Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Sản phẩm ba ba gai, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn

26/06/2020 10:09:07 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Những năm qua, đời sống của người dân xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã có nhiều cải thiện nhờ nghề nuôi ba ba gai. Với hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định nên việc phát triển nghề nuôi ba ba gai đã và đang được xã Cát Thịnh cũng như huyện Văn Chấn quan tâm, xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương.

Nuôi ba ba đem lại hiệu quả kinh tế cao

Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ nuôi ba ba gai, năm 2006, anh Nguyễn Văn Vị, thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn đã tận dụng diện tích ao của gia đình đầu tư nuôi ba ba gai. Với quyết tâm làm giàu từ loại ba ba gai đặc sản của địa phương, anh đã tìm hiểu và học hỏi kỹ thuật nuôi ba ba từ những mô hình nuôi ba ba có hiệu quả cao. Nhờ đó, ba ba gai của gia đình anh sinh trưởng và phát triển tốt, giá bán ba ba gai thương phẩm luôn ở mức cao hơn so với thị trường các tỉnh khác. Với giá trung bình từ 500 - 600 ngàn đồng/kg ba ba thương phẩm, 160 nghìn đồng 1 con ba ba giống mới nở đã giúp gia đình anh Vị có thu nhập gần 2 tỷ đồng/năm. Nhận thấy giá ba ba gai xã Cát Thịnh luôn cao hơn ba ba của các vùng miền khác, nhu cầu của thị trường lại ngày càng tăng, anh Vị tiếp tục đầu tư mở rộng thêm bể nuôi. Hiện toàn bộ diện tích ao nuôi ba ba gai của gia đình anh đã lên đến 2.000 m2.

Cũng như gia đình anh Vị, gia đình ông Đoàn Vũ Nghề, thôn Văn Hưng, xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn làm nghề nuôi ba ba gai đã hơn 10 năm nay. Theo ông Nghề thì ba ba gai của xã Cát Thịnh luôn cho thịt thơm và ngọt hơn ba ba ở các vùng khác. Nuôi ba ba không phức tạp, dễ nuôi chỉ cần chịu khó học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, chú ý cho ăn đúng, đủ chất và vệ sinh môi trường nước sạch, tránh gây ô nhiễm. Đồng thời, khâu chọn giống cũng rất quan trọng và không nên chọn giống ba ba đồng huyết sẽ ảnh hưởng đến tốc độ sinh trưởng và phát triển của ba ba. Hiện tại để thu nhiều ba ba giống, gia đình ông Nghề cũng như các hộ nuôi ba ba gai trong xã còn đầu tư làm nhà đẻ trứng, chuồng ấp trứng đảm bảo trứng không bị hỏng. Nhờ có kinh nghiệm nên với 800 m2 ao, mỗi năm gia đình ông Nghề cũng xuất bán được từ 3.000 - 4.000 con ba ba giống với gia trung bình 160 nghìn đồng/kg, đem lại doanh thu gần 1 tỷ đồng/năm.

Hiện nay, nghề nuôi ba ba gai của xã Cát Thịnh cũng đang trong thời kỳ phát triển mạnh, tập trung chủ yếu ở thôn Văn Hưng và thôn Ba Khe. Hiện giá 1 đôi ba ba bố mẹ dao động trong khoảng 580.000 - 620.000 đồng/kg, ba ba thương phẩm có giá 480.000 - 520.000 đồng/kg, ba ba con mới nở có giá 100.000 - 110.000 đồng/con. Tuy giá chưa phải là cao so với nhiều thời điểm trước nhưng nhu cầu của thị trường về ba ba giống và ba ba thương phẩm vẫn rất lớn, chính vì vậy diện tích và số hộ nuôi ba ba trong xã vẫn đang tiếp tục tăng. Toàn xã Cát Thịnh đang có gần 300 hộ làm nghề nuôi ba ba gai với diện tích chăn nuôi trung bình 100 m2/hộ, với khoảng 200 hộ có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên/năm. Hiện nhiều hộ cũng đang tiếp tục chuyển đổi đất trồng kém hiệu quả sang đầu tư xây ao nuôi ba ba gai. Các hộ nuôi đã liên kết và thành lập chi hội để giúp nhau về kỹ thuật nuôi, con giống, xây dựng thị trường nhằm đưa nghề nuôi ba ba phát triển bền vững.

Với hiệu quả kinh tế cao, ít rủi ro, đầu ra tương đối ổn định nên việc phát triển nghề nuôi ba ba gai đã và đang được xã Cát Thịnh cũng như huyện Văn Chấn quan tâm, xây dựng thành sản phẩm OCOP của địa phương.

3794 lượt xem
Ban Biên tập