Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Đào tạo nghề góp phần xây dựng nông thôn mới

17/12/2019 15:56:43 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sau 10 năm triển khai thực hiện, đến nay chất lượng lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đã có bước cải thiện đáng kể, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động, tạo việc làm, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.

Một lớp dạy nghề sửa chữa máy tại trường cao đẳng nghề.

Đến nay trên địa bàn tỉnh có 11 cơ sở giáo dục nghề nghiệp (02 trường trung cấp, 06 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và giáo dục thường xuyên cấp huyện và 03 cơ sở có tham gia hoạt động giáo dục nghề nghiệp) tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đã có 44.526 lao động nông thôn (được hỗ trợ đào tạo) có việc làm sau khi học nghề, đạt 90%. Trong đó, lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề ở lĩnh vực nông nghiệp là 95%; lao động có việc làm sau khi được đào tạo nghề ở lĩnh vực phi nông nghiệp là đạt tỷ lệ 80%

Đã có 2.629 lượt người được doanh nghiệp, đơn vị tuyển dụng; 3.193 lượt người được doanh nghiệp, đơn vị bao tiêu sản phẩm, 38.056 lượt người tự tạo việc làm; 648 lượt người tự thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp; 1.505 lượt người thuộc hộ thoát nghèo sau 1 năm học nghề; 4.334 lượt người thuộc hộ có thu nhập khá sau 1 năm học nghề.

Sau 10 năm triển khai thực hiện Đề án, tỉnh Yên Bái đã xây dựng được nhiều mô hình dạy nghề điển hình có tỷ lệ tạo việc làm cao đã và đang được duy trì có hiệu quả như: Sản xuất rau an toàn tại xã Tuy Lộc, xã Âu Lâu (thành phố Yên Bái); Trồng và sơ chế măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành, nuôi tằm và sơ chế kén tằm tại các xã Việt Thành, Tân Đồng, Báo Đáp, may công nghiệp (huyện Trấn Yên); Chế biến gỗ rừng trồng, sản xuất gạch theo công nghệ lò nung Tuynel (huyện Văn Yên); xây dựng, chăn nuôi lợn (huyện Lục Yên); chạm khắc đá (huyện Văn Chấn), kỹ thuật nuôi ong mật tại tại xã Nậm Khắt (huyện Mù Cang Chải), du lịch cộng đồng Homestay (tại thị xã Nghĩa Lộ)...Các mô hình dạy nghề điển hình, tỷ lệ tạo việc làm cao đã và đang được duy trì có hiệu quả tại các địa phương, qua đó góp phần chuyển giao kiến thức khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm, giảm nghèo, đem lại việc làm cho người lao động.

Kết quả dạy nghề cho lao động nông thôn theo Đề án 1956 đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng lao động nông thôn cũng như chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến cuối năm 2019 đạt 60%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 29,4%.

Đào tạo nghề đã có đóng góp quan trọng trong việc tạo việc làm cho trên 18.000 lao động mỗi năm của tỉnh, góp phần chung vào công tác giảm nghèo tại tỉnh Yên Bái. Chất lượng nguồn nhân lực được cải thiện đã đóng góp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, tạo việc làm, giảm nghèo, góp phần phát triển kinh tế xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở từng địa phương và của tỉnh theo hướng hiệu quả, bền vững.

949 lượt xem
Ban Biên tập