Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp tính thế nào?

14/03/2022 15:56:00 Xem cỡ chữ
Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 về giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) đang thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, nhất là chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Cán bộ Chi cục Thuế khu vực Trấn Yên - Văn Yên hướng dẫn thủ tục hành chính cho người nộp thuế.

Để hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp và người dân trong quá trình triển khai thực hiện, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã trao đổi với ông Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái về nội dung này.

P.V: Xin ông cho biết một số nội dung chính về việc giảm thuế GTGT và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN quy định tại Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ?

Ông Nguyễn Mạnh Khôi: Theo Nghị định, việc giảm thuế GTGT và chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế TNDN như sau:

1. Giảm thuế GTGT đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% theo quy định tại khoản 1, Điều 1, Nghị định số 15/2022/NĐ-CP trừ nhóm hàng hóa, dịch vụ quy định tại Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định. Việc giảm thuế GTGT cho từng loại hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định được áp dụng thống nhất tại các khâu nhập khẩu, sản xuất, gia công, kinh doanh thương mại. 

Đối với mặt hàng than khai thác bán ra (bao gồm cả trường hợp than khai thác sau đó qua sàng tuyển, phân loại theo quy trình khép kín mới bán ra) thuộc đối tượng giảm thuế GTGT. Mặt hàng than thuộc Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định, tại các khâu khác ngoài khâu khai thác bán ra không được giảm thuế GTGT. 

Trường hợp hàng hóa, dịch vụ nêu tại các Phụ lục I, II và III ban hành kèm theo Nghị định thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT hoặc đối tượng chịu thuế GTGT 5% theo quy định của Luật Thuế GTGT thì thực hiện theo quy định của Luật Thuế GTGT và không được giảm thuế GTGT.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái 

 

2. Cơ sở kinh doanh tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ được áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 8% đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định. Cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) tính thuế GTGT theo phương pháp tỷ lệ % trên doanh thu được giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế GTGT khi thực hiện xuất hóa đơn đối với hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT quy định tại khoản 1 Điều 1 của Nghị định.

3. Về chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp: Doanh nghiệp, tổ chức là người nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của Luật Thuế TNDN, được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2022 đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam thông qua các đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 2 Nghị định 15/2022/NĐ-CP.

Hồ sơ xác định khoản chi ủng hộ, tài trợ gồm có: Biên bản xác nhận ủng hộ, tài trợ theo Mẫu số 02 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định hoặc văn bản, tài liệu (hình thức giấy hoặc điện tử) xác nhận khoản chi ủng hộ, tài trợ có chữ ký, đóng dấu của người đại diện doanh nghiệp, tổ chức là đơn vị ủng hộ, tài trợ và đại diện của đơn vị nhận ủng hộ, tài trợ; kèm theo hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của pháp luật của khoản ủng hộ, tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật.

P.V: Ông có thể cho biết về việc tra cứu danh mục sản phẩm hàng hóa, dịch vụ được giảm, không được giảm thuế suất thuế GTGT?

Ông Nguyễn Mạnh Khôi: Người nộp thuế cần xác định thông tin cụ thể về các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ do doanh nghiệp sản xuất, chế biến, cung cấp thương mại hoặc hàng hóa nhập khẩu. Về việc xác định thông tin về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, các doanh nghiệp căn cứ vào tên sản phẩm tại cột 8, số hiệu sản phẩm tại các cột từ cột cấp 1 đến cột cấp 7 trên Phụ lục I - Danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế GTGT, Phụ lục III danh mục hàng hóa, dịch vụ công nghệ thông tin không được giảm thuế GTGT; Tên hàng hóa dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không được giảm thuế GTGT ban hành kèm theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP (viết là danh mục). 

Đối với sản phẩm là hàng hóa có Mã hồ sơ (HS) cột 10 của danh mục, người nộp thuế có thể tham khảo Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư 65 và Thông tư 09 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại các phụ lục của Thông tư số 65 để tra cứu đối với các sản phẩm, hàng hóa có mã HS không được quy định chi tiết tại Phụ lục I và Phụ lục III Nghị định số 15/2022/NĐ-CP để xác định tên sản phẩm, hàng hóa có nguồn gốc sản xuất, mua bán trong thị trường nội địa.

P.V: Người nộp thuế có nhu cầu sử dụng ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ tra cứu mã HS thì thực hiện thế nào, thưa ông?

Ông Nguyễn Mạnh Khôi: Người nộp thuế có thể truy cập vào website của Tổng cục Hải quan để tra cứu mã sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo đường dẫn Https://tongcuc.customs.gov.vn/Cơ sở dữ liệu về Danh mục hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. 

Nhập mã số HS code hàng hóa của doanh nghiệp vào ô "tìm kiếm”, sau đó đối chiếu với danh mục hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế suất thuế GTGT theo quy định tại Phụ lục I và III Nghị định số 15/2022/NĐ-CP để xác định sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của doanh nghiệp được giảm hay không được giảm thuế suất thuế GTGT. 

Lưu ý, với mã số HS ở cột (10): các mặt hàng không được giảm thuế GTGT trong Chương 2 chữ số, nhóm 4 chữ số hoặc 6 chữ số bao gồm tất cả các mã hàng 08 chữ số trong Chương, nhóm đó. Ví dụ: Sản phẩm bột đá Cacbonat Canxi có tráng phủ axit (trên Phụ lục I của danh mục ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP không quy định chi tiết tên sản phẩm này), người nộp thuế có thể tra cứu theo đường dẫn trên website https://tongcuc.customs.gov.vn/dịch vụ công trực tuyến/tra cứu biểu thuế - phân loại HS/nhập mã HS code hoặc nhập từ khóa để tìm kiếm trong mô tả hàng hóa trong ô tìm kiếm/ nhập mã captcha/tìm kiếm. 

Kết quả tra cứu sản phẩm trên có mã HS code 3824999910 - Bột Cacbonat Canxi có tráng phủ axit stearic, được sản xuất từ loại đá thuộc nhóm 25.15, có kích thước hạt dưới 1 mm. Theo đó sản phẩm này thuộc nhóm hàng hóa có mã số HS (áp dụng đối với hàng hóa tại khâu nhập khẩu) 38.24 ở cột (10) Phụ lục I của danh mục ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP thuộc sản phẩm không được giảm thuế suất thuế GTGT. 

Sau khi xác định tên sản phẩm, cấp sản phẩm tương ứng trên các Phụ lục và mã HS trên danh mục hoặc mã HS code của hàng hóa thuộc đối tượng được giảm hay không được giảm thuế suất thuế GTGT, người nộp thuế xác định: Nếu hàng hóa, dịch vụ (đang chịu thuế suất thuế GTGT theo Luật thuế GTGT) thuộc danh mục không được giảm thuế GTGT trên Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III thì hàng hóa, dịch vụ này của người nộp thuế nhập khẩu, trực tiếp sản xuất, kinh doanh thương mại không được giảm thuế suất thuế GTGT. Nếu hàng hóa, dịch vụ không thuộc danh mục không được giảm thuế GTGT trên Phụ lục I, Phụ lục II, Phụ lục III thì hàng hóa, dịch vụ này của người nộp thuế nhập khẩu, trực tiếp sản xuất, kinh doanh thương mại thuộc trường hợp được giảm thuế suất thuế GTGT.

P.V: Xin ông cho biết cách lập hóa đơn và kê khai thuế GTGT?

Ông Nguyễn Mạnh Khôi: Người nộp thuế phải lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT. Trường hợp không lập hóa đơn riêng cho hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT thì không được giảm thuế GTGT. Cách thức lập hóa đơn GTGT (áp dụng đối với người nộp thuế thực hiện tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ) hoặc hóa đơn bán hàng (áp dụng đối với người nộp thuế thực hiện tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp) được hướng dẫn cụ thể tại khoản 3 Điều 1 Nghị định 15/2022/NĐ-CP. Người nộp thuế thực hiện kê khai các hàng hóa, dịch vụ được giảm thuế GTGT theo Mẫu số 01 tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định 15/2022/NĐ-CP cùng với Tờ khai thuế GTGT.