Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nhà nông cần biết >> Kinh tế

Một số đặc điểm nhận biết bệnh Dịch tả lợn châu Phi

23/05/2019 14:27:17 Xem cỡ chữ Google
Bệnh Dịch tả lợn châu Phi (tên tiếng Anh là African swine fever – ASF) là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, do vi rút gây ra. Bệnh có đặc điểm lây lan, gây bệnh ở mọi lứa tuổi và ở mọi loài lợn (cả lợn nhà và lợn hoang dã). Bệnh gây thiệt hại nghiêm trọng, với tỷ lệ chết cao lên đến 100%.

Ảnh minh họa

Bệnh Dịch tả lợn châu Phi do một loại vi rút có sức đề kháng cao trong môi trường gây ra. Lợn khỏi bệnh có khả năng mang vi rút trong thời gian dài, có thể là vật chủ mang trùng suốt đời, do vậy khó có thể loại trừ được bệnh nếu để xảy ra bệnh Dịch tả lợn châu Phi.

Vi rút Dịch tả lợn châu Phi được tìm thấy trong máu, cơ quan, dịch bài tiết từ lợn nhiễm bệnh và lợn chết bởi bệnh này. Lợn sau khi khỏi bệnh sẽ ở thể mãn tính, có thể mang vi rút suốt đời. Ngoài ra, ve mềm thuộc chi Ornithodoros là một vector sinh học trong tự nhiên.

Vi rút Dịch tả lợn châu Phi có sức đề kháng cao, có thể tồn tại trong chất tiết, dịch tiết, trong xác động vật, trong thịt lợn và các chế phẩm từ thịt lợn như xúc xích, giăm bông, salami. Vi rút có khả năng chịu được nhiệt độ thấp, đặc biệt là trong các sản phẩm thịt lợn sống hoặc nấu ở nhiệt độ không cao, trong thời gian dài từ 3- 6 tháng. Vi rút có thể bị tiêu diệt ở nhiệt độ 56°C trong 70 phút hoặc ở 60°C trong 20 phút. Vi rút sống trong máu đã phân hủy được 15 tuần; trong máu khô không được 70 ngày; trong phân ở nhiệt độ phòng được 11 ngày; trong máu lợn ở nhiệt độ 4°C trong 18 tháng; trong thịt dính xương ở nhiệt độ 39°C được 150 ngày; trong giăm bông được 140 ngày và ở nhiệt độ 50°C tồn tại trong 3 giờ.

Trong môi trường không có huyết thanh, vi rút có thể bị phá hủy ở pH< 3,9 hoặc ở pH > 11,5. Môi trường có huyết thanh, vi rút có thể tồn tại được ở pH = 13,4 trong 7 ngày; không có huyết thanh, vi rút có thể sống được 21 giờ.

Hóa chất để diệt vi rút Dịch tả lợn châu Phi bao gồm ether, chloroform và hợp chất iodine hoặc sử dụng sodium hydroxide với tỷ lệ 8/1.000 hoặc formalin với tỷ lệ 3/1.000 hoặc chất tẩy trắng hypochlorite chứa chlorine 2,3% hoặc chất ortho-phenylphenol 3% nhưng phải duy trì thời gian 30 phút.

Hóa chất diệt ve mềm (vật chủ trung gian): Sử dụng các loại hiện nay.

Vi rút Dịch tả lợn châu Phi lây nhiễm qua đường hô hấp và tiêu hóa, thông qua sự tiếp xúc trực tiếp hoặc gián tiếp với các vật thể nhiễm vi rút như: chuồng trại, phương tiện vận chuyển, dụng cụ, đồ dùng, quần áo nhiễm vi rút và ăn thức ăn thừa chứa thịt lợn nhiễm bệnh hoặc bị ve mềm cắn.

Triệu chứng của bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Chẩn đoán lâm sàng

– Thể quá cấp tính (Peracute) là do vi rút có độc lực cao, lợn sẽ chết nhanh, không biểu hiện triệu chứng hoặc lợn sẽ nằm và sốt cao trước khi chết.

– Thể cấp tính (Acute) là do vi rút có độc lực cao gây ra, lợn sốt cao (40,5-42°C); trong 2-3 ngày đầu tiên, giảm bạch cầu và giảm tiểu cầu.

Lợn không ăn, lười vận động, ủ rũ, nằm chồng đống, lợn thích nằm chỗ có bóng râm hoặc gần nước.

Lợn có biểu hiện đau vùng bụng, lưng cong, di chuyển bất thường, một số vùng da trắng chuyển sang màu đỏ, đặc biệt là ở vành tai, đuôi, cẳng chân, da phần dưới vùng ngực và bụng, có thể có màu sẫm xanh tím.

Trong 1-2 ngày trước khi con vật chết, có triệu chứng thần kinh, di chuyển không vững, nhịp tim nhanh, thở gấp, khó thở hoặc có bọt lẫn máu ở mũi, viêm mắt, nôn mửa, tiêu chảy đôi khi lẫn máu hoặc có thể táo bón, phân cứng đóng viên có kích thước nhỏ, có chất nhầy và máu.

Lợn sẽ chết trong vòng 6-13 ngày hoặc có thể kéo dài đến 20 ngày. Lợn mang thai có thể sẩy thai ở mọi giai đoạn. Tỷ lệ chết cao lên tới 100%. Lợn khỏi bệnh hoặc nhiễm vi rút thể mạn tính thường không có triệu chứng, nhưng chúng sẽ là vật chủ mang vi rút Dịch tả lợn châu Phi trong suốt cuộc đời.

– Thể á cấp tính (Subacute) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình. Bệnh kéo dài 5-30 ngày, nếu máu ứ trong tim (cấp tính hoặc suy tim) thì lợn có thể chết, lợn mang thai sẽ sẩy thai, lợn chết trong vòng 15-45 ngày, tỷ lệ chết khoảng 30-70 %. Lợn có thể khỏi hoặc bị bệnh mãn tính.

– Thể mãn tính (Chronic form) gây ra bởi vi rút có độc tính trung bình hoặc thấp, chủ yếu được tìm thấy ở Angola và châu Âu. Triệu chứng kéo dài 2-15 tháng, có tỷ lệ chết thấp, lợn khỏi bệnh sau khi nhiễm vi rút gây nên bệnh sẽ trở thành dạng mãn tính.

Chẩn đoán phân biệt Dịch tả lợn châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển

– Dịch tả lợn châu Phi và Dịch tả lợn cổ điển khó có thể chẩn đoán phân biệt nếu dựa vào các triệu chứng lâm sàng và bệnh tích. Vì vậy, trong mọi trường hợp, phải lấy mẫu xét nghiệm tại phòng thí nghiệm để xét nghiệm phát hiện mầm bệnh.

– Các bệnh khác cần được chẩn đoán phân biệt với bệnh Dịch tả lợn châu Phi bao gồm các bệnh: Bệnh tai xanh (PRRS), đặc biệt là thể cấp tính; bệnh đóng dấu lợn; bệnh phó thương hàn; bệnh tụ huyết trùng; bệnh liên cầu khuẩn do Streptococcus sui; bệnh Glasser; bệnh ký sinh trùng đường máu do Trypanosoma gây ra; Hội chứng viêm da sưng thận do PCV2; bệnh giả dại ở lợn choai và bị ngộ độc muối.

Lấy mẫu xét nghiệm

– Lấy mẫu máu lợn đang sốt trong giai đoạn đầu, máu được chống đông bằng bổ sung EDTA 0,5%.

– Lách, các hạch bạch huyết, hạch amidan bảo quản ở nhiệt độ 4°C.

– Huyết thanh từ động vật khỏi bệnh lấy mẫu trong vòng 8-21 ngày sau khi lợn nhiễm bệnh.

Phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi

Hiện nay chưa có vắc xin và thuốc điều trị đặc hiệu đối với bệnh Dịch tả lợn châu Phi vì vậy giải pháp phòng bệnh là chính, phát hiện và xử lý triệt để ổ dịch ngay từ khi ở phạm vi nhỏ và chưa lây lan;

Kiểm soát kiểm dịch nhập khẩu, kiểm soát vận chuyển lợn, sản phẩm từ lợn và chăn nuôi an toàn sinh học là các biện pháp chủ lực được các nước đã và đang áp dụng.

Theo Trung tâm khuyến nông quốc gia

 

31676 lượt xem