17/20 xã đã đạt chuẩn NTM. Trong tháng 10/2019, Trấn Yên sẽ trở thành huyện đạt chuẩn NTM. Trước đây, xã Hồng Ca là xã đặc biệt khó khăn của huyện nên quá trình xây dựng NTM của xã gặp nhiều khó khăn. Rào cản trong xây dựng NTM của xã là dân số chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, trình độ dân trí còn thấp, đời sống còn gặp nhiều khó khăn, hơn nữa hủ tục của người dân rất lạc hậu.
“Thế nhưng giờ lên Hồng Ca đã có nhiều thay đổi, lên xã giờ có đường bê tông, người dân biết trồng các cây ăn quả có múi mang lại thu nhập cao. Điều đặc biệt là hủ tục lạc hậu như nuôi nhốt gia súc trước nhà không đảm bảo vệ sinh môi trường không còn nữa, người dân đã chuyển chuồng trại ra phía sau nhà, trước nhà là trồng hoa. Tới đây xã Hồng Ca của Trấn Yên đang chuẩn bị đón nhận xã NTM, người dân rất vui”, ông Nhâm Xuân Trường phấn khởi chia sẻ.
Sau 2 năm trở lại huyện vùng cao Mù Cang Chải, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc, rất nhiều thôn bản có đường bê tông về tới bản. Ông Lý A Lù, Phó Chủ tịch UBND xã Lao Chải tâm sự: Từ ngày được cán bộ trên huyện về tuyên truyền xây dựng NTM xã cũng rất hưởng ứng. Thế nhưng ở đây chủ yếu là người Mông nên cuộc sống còn rất nhiều khó khăn, chúng tôi cũng vận động người dân thay đổi hủ tục về chăn thả gia súc để đảm bảo môi trường. Hay như vận động người dân góp tiền mở đường bê tông về bản sau mỗi lần cả xã được nhận tiền Chi trả dịch vụ môi trường rừng. Giờ nhiều thôn bản của xã đã có đường bê tông về bản, góp phần nhỏ trong xây dựng NTM đấy.
Nhờ có sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, vận dụng những cách làm hay, sáng tạo phù hợp với hoàn cảnh kinh tế - xã hội của từng địa phương giúp diện mạo nông thôn Yên Bái thêm phần khởi sắc, từng bước vượt khó xây dựng NTM. Quan trọng hơn, nhận thức của người dân vùng cao về xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến tích cực.
2173 lượt xem
Ban Biên tập