CTTĐT - Ủy ban nhân dân huyện Trạm Tấu vừa ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn huyện.
Trạm Tấu nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm
Với mục tiêu chung hội nhập quốc tế về lao động và xã hội nhằm phát huy tiềm năng nội lực, lợi thế so sánh của huyện, tranh thủ tối đa môi trường và các nguồn lực góp phần thực hiện mục tiêu phát triển lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, huyện tập trung tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, tổ chức các diễn đàn, hội thảo để người lao động và doanh nghiệp trao đổi, giao lưu và tìm hiểu về Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội.
Thông tin, tuyên truyền thường xuyên, sâu rộng về thị trường việc làm, nguồn nhân lực, điều kiện tự nhiên, xã hội thuận lợi của huyện đến các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương, con người và văn hóa Trạm Tấu đến bạn bè trong và ngoài nước; lồng ghép các hoạt động thông tin đối ngoại về kinh tế, xã hội và du lịch của huyện trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tiếp tục thực hiện chương trình việc làm bền vững; thực hiện tốt các chính sách đào tạo nghề đáp ứng yêu cầu việc làm gắn với phát triển thị trường lao động; tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm; kết nối thị trường lao động với các huyện, thị xã, thành phố với các doanh nghiệp trong tỉnh, ngoài tỉnh và khu vực. Hoàn thành Đề án đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp huyện Trạm Tấu đến năm 2020, định hướng đến năm 2025. Phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ; chủ động theo dõi, nắm bắt và giải quyết kịp thời các tranh chấp lao động, tránh tình trạng đình công của người lao động, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Mở rộng thị trường lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài; quản lý lao động người nước ngoài; xây dựng thực hiện chương trình việc làm công theo các tiêu chí của khu vực và quốc tế. Triển khai thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động; thúc đẩy an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc phù hợp với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và các dịch vụ an toàn, vệ sinh lao động của quốc gia, tiếp cận các tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế. Nâng cao năng lực thanh tra lao động, tăng cường về số lượng và chất lượng thanh tra, kiểm tra, đáp ứng yêu cầu quản lý lao động hiệu quả trong quá trình hội nhập quốc tế.
Tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 19-CT/TW ngày 05/11/2012 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn và Chỉ thị số 36-CT/TƯ ngày 20/8/2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về tăng cường lãnh đạo việc triển khai Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Lồng ghép các chương trình dạy nghề, phấn đấu tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2020 là 46,5% và đạt trên 60% lao động qua đào tạo đến năm 2030. Nâng cao hiệu quả đào tạo, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm; đào tạo cung ứng lao động có tay nghề trình độ cao cho các khu công nghiệp trên địa bàn tinh. Phát triển đội ngũ giáo viên đạt chuẩn về trình độ, chương trình dạy nghề dựa trên chuẩn năng lực thực hiện, trên cơ sở phân tích nghề với sự tham gia của doanh nghiệp phù hợp với tiêu chuẩn của khu vực và quốc tế; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, huy động các doanh nghiệp tham gia dạy nghề; thực hiện tốt cơ chế dạy nghề theo hợp đồng đào tạo hoặc đơn đặt hàng đào tạo giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề lao động nông thôn, đào tạo các nghề gắn với các vùng sản xuất tập trung sản phẩm chủ lực; đào tạo nghề gắn liền với việc chuyển đổi cơ cấu lao động khu vực nông thôn sang hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ưu tiên hỗ trợ đào tạo nghề cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn. Thực hiện tốt chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế, xã hội, giảm nghèo bền vững.
Tăng cường công tác tuyên truyền, hướng nghiệp nhằm thay đổi nhận thức của người dân về học nghề, kinh doanh khởi nghiệp; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc đào tạo nghề tại các cơ sở; tuyên truyền công tác phân luồng sau trung học cơ sở và trung học phổ thông gắn với giáo dục nghề nghiệp.
Thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững gắn với Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, tập trung nguồn lực trước hết vào thực hiện ở những xã khó khăn nhất và các xã điểm xây dựng nông thôn mới. Lồng ghép các chương trình, dự án, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, tạo cơ hội cho hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận các chính sách để phát triển tăng thu nhập, phấn đấu vươn lên thoát nghèo.
Thực hiện hiệu quả Chiến lược quốc gia về Bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020; thu hẹp khoảng cách, xóa dần định kiến và bất bình đẳng giới trong đời sống xã hội, đặc biệt trong quan hệ gia đình ở vùng nông thôn, vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; phòng ngừa và hồ trợ trẻ em bị xâm hại, bị bạo lực, bị buôn bán, phòng ngừa và giảm thiểu lao động trẻ em; phát triển, hỗ trợ trẻ em tiếp cận hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em thuận lợi, công bằng và hiệu quả. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chương trình, đề án về an sinh xã hội đã được ban hành. Khuyến khích xã hội hóa, huy động sự tham gia của mọi thành phần trong xã hội vào việc đảm bảo an sinh xã hội, cung cấp dịch vụ xã hội và trợ giúp xã hội. Phát triển hệ thống cung cấp dịch vụ xã hội cho người dân tại cộng đồng theo tiêu chí khu vực và quốc tế.
Chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 110/KH- UBND ngày 15/6/2017 của UBND tỉnh về triển khai Quyết định số 161/QĐ-TTg ngày 25/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa - Xã hội ASEAN giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái, trong đó tập trung vào 05 nội dung chính gồm: Triển khai các hoạt động xây dựng cộng đồng gắn kết và mang lại lợi ích cho người dân; Tổ chức triển khai và thực hiện các hoạt động xây dựng cộng đồng hòa nhập, cộng đồng bền vững, cộng đồng tự lực, tự cường, cộng đồng năng động.
998 lượt xem
Ban Biên tập