CTTĐT - Mục tiêu của Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2030”- gọi tắt là chương trình OCOP là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở sản xuất kinh doanh) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh và gia tăng giá trị.
Chè Suối Giàng Yên Bái
Trong giai đoạn 2019-2020, Yên Bái phấn đấu tiêu chuẩn hóa 20 sản phẩm hiện có của tỉnh. Cụ thể, năm 2019 sẽ phát triển 3-5 sản phẩm là miến đao Giới Phiên (thành phố Yên Bái); chè Shan tuyết Suối Giàng (huyện Văn Chấn); tinh dầu quế (huyện Văn Yên); gạo Séng cù (thị xã Nghĩa Lộ); bưởi Đại Minh (huyện Yên Bình); phấn đấu các sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao cấp tỉnh;
Năm 2020, dự kiến phát triển 15 sản phẩm; trong đó, nhóm thực phẩm bao gồm: gạo tẻ, gạo nếp, cam, chè, rượu, thủy sản… và các các sản phẩm may mặc. Dự kiến phấn đấu 15 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao cấp tỉnh và 3 sản phẩm đạt hạng 4 sao nâng cấp từ các sản phẩm đã chuẩn hóa năm 2019.
Mục tiêu thực hiện Chương trình OCOP cụ thể, rõ ràng, tuy nhiên trong quá trình thực hiện mục tiêu nói trên các địa phương trên địa bàn tỉnh phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như:
Đối với các mặt hàng tiểu thủ công nghiệp, nhất là hàng thủ công phải cạnh tranh với hàng nhập ngoại của các nước Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản... Hiện, sản phẩm đặc sản, đặc trưng trên địa bàn tỉnh tuy nhiều, song vẫn chưa được khách hàng trong và ngoài nước tin dùng, bởi công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chưa tốt. Việc người dân chưa nhận biết, phân biệt được sản phẩm thật, giả, sản phẩm nhập ngoại hay sản phẩm trong nước, trong khi tình trạng hàng giả, hàng nhái còn nhiều rào cản lớn trong việc thực hiện mục tiêu của Chương trình OCOP.
Ngoài những thách thức nói trên, tỉnh Yên Bái có 09 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn rộng, địa hình chia cắt, dân số thưa, tập quán sản xuất một số địa phương lạc hậu, phụ thuộc thiên nhiên, tâm lý trông chờ và ỷ lại Nhà nước của cộng đồng; lại chưa có nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, cơ cấu còn nặng về cây lương thực chủ lực đã và đang là nguyên nhân khiến cho việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất theo hướng tập trung cho các sản phẩm làng nghề, nông nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn. Bên cạnh đó, thói quen phát triển thụ động, hiểu biết về sản phẩm, năng lực nghiên cứu và phát triển còn yếu; kiến thức, kỹ năng về thị trường của cộng đồng và đội ngũ cán bộ còn hạn chế; các sản phẩm chưa hấp dẫn về mẫu mã, tiêu chuẩn chất lượng chưa rõ ràng, trong khi năng lực xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm của địa phương, doanh nghiệp còn yếu, xuất khẩu qua nhiều khâu trung gian khiến cho việc thực hiện Chương trình OCOP gặp nhiều trở ngại.
Thời gian tới, để đạt được mục tiêu phát triển các sản phẩm OCCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiếp tục tập trung công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước, cho các hộ sản xuất và cho người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh để họ hiểu, biết, quan tâm chỉ đạo sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Làm tốt công tác thông tin, phát triển nhận thức cho toàn xã hội, thị trường tiêu thụ hiểu được mục đích, ý nghĩa tốt đẹp của OCOP, từ đó kích thích tiêu thụ, thúc đẩy sản xuất, tạo điều kiện và động lực cho người sản xuất mạnh dạn đầu tư, phát triển các sản phẩm lợi thế của mỗi địa phương.
Nghiên cứu, vận dụng và tham mưu, đề xuất với các cơ quan trung ương, UBND tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích để ứng dụng các giải pháp về khoa học và công nghệ. Huy động nguồn lực, và xây dựng hệ thống tư vấn, đối tác hỗ trợ và hợp tác quốc tế để thực hiện Chương trình OCOP hiệu quả.
Phát triển sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đa dạng. Sản phẩm phải từng bước nâng cao chất lượng, quy chuẩn, đáp ứng tiêu chuẩn các thị trường khác nhau. Việc phát triển sản phẩm, dịch vụ phải đi liền với các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp (hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh, DN hoặc HTX). Việc phát triển sản phẩm phải gắn chặt với công tác đánh giá xếp hạng của OCOP.
Nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mới, nhất là các giải pháp tăng cường năng lực tiếp cận của nông nghiệp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhận diện rõ “Nông nghiệp 4.0”, “Nông nghiệp bền vững, công nghệ cao”, “Nông nghiệp hữu cơ” và bước đi, giải pháp khoa học thực hiện trong bối cảnh mới.
2505 lượt xem
Ban Biên tập