Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nhà nông cần biết >> Kinh tế

Tưới nước, bón phân đúng cách

04/07/2018 14:33:03 Xem cỡ chữ Google
Không nên hòa lân supe với một lượng lớn để tưới thúc vào gốc cho rau màu sẽ làm bó chặt bộ rễ cây, oxy không lưu thông được, cây sẽ nhanh bị thối hỏng rễ và chết.

Ảnh minh họa

Hiện là thời điểm chăm sóc rau màu vụ đông. Thực tế vẫn còn nhiều nông dân chưa biết cách chăm bón nên rau màu bị thối lá, rễ... dẫn đến chết cây. Xin lưu ý một số biện pháp tưới nước, bón phân đúng kỹ thuật.

- Tưới nước dưỡng ẩm cho cây: Nước là một yếu tố không thể thiếu trong đời sống của mỗi cây trồng. Tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau mà nhu cầu cây trồng cần nhiều hay ít nước. Tuy nhiên, độ ẩm đồng ruộng mà cây rau màu luôn cần ở mức từ 75 - 80%.

Do đó để rau màu phát triển được thuận lợi nông dân cần chú ý dưỡng ẩm cho cây liên tục nhất là thời kỳ phát triển thân lá, ra hoa đậu quả và nuôi quả. Đất luống rau cần ẩm nhưng không ướt (đất nắm trong tay vẫn còn nguyên hình dạng nhưng không có nước rỉ ra kẽ tay).

Mặt khác, việc cung cấp nước cho cây trồng qua phương pháp tưới ngấm là tốt nhất trong SX đại trà: Nước được dẫn vào các dõng luống sao cho mức nước dõng bằng 1/3 hoặc 1/2 chiều cao luống tùy từng giai đoạn phát triển của cây sao cho thích hợp.

Để nước ngấm dần vào luống rau trong vòng từ 2 - 3 giờ sau đó tháo kiệt nước trong ruộng.

Không nên hòa lân supe với một lượng lớn để tưới thúc vào gốc cho rau màu sẽ làm bó chặt bộ rễ cây, oxy không lưu thông được, cây sẽ nhanh bị thối hỏng rễ và chết. Nếu thấy hiện tượng cây bị vàng lá, nghẹt rễ tốt nhất nên xới xáo nhẹ mặt luống lúc khô ráo nếu có thể và sử dụng các loại phân bón lá tổng hợp hoặc phân siêu ra rễ để thúc cho rau theo nồng độ và liều lượng khuyến cáo trên bao bì.

* Chú ý:

+ Để giảm thiểu lượng cây chết do ngập úng khi gặp mưa lớn người trồng rau màu lúc làm đất lên luống cần chú ý san phẳng bề mặt ruộng cũng như lên luống cao đều nhau và mặt luống bằng phẳng. Dõng luống luôn phải được nạo vét khơi thông để tránh nước đọng. Đầu dõng luống cần được nạo vét thấp hơn dõng trong ruộng.

+ Trong trường hợp nước không đủ để tưới ngấm, có thể dùng bát, gáo té hoặc múc nước tưới cây.

Việc làm này dẫn đến thân lá cây trồng bị dính, đọng nước nên cần tưới vào chiều sớm để cây về đêm được khô nước trên thân lá sẽ giảm thiểu tỷ lệ cây bị bệnh. Mặt khác, khi tưới cần khéo léo đổ hoặc té nước vào giữa hai hàng cây, hạn chế tối đa thân lá cây trồng dính nước.

- Tưới thúc phân bón cho cây: Một số cây trồng có mật độ dày không thể bón thúc bằng biện pháp vùi thì việc hòa phân bón với nước thành dung dịch để tưới cho rau là cần thiết. Song, nếu làm không đúng kỹ thuật có thể vô tình làm cây bị bệnh và chết.

Bởi người trồng rau có thói quen cứ nhằm gốc cây mà tưới. Việc làm này không những gây chết sót cây con mà còn gây thối hỏng bộ rễ cây trưởng thành do thu hút, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh (nấm và vi khuẩn) phát sinh phát triển nhiều vì giàu đạm.

 Tình trạng cây trồng bị chết rũ sau khi bón phân thúc đã xảy ra khi nông dân không biết lại cứ tiếp tục tưới đạm xuống gốc lần nữa.

Hơn nữa, việc cung cấp dinh dưỡng cho cây theo cách trên sẽ làm cây trồng khó có thể hấp thu dinh dưỡng sau khi bón. Lý do, vì bộ phận hút nước và dinh dưỡng của cây là đầu chót rễ chứ không phải trong gốc cây trồng. Cho nên cần phải tưới phân vào vị trí giữa các hàng cây hoặc cách gốc cây theo mức chiều dài của rễ.

* Chú ý: Cây rau màu có thể bị chết do sót đạm nhất là thời kỳ cây con. Khi tưới thúc urê và kali cho cây trồng ngoài cách như trên, không nên lạm dụng đạm mà hòa với nồng độ quá cao.

Lượng urê thích hợp nhất cho rau màu thông thường từ 0,5 - 1 kg/sào/lần tưới. Đây cũng là lượng đạm khuyến cáo để cây rau được an toàn sau khi bón urê trong quy trình VietGAP.

 

22709 lượt xem
52