CTTĐT - Một bộ phận người tham gia giao thông tại Việt Nam chưa có thói quen quát sát gương và thiếu những kỹ năng trong việc sử dụng gương chiếu hậu…Thực tế cho thấy một số người tham gia giao thông bằng phương tiện xe gắn máy hay xe đạp điện còn gương xe chiếu hậu loại thấp chỉ có tác dụng đối phó với cảnh sát giao thông mà không biết rằng điều đó thực sự gây ra nhiều hiểm họa không lường.
Mức xử phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng là 100.000-200.000 đồng.
Một bộ phận người tham gia giao thông tại Việt Nam chưa có thói quen quát sát gương và thiếu những kỹ năng trong việc sử dụng gương, đặc biệt là những người điều khiển xe máy.
Điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ mất an toàn cho bản thân lái xe và những người cùng tham gia giao thông.
Trong quá trình tham gia giao thông, khi các lái xe có tầm nhìn rộng, góc quan sát tốt, bao quát được nhiều hướng mới có thể đưa ra những quyết định hợp lý. Gương chiếu hậu là thiết bị an toàn thiết yếu của các phương tiện ô tô và xe máy giúp lái xe có thể quan sát được phía sau mà không cần phải quay đầu. Nhờ quan sát gương chiếu hậu, người điều khiển phương tiện có thể biết được xe vượt lên để nhường đường, tránh bị bất ngờ khi xe vượt lên. Đồng thời, lái xe cũng dễ dàng quan sát khoảng cách phía sau để đưa ra quyết định nhập làn, chuyển làn, chuyển hướng, rẽ phải rẽ trái một hoặc dừng lại một cách an toàn.
Chị Nguyễn Thị Hiền Trang – một người lái xe ô tô cho biết về ý nghĩa quan trọng của gương chiếu hậu trên xe ô tô: “Lái xe ô tô 100% phải sử dụng gương và sử dụng trong mọi trường hợp. Khi mình vào cua nếu không có gương sẽ không thể nào quan sát được ở đằng sau và 2 bên. Hoặc khi mình lùi cũng thế nên vai trò của gương là cực kỳ quan trọng”. Một người khác chia sẻ: “Khi tham gia giao thông, muốn rẽ phải hay rẽ trái, mình cũng thường phải có gương để nhìn 2 bên để tránh được những tình huống xấu nhất xảy ra. Vì cái gương là cái tầm để nhìn ở tất cả mọi tình huống”.
Các chuyên gia an toàn giao thông cho biết, thói quen quan sát gương thường xuyên sẽ giúp các lái xe hạn chế bớt những rủi ro trong quá trình tham gia giao thông.
Tại Việt Nam, tình trạng các phương tiện đi ẩu, vượt đèn đỏ xảy ra khá thường xuyên tại các nút giao. Nếu quan sát gương chiếu hậu, lái xe có thể nắm bắt phương tiện phía sau đang lao tới với tốc độ nhanh để kịp thời nhường đường hoặc tránh.
Trong khi đó, khi tham gia giao thông trên những làn đường hỗn hợp có nhiều xe máy, quan sát gương thường xuyên giúp lái xe có thể phát hiện được các phương tiện xe máy chuyển làn hay len lỏi giữa các khoảng trống trên đường nhằm đưa ra các quyết định phù hợp.
Quan sát gương cũng đặc biệt cần thiết trong trường hợp xe vào cua hay lùi xe để tránh những chướng ngại vật. Bởi vậy, bài học đầu tiên cho những người mới lái là cách điều chỉnh gương sao cho phù hợp khi ngồi sau tay lái.
Lái xe Bùi Hải Hà ở thành phố Yên Bái cho biết: “Lúc đó, thầy giáo cũng hướng dẫn mình ngồi phải chỉnh gương làm sao cho gương quan sát về đằng sau càng rộng càng tốt để tránh các phương tiện đi đằng sau hoặc bên cạnh cho rõ. Chỉ những lái xe mới chứ những lái xe lâu năm ai cũng thấy quan sát gương là quan trọng, vì nhìn gương 2 bên mới quan sát được các xe đi bên cạnh để mình còn biết đường rẽ trái hoặc rẽ phải”.
Mặc dù, tất cả các học viên lái xe đều được hướng dẫn về cách sử dụng gương chiếu hậu nhưng trên thực tế, nhiều lái xe chưa có thói quen quan sát gương và thiếu những kỹ năng sử dụng gương một cách an toàn. Bởi vậy đã có không ít các vụ va chạm, tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Gần đây nhất, hệ thống camera của kênh VOVGT đã ghi lại vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng xảy ra tại ngã tư Khuất Duy Tiến- Trần Duy Hưng hôm vừa qua giữa xe tải và một xe máy. Vụ tai nạn xảy ra khi xe tải chạy song song cùng 2 ô tô khác trên đường theo hướng đi về Đại lộ Thăng Long.
Lúc này, một người điều khiển xe máy đã cố tình len vào giữa 2 xe ô tô và đã bị ngã vào bánh sau xe tải, tử vong tại chỗ. Có mặt tại cơ quan điều tra, tài xế xe tải cho biết, lúc xảy ra tai nạn, tài xế cho rằng đang có phương tiện ô tô đi bên cạnh nên tập trung quan sát gương bên đối diện nên không phát hiện xe máy khác đang lách lên giữa 2 ô tô.
Trước đó vào ngày 11/4, tại ngã tư Đệ Tứ, thành phố Nam Đinh, tỉnh Nam Định đã xảy ra vụ xe container lật nghiêng đè bẹp lên chiếc xe con đi cùng chiều làm toàn bộ nạn nhân thiệt mạng.
Phân tích về nguyên nhân vụ tai nạn, nhiều chuyên gia an toàn cho rằng, tài xế điều khiển xe con đã cố tình vượt vào khoảng cách hẹp và rơi vào vùng điểm mù của xe container khi xe đang chuyển hướng nên tài xế không quát sát thấy.
Thừa nhận thực tế, lái xe Hoàng Văn Mạnh cho biết, dù chỉnh gương đúng vị trí trong một số trường hợp, dù lái xe có chú ý quan sát nhưng không phát hiện được các phương tiện đi bên cạnh hoặc phía sau, đó là khi các phương tiện lưu thông vào những góc khuất của gương hay còn gọi là điểm mù.
Điểm mù bao gồm không gian thấp dưới tầm quan sát trước, khung chắn gió hay khung xe hai bên sườn hoặc đuôi xe. Kích thước và hình dạng của khu vực mù phụ thuộc vào hình dạng, kích thước xe.
Lái xe Mạnh cho biết: “Điểm mù của gương khi xe đi ngang hàng với mình hoặc xe ở góc khuất chữ A ở bên lái và chân gương. Hai điểm này là điểm mù không nhìn thấy được. Lúc đó mình phải chú ý quan sát tổng thể và không sử dụng gương. Mình không thể nhìn vào gương hậu lâu được nên mình chỉ liếc mắt mà liếc thật nhanh để mình quan sát, còn khi mà xe khác đi vào các điểm mù của gương thì mình không dùng gương nữa mà bắt buộc phải quay đầu và nhìn ra bên ngoài để quan sát. Khi vào điểm mù thì gương không còn tác dụng nữa”.
Để đảm bảo an toàn và hạn chế những vụ tai nạn đáng tiếc khi tham gia giao thông, các chuyên gia an toàn giao thông cho rằng, lái xe cần tạo lập thói quen chỉnh gương và kĩ năng quan sát gương khi điều khiển phương tiện.
Đối với gương chiếu hậu xe ô tô, lái xe cần điều chỉnh cả 3 gương chiếu hậu để có tầm nhìn rộng nhất. Nên kiểm tra các điểm mù từ hướng ghế lái thông qua gương chiếu hậu trong xe trước, xác định điểm cuối có thể nhìn thấy được sau đó nhìn vào gương hai bên hông xe, đối chứng và điều chỉnh sao cho mép trong gương trùng với điểm đó.
Trong quá trình tham gia giao thông, lái xe cần phải quan sát cả phía trước, 2 bên và phía sau. Trong những trường hợp cần giảm tốc độ hoặc dừng xe, lái xe phải quan sát gương chiếu hậu cùng với việc xi nhan, đảm bảo đủ khoảng cách để dừng xe.
Thường xuyên quan sát gương chiếu hậu để kịp thời nhường đường cho các phương tiện phía sau xin vượt hoặc để tránh những phương tiện vượt ẩu. Trong trường hợp vào làn, hoặc chuyển làn, nhìn gương trái khi xe nhập làn từ bên phải đường và ngược lại. Lái xe cũng cần chú ý quan sát gương khi mở cửa xe để tránh gây tai nạn cho các phương tiện khác.
Chia sẻ kinh nghiệm quan sát gương khi phải lưu thông giữa 2 phương tiện, lái xe Uông Viết Tân cho biết: “Thực ra khi tham gia giao thông, nếu đi ở giữa 2 xe song song với mình, bao giờ mình cũng phải quan sát ở góc cạnh ở 2 bên quan sát để tránh trường hợp 2 xe ở bên sẽ bị va chạm.Trong tình huống 2 xe ô tô 2 bên mà có xe máy xen vào, thì mình quan sát về phía bên phải nhiều hơn để mình tránh cho xe máy lách lên và vượt qua đầu xe mình, còn bên trái thì mình có thể mở rộng hơn, và quan sát rộng hơn ở bên trái”.
Quan sát gương chiếu hậu khi điều khiển phương tiện sẽ giúp lái xe có những cách xử lí các tình huống giao thông một cách chính xác, nhanh nhậy trên đường.
Bởi vậy, mỗi lái xe hãy tự xây dựng thói quen và học hỏi những kỹ năng quan sát gương để trở thành những lái xe an toàn, văn minh, biết nhường đường đúng lúc nhằm tránh xảy ra các vụ va chạm, tai nạn đáng tiếc.
Điều 53 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới, trong đó quy định xe cơ giới phải có Có đủ gương chiếu hậu và các trang bị, thiết bị khác bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển. Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Đối với người điều khiển xe ô tô (bao gầm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô: Phạt tiền từ 300.000 - 400.000 đồng đối với người điều khiển phương tiện không có gương chiếu hậu. Ngoài ra, người điều khiển xe buộc phải lắp đầy đủ gương chiếu hậu theo quy định.( điểm a khoản 7 Điều 16).
Đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy: Phạt tiền từ 100.000- 200.000 đồng đối với người điều khiển xe không có gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng. Trường hợp, người điều khiển xe máy thiếu gương bên phải sẽ không bị phạt theo quy định trên.
Theo đó, gương chiếu hậu không có tác dụng là gương không đáp ứng các yêu cầu về tiêu chuẩn theo quy định tại QCVN 28:2010/BGTVT. Một số tiêu chuẩn đối với gương chiếu hậu như sau:
- Tất cả các gương phải điều chỉnh được vùng quan sát.
- Diện tích của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 69 cm2.
- Trong trường hợp gương tròn, đường kính của bề mặt phản xạ không được nhỏ hơn 94 mm và không được lớn hơn 150 mm.
- Trong trường hợp gương không tròn kích thước của bề mặt phản xạ phải đủ lớn để chứa được một hình tròn nội tiếp có đường kính 78 mm, nhưng phải nằm được trong một hình chữ nhật có kích thước 120 mm x 200 mm.
- Bề mặt phản xạ của gương phải có dạng hình cầu lồi.
Cùng với đó, về thẩm quyền dừng xe xử phạt của cảnh sát giao thông Điều 87 Luật giao thông đường bộ 2008 quy định:
“Cảnh sát giao thông đường bộ thực hiện việc tuần tra, kiểm soát để kiểm soát người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ; xử lý vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ đối với người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường bộ và hành lang an toàn đường bộ”.
|
2494 lượt xem
Ban Biên tập