CTTĐT - Thời gian qua, Công an tỉnh Yên Bái đã triển khai nhiều giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn, trong đó có các giải pháp hạn chế tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT như lạng lách, đánh võng, chạy quá tốc độ quy định, ảnh hưởng đến người tham gia giao thông.
Cảnh sát giao thông huyện Văn Yên tuyên truyền, xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông (Ảnh minh họa)
Trong năm 2021, Công an tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch, giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông, qua đó, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh được kiềm chế, giảm cả 3 tiêu chí (so với năm 2020 giảm 05 vụ (104/109), giảm 03 người chết (27/30), giảm 11 người bị thương (108/119)). Tuy nhiên, trong thời gian qua, trên địa bàn thành phố Yên Bái và một số địa bàn lân cận, thời điểm đầu giờ học và tan học thường bắt gặp tình trạng học sinh tại các trường THPT, THCS sử dụng xe gắn máy hoặc xe mô tô không đội mũ bảo hiểm, đi dàn hàng 2, hàng 3, đi ngược chiều, lạng lách, phóng nhanh, vượt ẩu… nhiều học sinh chưa đủ tuổi thành niên vẫn điều khiển xe trên 50 phân khối trở lên tham gia giao thông. Mặc dù các ngành chức năng và các trường học thường xuyên tuyên truyền, phổ biển những quy định về an toàn giao thông, song tình trạng học sinh vi phạm trật tự ATGT vẫn diễn ra khá phổ biến.
Trước tình trạng trên, năm 2021, Công an tỉnh đã phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức 54 buổi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ cho học sinh, sinh viên, giáo viên các trường Tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn toàn tỉnh; tổ chức cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về trật tự, an toàn giao thông" trên địa bàn tỉnh Yên Bái; đồng thời phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ tỉnh và cấp ủy, chính quyền địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên hệ thống truyền thanh và trực tiếp tại các cuộc họp thôn, tổ dân phố, gắn liền với công tác vận động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông cho người dân.
Đồng thời chỉ đạo lực lượng nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh tăng cường tuần tra kiểm soát, phối hợp với lực lượng Cảnh sát trật tự của Công an phường, Công an xã tiến hành chụp ảnh, quay video về tình trạng vi phạm của học sinh tại các khu vực gần công trường và trên đường các cháu đi học, tan học, làm căn cứ tiến hành kiểm tra, phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp học sinh điều khiển xe gắn máy, xe đạp điện vi phạm như chở quá người, không đội mũ bảo hiểm, chạy xe dàn hàng ngang gây cản trở giao thông. Đã xử phạt 1.100 trường hợp vi phạm, trong đó phạt cảnh cáo 710 trường hợp; phạt tiền đối với 390 trường hợp, thu nộp ngân sách nhà nước 227.250.000đ.
Tuy nhiên, chế tài xử lý chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe. Cụ thể, nhiều trường hợp người vi phạm dưới 16 tuổi chỉ bị xử phạt cảnh cáo; trường hợp đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ xử phạt được bằng l/2 mức phạt tiền so với người trưởng thành vi phạm. Mức xử phạt hành chính đối với phụ huynh (chủ phương tiện) giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện thì mức phạt chỉ từ 800 nghìn đến 2 triệu đồng.
Để giải quyết tình trạng này, trước hết cần tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về bảo đảm an toàn giao thông cho các cháu học sinh; trong đó, tập trung tuyên truyền các quy định về độ tuổi được điều xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện; chế tài xử phạt đối với vi phạm điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện không đội mũ bảo hiểm, không có giấy phép lái xe, chưa đủ tuổi theo quy định, chạy tốc độ cao, lạng lách, đánh võng, bốc đầu... các vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ thanh thiếu niên, học sinh, người chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, xe máy điện.
Công an tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Mặt trận Tổ quốc, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ và cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú, đa đạng, phù hợp với từng đối tượng trong độ tuổi thanh, thiếu niên và học sinh để nâng cao hiểu biết, nhận thức và tạo ý thức tự giác cho các cháu, “văn hóa giao thông" cần được chú trọng xây dựng thành nội dung trọng tâm trong kỹ năng sống của học sinh và nằm trong chương trình giảng dạy của bộ môn GDCD trong nhà trường. Đề nghị Ban ATGT các cấp, nhất là cấp cơ sở chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành các nghiệm các quy định về trật tự ATGT, đặc biệt là quan tâm đến đối tượng thanh, thiếu niên và học sinh.
Đề nghị ngành Giáo dục và các gia đình cần phối hợp trong công tác giáo dục, quản lý con em mình để cùng chung tay ngăn chặn triệt để tình trạng thanh thiếu niên, học sinh điều khiển phương tiện lạng lách, đánh võng, bốc đầu xe... Các phụ huynh cần quản lý chặt chẽ, thường xuyên quan tâm, giáo dục con em chấp hành nghiêm quy định của pháp luật; ký cam kết với nhà trường về việc đảm bảo an toàn giao thông cho con, em mình, kiên quyết không giao phương tiện cho con em minh khi chưa đủ tuổi, chưa đủ điều kiện theo quy định, tránh những hệ luy đáng tiếc; phối hợp với nhà trường để năm chắc tình hình học tập, việc chấp hành nội quy, quy định, kịp thời phát hiện các sai phạm để giáo dục.
Công an tỉnh sẽ chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết hơn nữa trong việc xử lý vi phạm của các cháu.
Ngoài việc triển khai các kế hoạch xử lý theo chuyên đề, tập trung vào đối học sinh thì Hệ thống camera giám sát an ninh được đưa vào hoạt động trong Đề án Đô thị thông minh sẽ được khai thác dữ liệu phục vụ cho việc xác minh, xử lý các trường hợp chạy quá tốc độ, lạng lách đánh võng hay dàn hàng ngang chạy xe gây cản trở giao thông. Những trường hợp vi phạm không chỉ xử phạt tiền hay tạm giữ phương tiện mà Công an tỉnh sẽ phối hợp với cơ quan truyền thông xây dựng tin, bài phản ánh về tình trạng học sinh vi phạm, trong bản tin An toàn giao thông hàng tuần. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cần có quy định cụ thể về thành tích thi đua của các trường nếu học sinh bị phản ánh trên các tin, bài này cũng như trong kết quả rèn luyện cuối năm của các em học sinh; đồng thời trao đổi với chính quyền địa phương nơi cư trú để cùng phối hợp trong quá trình quản lý, giáo dục đối với các cháu.
1301 lượt xem
Ban Biên tập