Sản xuất nông nghiệp đã có những bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển dần từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, kinh tế hộ sang mô hình trang trại, gia trại, liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm, nâng cao giá trị gia tăng.
Kết thúc năm 2016, giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt 6.486 tỷ đồng, chiếm 24% trong cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh. Giá trị sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp đạt 4.681 tỷ đồng, tăng 3,03% so với cùng kỳ là những kết quả rất đáng khích lệ.
Năm 2016 là năm đầu Yên Bái thực hiện các chính sách gắn liền với Đề án chi tiết Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và được triển khai một cách đồng bộ. Mặc dù còn có những khó khăn nhất định nhưng đánh giá chung thì đây là năm sản xuất nông nghiệp thành công nhất từ trước đến nay. 8/8 chỉ tiêu cơ bản đều đạt và hoàn thành vượt mức, trong đó có các chỉ tiêu vượt, vượt xa so với kế hoạch đề ra như chỉ tiêu về sản lượng lương thực có hạt vượt 24.800 tấn (tương đương với 8,7%) so với kế hoạch, chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn nông thôn mới năm 2016 vượt 140% kế hoạch.
Đối với Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh ban hành 8 đề án chi tiết nhằm cụ thể hóa các nội dung của Đề án tổng thể, trong đó tập trung vào các loại cây trồng, vật nuôi có lợi thế trên địa bàn tỉnh. Là năm đầu tiên được triển khai một cách đồng bộ, đáp ứng được yêu cầu về số lượng, chất lượng cũng như tiến độ thực hiện.
Một số nội dung của Đề án đã đạt kết quả vượt nhiều lần so với kế hoạch đề ra như: Đề án Phát triển chăn nuôi: thực hiện thụ tinh nhân tạo cho trâu, bò sinh sản 2.671/2.650 con, bằng 101% kế hoạch; triển khai hỗ trợ được 308/262 cơ sở chăn nuôi trâu, bò tập trung, 118/90 cơ sở chăn nuôi lợn, 38/34 cơ sở chăn nuôi gà; Đề án Phát triển nuôi trồng thủy sản đã kiểm tra, hướng dẫn các hộ dân triển khai thực hiện 231/193 cơ sở nuôi cá lồng, 16/25 cơ sở nuôi cá eo, ngách; Đề án Phát triển cây ăn quả có múi tổ chức cung ứng giống cho các huyện trồng 654 ha/594 ha, bằng 110% kế hoạch; Đề án Phát triển cây quế các huyện đã trồng 1.805 ha/2.642 ha (huyện Văn Yên đã trồng bổ sung 600 ha, xin điều chỉnh chuyển sang năm 2017); Đề án Phát triển cây măng tre Bát độ, trồng được 405/614 ha theo kế hoạch (diện tích còn lại chuyển vụ xuân năm 2017 thực hiện); Đề án Phát triển cây sơn tra đã triển khai trồng được 1.080 ha/550 ha kế hoạch (huyện Trạm Tấu 600 ha, huyện Mù Cang Chải 480 ha)...
Bên cạnh đó, thời gian qua, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phát triển ngành. Trong đó, tập trung vào điều chỉnh nâng cao chất lượng quy hoạch các lĩnh vực có thế mạnh, các sản phẩm chủ yếu; quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn; bổ sung quy hoạch khu vực giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và quy hoạch vùng sản xuất công nghệ cao…
Phát huy kết quả đã đạt được, năm 2017, toàn tỉnh phấn đấu tổng sản lượng lương thực có hạt đạt 290.000 tấn; tổng đàn gia súc chính 685.000 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng các loại đạt 41.500 tấn; trồng mới 15.000 ha rừng; số xã công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới đạt 12 xã...
Nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Để đạt được các mục tiêu đó đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế gắn với thu hút đầu tư các dự án có công nghệ tiên tiến, chất lượng cao, sản xuất theo hướng đa dạng hóa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Đẩy mạnh phát triển, nâng cao chất lượng sản xuất, chế biến, kinh doanh chè đến năm 2020, từng bước khôi phục lại ngành chè.
Ưu tiên mọi nguồn lực đầu tư, quan tâm phát triển sản xuất công nghiệp, dịch vụ... tạo việc làm nâng cao đời sống nông dân, xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cũng đã phê duyệt kinh phí và phương thức hỗ trợ thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái năm 2017 với nguồn vốn trên 43 tỷ đồng.
Trong đó, kinh phí thực hiện các đề án là trên 24 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên 14 tỷ đồng, kinh phí hỗ trợ một số chính sách khác trên 3 tỷ đồng. Nguồn kinh phí tập trung vào Đề án Phát triển chăn nuôi; Đề án Nuôi trồng thủy sản; Đề án Phát triển chè vùng cao; Đề án Hỗ trợ các hộ gia đình tham gia sản xuất ngô vụ đông trên đất 2 vụ lúa; Đề án Phát triển cây quế; Đề án Phát triển cây tre măng Bát độ; Đề án Phát triển trồng xen cây sơn tra dưới tán rừng tự nhiên phòng hộ nghèo kiệt...
Ngoài ra, còn hỗ trợ các hộ gia đình thuộc các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh mua giống lúa, giống ngô lai, hỗ trợ nilon che mạ phục vụ sản xuất lúa vụ xuân, hỗ trợ làm cây rơm làm thức ăn cho gia súc. Ngoài ra, tỉnh có một số cơ chế chính sách hỗ trợ thực hiện các mô hình mới, có hiệu quả kinh tế cao.
Định hướng đã rõ, cơ chế đã có, vấn đề mấu chốt là phải có sự vào cuộc tích cực, có trách nhiệm của hệ thống chính trị, làm tốt công tác chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra và tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy định. Người dân được thụ hưởng tiếp nhận, quản lý, sử dụng đúng mục đích đó là cơ sở nâng cao thu nhập người dân, xây dựng nông thôn mới bền vững.
1150 lượt xem
1