Hiện nay, thị trấn Cổ Phúc có tổng số 20 mô hình chăn nuôi gà với quy mô từ 1.000 đến 5.000 con. Người dân đã chuyển đổi thành công khá nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao như trồng cam Vinh, cam Đường canh, bưởi Diễn...
Cơ sở chăn nuôi gà của ông Hoàng Ngọc Minh ở tổ dân phố số 11, thị trấn Cổ Phúc.
Ông Nguyễn Ngọc Bắc - Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cổ Phúc, Trấn Yên cho biết, thị trấn Cổ Phúc là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện và có thế mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp, thương mại, kinh doanh dịch vụ. Thêm vào đó, diện tích đất nông nghiệp ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa.
Theo thống kê, diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hiện có 190 ha; trong đó, đất trồng cây hàng năm là 81,5 ha; đất lúa 59 ha và đất trồng cây khác hàng năm là 22 ha. Diện tích sản xuất nông nghiệp tập trung tại 5 tổ dân phố là 1, 4, 9, 10, 11; trong đó, người dân ở 3 tổ dân phố 9, 10, 11 có nguồn thu nhập chính từ sản xuất nông nghiệp.
Để phát huy hiệu quả trong sản xuất, người dân đã chuyển đổi thành công khá nhiều mô hình kinh tế cho thu nhập cao như trồng cây ăn quả với các loại cây: cam Vinh, cam Đường canh, bưởi Diễn... Bên cạnh đó, các mô hình phát triển chăn nuôi gia cầm theo hướng hàng hóa cũng mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ dân trên địa bàn.
Tới thăm vườn cây ăn quả của ông Hoàng Ngọc ở tổ dân phố số 11 khi hàng trăm gốc cam Đường canh và cam Vinh đã trĩu trịt những trái non và được biết, năm 2008 gia đình ông thuê hơn 1 mẫu đất ruộng để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả.
Ông Hoàng Ngọc cho hay: "Với 2 lao động chính là vợ chồng ông, thì hiện nay gia đình đã trồng được hơn 400 gốc cam ở nhiều độ tuổi khác nhau. Với diện tích đang trong giai đoạn kinh doanh, mỗi năm cho thu hoạch 3 - 4 tấn quả và thu về gần 80 triệu đồng. Thêm vào đó, ông cũng tạo dáng và chăm sóc các loại cây cam cảnh, quất cảnh để bán vào dịp tết Nguyên Đán với giá bình quân khoảng 150.000 - 300.000 đồng/cây; thậm chí, có những cây cam cảnh, quất cảnh lên tới hàng triệu đồng. Ngoài ra, ông còn trồng 20 gốc ổi Đài Loan, 1 sào cà chua và trồng thử nghiệm 1 sào măng tây xanh, bình quân một năm gia đình ông có thu nhập trên 100 triệu đồng”.
Thêm một điển hình đi đầu trong việc chuyển đổi đất vườn đồi sang trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của thị trấn Cổ Phúc, đó là gia đình ông Đinh Văn Bình ở tổ dân phố số 9. Ông Bình khá thành công khi thực hiện mô hình trồng cây bưởi đào chín sớm. Với 0,5 ha bưởi từ 5 - 7 năm tuổi, trong năm 2017 ông đã bán 7.000 quả, cho thu về khoảng 70 triệu đồng.
Không chỉ mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hiện nay nhiều hộ ở các tổ dân phố của thị trấn Cổ Phúc còn phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Gia đình ông Hoàng Ngọc Minh ở tổ dân phố số 11 với mô hình nuôi gà thương phẩm lên tới gần 10.000con/năm. Ông cho biết, năm 2011, gia đình ông đã sử dụng diện tích đất tương đối rộng để xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà. Ban đầu ông chỉ nuôi 1.000 con gà giống ri lai Hải Phòng, Dabaco Bắc Ninh.
Ở thời điểm đó, với giá gà thịt từ 80.000 - 90.000 đồng/kg cũng cho thu lãi khoảng 70 đến 80 triệu đồng/năm. Tuy nhiên, do nhu cầu của thị trường nên bắt đầu từ năm 2014 ông quyết định chuyển sang nuôi giống gà Minh dư. Năm 2017, từ 5 lứa gà nuôi thành công với bình quân từ 1.500 - 1.800 con/lứa, giá bán dao động từ 54.000 - 60.000/kg, sau khi trừ chi phí cho thu lãi 150 triệu đồng.
Ở thời điểm hiện tại, với 3 khu chăn nuôi có tổng diện tích chuồng lên tới gần 1.000 m2 gia đình ông đang đưa vào nuôi 2 lứa gà với gần 4.000 con; trong đó, lứa gà đầu tiên của năm 2018 là 1.800 con chuẩn bị xuất bán và dự kiến cho thu lãi khoảng 50 triệu đồng. Để đáp ứng nhu cầu về thị trường cũng là để tăng thêm thu nhập, thời gian tới, ông Minh quyết định mỗi năm sẽ nuôi tăng lên 7 lứa gà.
Hiện nay, thị trấn Cổ Phúc có tổng số 20 mô hình chăn nuôi gà với quy mô từ 1.000 đến 5.000 con. Trong 3 tháng đầu năm 2018, các hộ chăn nuôi đã xuất bán 56 tấn gà thương phẩm cho doanh thu trên 3 tỷ đồng, điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Quang; Hoàng Huy Tuấn... Đặc biệt, thị trấn Cổ Phúc đang hướng tới thành lập hợp tác xã chăn nuôi gà nhằm đảm bảo cung cấp con giống, tư vấn kỹ thuật và đầu ra ổn định cho các hộ chăn nuôi.
Nhờ tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các hoạt động đẩy mạnh sản xuất như: hỗ trợ cây, con, giống mới, phòng chống dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi đã đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn trên một đơn vị diện tích canh tác. Mô hình trồng cây ăn quả của thị trấn đến nay đã mở rộng được 2,6 ha. Nhiều hộ đã và đang mạnh dạn trồng thử nghiệm một số cây trồng như măng tây xanh, cà chua, trồng mía để nâng cao thu nhập. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người ở thị trấn đạt 30,2 triệu đồng/năm. Nhiều hộ sản xuất nông nghiệp có thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần so với làm nông nghiệp truyền thống.
Có thể khẳng định, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa ở các tổ dân phố sản xuất nông nghiệp ở Cổ Phúc đã góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp ở địa phương và từng bước nâng cao thu nhập cho người dân ngay tại địa phương.
1055 lượt xem
1