CTTĐT- Trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, cái nhìn thấy rõ nhất trong xây dựng nông thôn mới chính là việc thúc đẩy các hình thức phát triển sản xuất. Những mô hình liên kết đã phát huy hiệu quả, góp phần tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập cho thành viên, người lao động.
Sơ chế măng Bát độ ở Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Kiên Thành, huyện Trấn Yên.
Xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn, trong 10 năm qua nhiều địa phương đã đăng ký triển khai thực hiện được nhiều mô hình có hiệu quả cao điển hình như: Mô hình trồng lúa chất lượng cao, mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng tre măng Bát độ... những mô hình có hiệu quả kinh tế cao tại các địa phương tiếp tục được duy trì và nhân rộng. Điển hình như HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận huyện Văn Chấn cùng Công ty TNHH Hưng Thịnh huyện Trấn Yên, HTX Trường Xuân và HTX Tân Hương huyện Yên Bình và gần 100 hộ trồng chè trên địa bàn xã Bình Thuận đã liên kết chặt chẽ với nhau từ trồng, chăm sóc, chế biến chè đen theo tiêu chuẩn Unilever Việt Nam, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường các nước: Nga, Nhật Bản...
Từ việc liên doanh, liên kết doanh thu của các HTX và doanh nghiệp cũng như thu nhập của người lao động được tăng cao. Tính riêng HTX Dịch vụ tổng hợp Kiến Thuận, doanh thu hàng năm đạt trên 20 tỷ đồng, tạo việc làm thường xuyên cho trên 50 thành viên và người lao động, thu nhập bình quân 4,5 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Ông Chử Quốc Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh khẳng định: "Sau gần 4 năm liên kết cho thấy hiệu quả tăng lên rõ rệt, thể hiện ở giá trị nguyên liệu chè búp tươi, sản lượng tăng gấp 2 lần so với trước khi hợp tác. Liên kết đã giúp doanh nghiệp, các HTX giảm chi phí đầu tư, chủ động nguồn nguyên liệu và mở rộng thị trường tiêu thụ”.
Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Trong 02 năm vừa qua, số Hợp tác xã (HTX) vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến nay, tổng số HTX trong toàn tỉnh hiện có là 376 HTX, hoạt động trong các lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp: 220 HTX; Công nghiệp - TTCN: 64 HTX; Thương mại dịch vụ: 54 HTX; Giao thông vận tải: 08 HTX; Xây dựng: 13 HTX; Quỹ Tín dụng nhân dân: 17 Quỹ (Trong đó: 335 HTX hoạt động theo Luật HTX năm 2012, 41 HTX chưa tổ chức lại hoạt động theo Luật HTX). Theo chương trình hành động 144, đến tháng 7/2019. Số HTX thành lập mới là: 55/60 hợp tác xã (Trong đó: HTX lĩnh vực nông nghiệp 35 HTX; lĩnh vực hoạt động khác 20 HTX); đây là hướng chuyển dịch tích cực gắn chặt chẽ hoạt động của hợp tác xã với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuyên ngành theo chuỗi giá trị, giảm bớt các hợp tác xã tổng hợp chủ yếu thực hiện dịch vụ đầu vào như trước đây.
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2019 ước đạt khoảng 29,88 triệu đồng (tăng 19,03 triệu đồng so với năm 2010), tỷ lệ hộ nghèo năm 2014 là 20,56 %, giảm 4,82 % so với năm 2013 (trong đó tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn là 25,57%), đến hết năm 2015 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 16,5 %; giai đoạn 2016-2018, trong hai năm 2016-2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 10,24 %, trong đó: Năm 2016 giảm 5,24 %, năm 2017 giảm 5 %. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 5,12 % (kế hoạch giảm 4 %). Riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 15,58 %, trong đó: Năm 2016 giảm 8,26 %, năm 2017 giảm 7,32 %, bình quân giảm 7,79 %/năm (kế hoạch giảm 6,5 %). Đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 21,97 %. Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) là 17,68%. Theo kế hoạch năm 2019 giảm 5,8 %, như vậy tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) năm 2019 sẽ ≤ 11,88.
Cùng với đó, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất và hiện nay đang triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trong đó có các đề án thành phần tập trung vào những sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; đồng thời ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng; duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng.
Trong những năm qua, ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, hằng năm tỉnh Yên Bái đã bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng trên 43 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ những chủ trương chính sách hiện tại, đời sống vật chất, tinh thần của hộ nông dân từng bước nâng cao, an ninh lương thực được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo các năm đều giảm vượt mức kế hoạch đề ra; công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn được chú trọng; các hình thức sản xuất được quan tâm và phát triển mạnh mẽ.
Vấn đề xúc tiến đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao được tỉnh đặc biệt quan tâm, qua đó đã thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn.
Sau hơn 01 năm triển khai Chương trình Đề án mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đến nay Đề án OCOP của tỉnh kết quả đã đạt được những kết quả nhất định, trong thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục chỉ đạo, triển khai các bước trong Đề án: Chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đào tạo tập huấn kiến thức chuyên môn cho cán bộ quản lý nhà nước (tỉnh; huyện và xã); các chủ thể tham gia (các doanh nghiệp vừa và nhỏ; các HTX; tổ hợp tác và các cơ sở có đăng ký kinh doanh); thời gian dự kiến trong Quý III/2019; triển khai Chu trình OCOP thường niên theo 6 bước (tuyên truyền; tiếp nhận ý tưởng sản phẩm; nhận phương án kinh doanh; triển khai kế hoạch kinh doanh; đánh giá sản phẩm; xúc tiến thương mại); Thời gian thực hiện trong quý III, IV/2019. Mục tiêu Đề án trong năm 2019 phát triển 3-5 sản phẩm/20 sản phẩm được lựa chọn trong giai đoạn 2019-2020 bao gồm: Miến đao Giới Phiên (TP Yên Bái); bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình); Tinh dầu quế (huyện Văn Yên); chè Shan tuyết Suối Giàng (huyện Văn Chấn) và gạo Séng Cù (thị xã Nghĩa Lộ)….
1424 lượt xem
Ban Biên tập