Những con đường bê tông đã thay thế đường đất Sự đổi thay còn rõ nét qua những căn nhà mái tôn, tấm lợp xi măng và xung quanh nhà là những vườn rau, ngô xanh tốt... Đó là diên mạo mới của huyện vùng cao đặc biệt khó khăn Mù Cang Chải, nơi có trên 96% là đồng bào dân tộc Mông.
Cán bộ Ban Quản lý Rừng phòng hộ Mù Cang Chải kiểm tra cây sơn tra giống để cung ứng cho nhân dân trồng rừng kinh tế.
Đến huyện vùng cao Mù Cang Chải vào những ngày đầu năm, đi trên những con đường ở các xã: Nậm Khắt, Púng Luông, Dế Xu Phình... chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng bởi đường bê tông đã thay thế đường đất trước đây. Hướng xa tầm mắt về mỗi bản, đều thấy sự đổi thay rõ nét qua những căn nhà mái tôn, tấm lợp xi măng và xung quanh nhà là những vườn rau, ngô xanh tốt...
Tất cả như minh chứng cho sức sống mới vươn lên mạnh mẽ của miền quê núi đang hòa nhịp đổi mới cùng đất nước. Là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn, Mù Cang Chải có trên 96% là đồng bào dân tộc Mông. Song, với sức mạnh đoàn kết toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, huyện đã vượt qua thách thức, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đề ra hàng năm.
Bên cánh đồng bản Dề Thàng, ông Nguyễn Cao Thắng - Chủ tịch UBND xã Chế Cu Nha cho biết: thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng, xã còn vận động nhân dân đẩy mạnh ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Nhờ thực hiện cơ cấu cây trồng hợp lý, áp dụng các biện pháp thâm canh, tăng vụ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, nên tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2019 của xã đạt gần 2.160 tấn.
Hiện, tổng đàn gia súc chính có gần 4.000 con; sản lượng lợn hơi xuất chuồng đạt 900 tấn/năm; đàn gia cầm cũng phát triển mạnh với số lượng gần 13.500 con, đem lại nguồn thu ổn định cho người dân. Cùng đó, xã tập trung khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển các cơ sở tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, duy trì các lò rèn truyền thống, hộ sản xuất gạch bê tông, nghề thêu dệt thổ cẩm… góp phần giải quyết nhiều việc làm cho lao động địa phương và hết năm 2019, xã Chế Cu Nha đạt 9 tiêu chí NTM.
Công tác vệ sinh môi trường được Ban Chỉ đạo XDNTM của huyện tuyên truyền để nhân dân thực hiện tốt như làm nhà tiêu hợp vệ sinh; làm chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm xa nhà và hợp vệ sinh; xây bể thu gom rác thải và vệ sinh đường làng ngõ xóm xanh-sạch-đẹp. Qua đó, ý thức của người dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường được tăng lên rõ rệt.
Chỉ riêng năm 2019, nhân dân thực hiện làm mới 1.170 nhà vệ sinh, nhà tắm/1.325 hộ, đạt 88,3% kế hoạch; làm mới 224/700 chuồng nuôi nhốt trâu, bò đạt 32% kế hoạch; các hộ chăn nuôi lợn đã có chuồng nuôi nhốt, nên giảm thiểu chất thải gia súc ra môi trường; hàng tháng, các hộ, các cụm dân cư tổ chức quét dọn, khơi thông cống rãnh đường làng, ngõ xóm, vệ sinh nhà ở.
Đi đầu trong phong trào vệ sinh môi trường, nhà ở là nhân dân các xã: Hồ Bốn, Khao Mang, Dế Xu Phình... Tuy nhiên, tại một số xã vẫn còn hiện tượng thả rông gia súc; không sử dụng nhà vệ sinh và nuôi nhốt gia súc gần nhà; lạm dụng và sử dụng thuốc diệt cỏ...
Ông Phạm Tiến Lâm - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mù Cang Chải chia sẻ: thực hiện sự chỉ đạo của UBND huyện, trong tháng 9/2019, cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM của huyện đã phối hợp với Chi cục Phát triển Nông thôn tỉnh mở 2 lớp tập huấn nghiệp vụ về XDNTM cho 210 học viên là cán bộ cấp huyện, xã, ban phát triển thôn.
Tháng 12/2019, UBND huyện phối hợp với Ban Điều phối Chương trình XDNTM tỉnh Yên Bái tổ chức 1 lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực của Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) cho 80 học viên là Tổ giúp việc Hội đồng Đánh giá Chương trình OCOP của huyện, lãnh đạo, công chức các xã, thị trấn, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh trên địa bàn.
Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM của huyện còn phối hợp với UBND các xã tổ chức 4 lớp tập huấn cho 200 học viên về kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân XDNTM cho lãnh đạo đảng ủy, cán bộ UBND xã, bí thư chi bộ, trưởng bản.
Cùng với thực hiện nhiều giải pháp nâng cao thu nhập của nhân dân, những năm qua, huyện còn đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông nông thôn. Từ các nguồn vốn đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, đề án phát triển giao thông, vốn hỗ trợ bảo vệ đất trồng lúa, vốn ngân sách địa phương, vốn dự phòng ngân sách trung ương, địa phương... đã giải ngân được 52,89 tỷ đồng để chi trả vốn ứng trước kiên cố hóa công trình chuyển tiếp; kiên cố được 29 công trình giao thông với tổng chiều dài là 38 km/55,75 km, mở mới 21,655 km.
Từ nguồn lực hỗ trợ bằng tiền mặt, xi măng (800 tấn xi măng, trên 200 triệu đồng) của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh, nhân dân đóng góp khoảng trên 4,2 tỷ đồng tiền mặt và trên 20.000 ngày công đã kiên cố hóa được 55 km đường trục thôn bản, đường liên thôn bản và đường ngõ xóm đặc thù đường miền núi có chiều rộng từ 0,5 m đến 1 m.
Bằng các nguồn lực ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, huyện Mù Cang Chải đã đầu tư trên 23,8 tỷ đồng để xây dựng nhà lớp học và các công trình phụ trợ khác cho các trường học mầm non, phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và trung học cơ sở.
Có thể thấy, mặc dù còn rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai, song với những cách làm và định hướng cụ thể của cấp ủy, chính quyền, sự đoàn kết, phát huy nội lực trong nhân dân, huyện Mù Cang Chải đã và đang phấn đấu thực hiện có hiệu quả các tiêu chí XDNTM để từng bước làm thay đổi diện mạo nông thôn ở vùng cao.
Kết quả thực hiện Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM trên địa bàn huyện Mù Cang Chải năm 2019: xã Nậm Có duy trì 6 tiêu chí; Cao Phạ 5 tiêu chí; Nậm Khắt 9 tiêu chí; Púng Luông 9 tiêu chí; Dế Xu Phình 11 tiêu chí; La Pán Tẩn 8 tiêu chí; Chế Cu Nha 9 tiêu chí; Mồ Dề 8 tiêu chí; Kim Nọi 8 tiêu chí; Chế Tạo 7 tiêu chí; Lao Chải 9 tiêu chí; Khao Mang 8 tiêu chí; Hồ Bốn 6 tiêu chí.
|
Theo Báo Yên Bái
1204 lượt xem