Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị; trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ... có lợi thế của từng địa phương. Sau một năm thực hiện, Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 đã có thành công bước đầu, dần tạo sức lan tỏa rộng rãi...
Hạt gạo Séng Cù dài, trắng đục, thơm ngon.
Sau một năm thực hiện Chương trình OCOP giai đoạn 2018-2020 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến nay, cả nước đã có 42/63 tỉnh, thành phố được phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP. Trong đó, các tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Quảng Nam, Lào Cai... đã thực hiện Chương trình OCOP đạt hiệu quả khá tích cực. Các địa phương đã xét công nhận cho hơn 200 sản phẩm Chương trình OCOP với các mức “3 sao”, “4 sao” và “5 sao” (sản phẩm từ 1 đến 3 sao: Phục vụ thị trường trong nước; sản phẩm từ 4 đến 5 sao: Có khả năng cạnh tranh, xuất khẩu). Để hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện Chương trình OCOP, Bộ NN&PTNT đã xây dựng 26 tiêu chí đánh giá sản phẩm Chương trình OCOP; quy trình đánh giá và phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP theo 3 cấp (cấp huyện, cấp tỉnh và cấp trung ương) làm cơ sở cho địa phương thực hiện. Bên cạnh đó, Bộ triển khai tập huấn cho cán bộ từ trung ương đến địa phương trực tiếp tham gia thực hiện chương trình...
Tuy nhiên, hiện nay còn 21 tỉnh, thành phố chưa phê duyệt đề án, kế hoạch triển khai Chương trình OCOP, cần đẩy nhanh tiến độ. Bên cạnh đó, các địa phương đã triển khai cũng cần nâng cao chất lượng, tăng tính cạnh tranh cho các sản phẩm, đưa Chương trình OCOP vào chiều sâu, tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững... Mới đây, tại diễn đàn quốc tế “Kết nối mạng lưới toàn cầu mỗi xã một sản phẩm” do Bộ NN&PTNT phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức, đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ NN&PTNT) đề xuất giải pháp hỗ trợ xúc tiến thương mại; quảng bá, giới thiệu sản phẩm Chương trình OCOP có tiềm năng xuất khẩu; tạo cơ hội để người sản xuất nắm bắt thị hiếu khách hàng, phát triển sản phẩm phù hợp...
Để đẩy nhanh Chương trình OCOP, cần tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cho các hộ sản xuất và cho người tiêu dùng để hiểu, biết quan tâm chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Nghiên cứu, vận dụng và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích để ứng dụng các giải pháp về khoa học và công nghệ. Huy động nguồn lực, và xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ và hợp tác quốc tế để thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả. Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang nghiên cứu, soạn thảo và chuẩn bị ban hành Bộ Tiêu chí quốc gia đánh giá chất lượng các sản phẩm OCOP trên cơ sở tiếp thu vận dụng 17 tiêu chí phát triển bền vững của Liên hợp quốc, Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới và kinh nghiệm từ các bộ, ngành Trung ương, địa phương để sớm hoàn chỉnh trình Chính phủ trong thời gian tới…
Chương trình mỗi xã một sản phẩm là nhằm phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng xã nông thôn mới. Thông qua việc phát triển sản xuất tại khu vực nông thôn, góp phần thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hợp lý (hạn chế dân di cư ra thành phố), bảo vệ môi trường và bảo tồn những giá trị truyền thống của nông thôn Việt Nam.
|
1309 lượt xem