Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thủ tướng yêu cầu cải cách đột phá trong thu chi ngân sách

10/01/2017 14:30:00 Xem cỡ chữ
Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2016, triển khai nhiệm vụ năm 2017 của ngành tài chính diễn ra chiều 6/1 tại Hà Nội. Tham dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Thu ngân sách đạt 1.094 nghìn tỷ đồng

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cho biết, năm 2016 nhiệm vụ tài chính- NSNN được triển khai trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, với sự nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước; cùng với quyết tâm của toàn ngành tài chính, nhiệm vụ tài chính - NSNN năm 2016 vượt chỉ tiêu dự toán, góp phần hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đã chủ động xây dựng các kịch bản điều hành NSNN theo biến động giá dầu; điều hành, quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm; đảm bảo cân đối ngân sách các cấp, giữ bội chi NSNN trong phạm vi Quốc hội quyết định. Bên cạnh đó, chỉ đạo cơ quan thuế, hải quan chủ động, quyết liệt triển khai các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế; cưỡng chế thu nợ thuế, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế đối với các DN. Nhờ vậy, đến ngày 31/12/2016, thu cân đối NSNN ước đạt khoảng 1.094 nghìn tỷ đồng, vượt 79,6 nghìn tỷ đồng, tăng 7,8% so dự toán. Trong đó, thu NSĐP đạt 118,6% dự toán (tương ứng vượt 77,8 nghìn tỷ đồng), hầu hết các địa phương đều thu đạt và vượt dự toán được giao (58/63 địa phương); thu NSTW cơ bản đạt dự toán. Cùng với đó, công tác quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả. Nhờ đó, bội chi NSNN năm 2016 được điều hành trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định là 254 nghìn tỷ đồng (4,95%GDP).

Hết năm 2016 toàn ngành đã hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển DN, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; tích cực đẩy mạnh tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu DNNN và thị trường tài chính; tăng cường quản lý thị trường, giá cả, kiểm soát lạm phát; tích cực triển khai công tác huy động vốn; tăng cường quản lý nợ công chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay; tiếp tục đổi mới cơ chế tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập...

Đánh giá cao những kết quả đạt được của ngành trong năm vừa qua, ông Đinh Văn Nhã- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Ngân sách tài chính của Quốc hội cho rằng, năm 2016 toàn ngành tài chính đã thành xuất sắc nhiệm vụ mà Quốc hội và Chính phủ. Phần lớn các công việc mà Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ đều nhận được sự đồng thuận cao của Ủy ban Tài chính ngân sách. Vì vậy, Quốc hội và Thường vụ Quốc hội thông qua nhiều luật và các vấn đề tài chính ngân sách quan trọng cho năm 2017 và những năm tiếp theo.

Quyết liệt triển khai thu ngân sách ngay từ đầu năm

Bước sang năm 2017, dự báo tình hình kinh tế trong và ngoài nước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức tác động bất lợi đến hoạt động tài chính – NSNN, vì vậy đòi hỏi toàn ngành phải rất quyết tâm, nỗ lực phấn đấu. Để đạt được mục tiêu đề ra, Bộ Tài chính đã đưa ra 11 giải pháp trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài chính – NSNN, trong đó, cần tập trung tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Ngân sách nhà nước năm 2015. Tổ chức điều hành dự toán NSNN năm 2017 tích cực, chủ động, chặt chẽ, tăng cường kỷ luật tài chính - ngân sách; kiên quyết cắt giảm những khoản chi không cần thiết, chậm triển khai; hạn chế chi chuyển nguồn...

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, năm 2016, Chính phủ mới ra mắt trong bối cảnh kinh tế chồng chất khó khăn có nguyên nhân từ thiên tai và cả nhân tai. Nhưng với tinh thần đoàn kết, quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân đã hoàn thành vượt mức 12 chỉ tiêu mà Quốc hội giao, môi trường kinh doanh đầu tư được nâng lên, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới mức cho phép. So với khu vực châu Á, đặc biệt là Đông Nam Á thì Việt Nam vẫn đạt mức tăng trưởng cao được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Điều đó thể hiện chính sách điều hành tài chính ngân sách, tiền tệ của chúng ta rất tốt. Kết quả này có sự đóng góp trực tiếp và to lớn của ngành tài chính. Toàn ngành đã đoàn kết quyết tâm chỉ đạo quyết liệt thắng lợi toàn diện, vượt mức giao 7,8% dự toán; quản lý chi chặt chẽ, kịp thời xử lý các nhiệm vụ phát sinh; tiềm lực dự trữ quốc gia được nâng lên đáng kể. Ngành Tài chính cũng là một trong những ngành tiên phong, triển khai quyết liệt chủ trương cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh đặc biệt là hai cơ quan thuế và hải quan.

Trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2017 đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính trong năm 2017 không chỉ đi đầu trong thực hiện các nhiệm vụ mà còn phải đóng vai trò trung tâm. Theo đó, cần thực hiện tốt các công cụ chính sách tài khóa để giữ ổn định kinh tế vĩ mô, cải cách đột phá trong thu chi ngân sách để giảm bội chi, kiểm soát nợ công, góp phần đạt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra.

Để đạt được mục tiêu này, Thủ tướng nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm mà ngành Tài chính phải thực hiện. Theo đó, quán triệt sâu sắc, triển khai đầy đủ hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính  phủ về chủ trương, giải pháp cân đối NSNN, quản lý nợ công đảm bảo an toàn, bền vững. Bên cạnh đó, cần thiết lập kỷ luật ngân sách và cải thiện hiệu quả thu chi NSNN. Cụ thể, về thu NSNN, cần quyết liệt công tác thu ngay từ đầu năm, tiếp tục mở rộng cơ sở tính thuế, kiểm soát chặt chẽ kê khai thuế; chi NSNN cần quản lý chặt chẽ trên tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí.

Ngoài ra, cần công khai minh bạch làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể gây thất thoát lãng phí NSNN và tài sản công. Thủ tướng cũng yêu cầu cần phải đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành theo kế hoạch đã được phê duyệt với tinh thần khu vực DNNN phải nhỏ đo, từng DNNN phải mạnh lên. Cần hoàn thiện khung khổ pháp lý phù hợp với quốc tế đối với thị trường vốn và thị trường chứng khoán. Cuối cùng, Bộ  Tài chính cần kiện toàn lại bộ máy đảm bảo hiệu quả, tinh gọn.

                                                                                                                                                                        (Theo Tạp chí Thuế)