UBND tỉnh Yên Bái vừa phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030”- gọi tắt là chương trình OCOP.
Huyện Văn Chấn (Yên Bái) lấy thương hiệu chè Suối Giàng để phát triển mạnh giống chè Shan của huyện.
Theo quyết định này, các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc từ địa phương hoặc được thuần hóa, đặc biệt là các sản phẩm đặc sản vùng, miền trên cơ sở khai thác lợi thế so sánh về điều kiện sinh thái, nguồn gen, tri thức và công nghệ địa phương; có gia tăng giá trị và không ảnh hưởng xấu đến môi trường nhằm phát triển bền vững, gồm có: thực phẩm; đồ uống; thảo dược (dược liệu); vải và may mặc; lưu niệm - nội thất - trang trí; dịch vụ du lịch nông thôn, bán hàng.
Trong giai đoạn 2019-2020, Yên Bái phấn đấu tiêu chuẩn hóa 20 sản phẩm hiện có của tỉnh. Cụ thể, năm 2019 sẽ phát triển 3-5 sản phẩm là miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); chè Shan tuyết Suối Giàng (huyện Văn Chấn); tinh dầu quế (huyện Văn Yên); gạo Séng cù (thị xã Nghĩa Lộ); bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình); phấn đấu các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao cấp tỉnh;
Năm 2020, dự kiến phát triển 15 sản phẩm; trong đó, nhóm thực phẩm bao gồm: gạo tẻ, gạo nếp, cam, chè, rượu, thủy sản… và các các sản phẩm may mặc. Dự kiến phấn đấu 15 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao nâng cấp từ các sản phẩm đã chuẩn hóa năm 2019.
Bên cạnh việc chuẩn hóa các sản phẩm đặc trưng của tỉnh, Yên Bái cũng sẽ phát triển từ 1 đến 2 mô hình du lịch nông thôn, kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa tạo ra sản phẩm dịch vụ du lịch tham gia Chương trình OCOP; hỗ trợ phát triển và thương mại hoá sản phẩm OCOP từ cấp tỉnh, huyện, xã theo chu trình thường niên; thực hiện các chính sách cho chương trình OCOP trên cơ sở lồng ghép chính sách đã có; xây dựng quy chế quản lý tem nhãn mác OCOP, chế độ thanh tra, kiểm tra chất lượng sản phẩm OCOP; hoàn thiện chu trình OCOP thường niên.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh Yên Bái tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu. Đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác, tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; phát triển, nâng cấp 30 sản phẩm; trong đó, đầu tư nâng cấp: 20 sản phẩm thế mạnh; phát triển 10 sản phẩm mới.
Giai đoạn 2026-2030, tỉnh sẽ phát triển 60-80 sản phẩm OCOP; trong đó, 25-30 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-5 sao cấp tỉnh. Lựa chọn và đầu tư phát triển 3-5 sản phẩm cấp quốc gia.
Mục tiêu của Đề án là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Bên cạnh đó, mục tiêu nhằm thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp để phát triển kinh tế khu vực nông thôn, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân tham gia Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí Quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn tiếp theo.
1430 lượt xem
Ban Biên tập