Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái chống thất thu thuế trong kinh doanh xăng dầu

10/01/2017 15:35:00 Xem cỡ chữ
6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 57 cơ sở kinh doanh xăng dầu với 97 cửa hàng và 282 cột đo xăng. Bình quân một doanh nghiệp nộp cả thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp là 35,4 triệu đồng.

Để tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, tạo môi trường kinh doanh công bằng, lành mạnh và bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng, tỉnh Yên Bái đang triển khai thực hiện Đề án "Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu trên địa bàn".

Theo thống kê, số lượng phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh là 364.419 xe các loại, trong đó có 5.414 ô tô tải; 676 ô tô khách; 3.686 ô tô dưới 9 chỗ ngồi; 84 ô tô chuyên dùng và 354.559 xe mô tô 2, 3 bánh. Ngoài ra, còn có các hoạt động sử dụng xăng dầu vào phục vụ quá trình giao thông vận tải thủy; máy nổ phát điện, máy móc thi công công trình xây dựng...

Thị trường kinh doanh xăng dầu trên địa bàn có sự tham gia của nhiều thành phần, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh; phần lớn lượng xăng, dầu được cung cấp thông qua doanh nghiệp và tổng đại lý.

Theo số liệu của ngành thuế, năm 2014, toàn tỉnh có 55 cơ sở kinh doanh xăng dầu, với 93 cửa hàng bán xăng dầu và 271 cột bơm xăng dầu; số thuế nộp là 46.026 triệu đồng.

Cũng với số lượng như vậy, 56 cơ sở kinh doanh, 95 cửa hàng và 274 cột đo xăng dầu nhưng số thuế nộp năm 2015 tăng gần gấp đôi so với 2014 khi tổng số tiền nộp là 87.684 triệu đồng và 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh có 57 cơ sở kinh doanh xăng dầu với 97 cửa hàng và 282 cột đo xăng, tổng số tiền mà các cơ sở kinh doanh xăng dầu đã nộp ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2016 là 45.339 triệu đồng.

Từ kết quả quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu năm 2014, 2015 và 6 tháng đầu năm 2016, qua phân tích tình hình nộp thuế của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh (không bao gồm Công ty Xăng dầu Yên Bái) cho thấy, số thuế mà các doanh nghiệp này nộp cho ngân sách đạt tỷ lệ thấp cả về thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN).

Cụ thể, năm 2014, bình quân một doanh nghiệp nộp cả thuế GTGT, thuế TNDN là 71,7 triệu đồng, bình quân tháng/năm nộp 5,9 triệu đồng. Năm 2015, bình quân một doanh nghiệp nộp cả thuế GTGT, thuế TNDN là 75 triệu đồng, bình quân tháng/năm nộp 6,3 triệu đồng.

6 tháng năm 2016, bình quân một doanh nghiệp nộp cả thuế GTGT, thuế TNDN là 35,4 triệu đồng, bình quân tháng/năm nộp 2,9 triệu đồng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng gian lận trong kinh doanh xăng dầu, trước hết là do phần lớn người tiêu dùng, cá nhân khi mua đều không lấy hóa đơn nên lượng xăng, dầu này có thể được chuyển hóa thành hóa đơn cung cấp cho các cơ sở kinh doanh khác để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào; đồng thời, hạch toán chi phí nhằm làm tăng số thuế GTGT được hoàn hoặc giảm số thuế GTGT, thuế thu nhập DN phải nộp.

Một số cơ sở nhập xăng dầu trôi nổi trên thị trường để kinh doanh, bỏ ngoài sổ sách kế toán, không kê khai nộp thuế...

Mặc dù công tác quản lý thuế đã có nhiều cố gắng, nhưng thực tế lâu nay trên địa bàn tỉnh, các ngành chức năng vẫn chưa có biện pháp quản lý hữu hiệu để đưa hoạt động này vào nền nếp; chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước để tăng cường quản lý thu thuế nên vẫn còn tình trạng thất thu trong hoạt động kinh doanh xăng, dầu.

Để khắc phục tình trạng này, việc thực hiện Đề án "Tăng cường công tác quản lý thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn" với cách thức dán tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả cột đo xăng dầu được cho là giải pháp hữu hiệu.

Như vậy, việc dán tem nhằm xác định các chỉ số đầu kỳ, cuối kỳ để tính toán sản lượng xăng dầu đã xuất bán. Hàng tháng, quý, cán bộ ngành thuế sẽ đến các cơ sở này ghi chỉ số thể hiện trên công tơ tổng để đối chiếu với hồ sơ khai thuế của cơ sở kinh doanh.

Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra tem niêm phong công tơ tổng đối với tất cả các cột đo xăng, dầu; xử lý đối với các trường hợp có tác động chủ quan làm ảnh hưởng đến các chỉ số công tơ tổng, dẫn đến sai lệch số xăng, dầu tiêu thụ trong kỳ...

Bày tỏ sự đồng thuận, ông Trần Quốc Tuấn ở phường Hồng Hà thành phố Yên Bái chia sẻ: “Có nghe thông tin mua hàng từ 200.000 đồng trở lên thì được bên bán xuất hóa đơn, nhưng trong đời tôi chưa bao giờ lấy hóa đơn ở của hàng xăng dầu. Biết vậy là có thể đã tiếp tay cho doanh nghiệp vi phạm về nghĩa vụ ngân sách, nhưng cũng rất bất tiện vì mỗi lần mua xăng, dầu lại phải chờ viết hóa đơn rất mất thời gian và quan trọng hơn là mình lấy hóa đơn về chẳng để làm gì. Nay Đề án được thực hiện thì người tiêu dùng vừa yên tâm khi được sử dụng xăng dầu rõ nguồn gốc, chất lượng đúng với giá trị thực, lại vừa cảm thấy làm được một việc tốt để giúp tăng thu ngân sách cho địa phương”.

Ông Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Yên Bái cho biết: “Việc tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu sẽ quản lý, kiểm tra và kiểm soát được các hoạt động mua bán xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Yên Bái nhằm chống triệt để tình trạng buôn lậu xăng dầu, chống tiêu cực trong việc mua, bán hóa đơn của các cơ sở kinh doanh xăng dầu; tăng cường tính tự giác và gắn trách nhiệm có tính bắt buộc của các cơ sở kinh doanh xăng dầu trong việc cung cấp hóa đơn, chứng từ khi bán hàng cho người tiêu dùng. Qua đó, cơ quan thuế quản lý được doanh thu bán ra của các cơ sở kinh doanh xăng dầu".

"Đồng thời, là căn cứ để các cơ sở kinh doanh xăng dầu thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình thông qua việc kê khai, nộp thuế đúng, đủ và kịp thời vào ngân sách nhà nước, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các cơ sở kinh doanh mặt hàng xăng, dầu trên địa bàn, bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng" - ông Khôi nói.

 

Theo Báo Yên Bái