CTTĐT - Vừa điều khiển phương tiện giao thông vừa nghe điện thoại, nhắn tin là hình ảnh dễ dàng bắt gặp trên các tuyến đường hàng ngày. Mặc dù đã có quy định rõ ràng với mức phạt tăng cao so với trước, song trên thực tế hiện nay, tình trạng vẫn diễn ra khá phổ biến, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn giao thông.
Sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông - Thói quen cần loại bỏ
Hiện nay, trên nhiều tuyến đường, không khó để bắt gặp hình ảnh người tham gia giao thông vừa sử dụng điện thoại di động vừa điều khiển xe. Chính sự thờ ơ của một bộ phận này đã gây nguy hiểm cho bản thân và những người cùng tham gia giao thông.
Đặc biệt, tại các nút giao thông, khi đèn tín hiệu chuyển đỏ, hàng loạt các chủ phương tiện bắt đầu mở điện thoại ra sử dụng. Đến khi đèn chuyển xanh, một số người mắt vẫn tập trung vào chiếc điện thoại mà không chịu di chuyển, khiến cho dòng phương tiện ùn ứ lại. Ngoài việc sử dụng điện thoại để nghe, gọi, nhiều người thậm chí còn dùng điện thoại nhắn tin, nghe nhạc, lướt mạng khi đang điều khiển phương tiện tham gia giao thông trước sự bức xúc của nhiều người đi đường, không ít trường hợp đã xảy ra tai nạn như trường hợp của anh Ng. T. Sơn ở tổ 2, phường Yên Ninh. Anh Sơn cho biết, đang đi trên đường thì anh có cuộc điện thoại, lúc đầu anh không muốn nghe nhưng điện thoại đổ chuông gọi nhiều lên nên nghĩ có việc gấp nên anhvừa điều khiển xe máy 1 tay, còn tay kia rút điện thoại ra nghe; không ngờ do mất tập trung khi sử dụng điện thoại, nên xe máy của anh đâm vào phía sau một xe ô tô đang dừng bên đường, khiến anh và xe máy ngã xuống đường. Vụ va chạm khiến anh ngã ra đường và may chỉ bị xây xát nhẹ.
Theo các cơ quan chức năng, hành vi vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại vẫn diễn ra phổ biến trên đường phố, trong các trường hợp gây tai nạn giao thông, nguyên nhân do người lái xe thiếu tập trung quan sát thường chiếm tỉ lệ khá cao, trong đó có hành vi vừa lái xe, vừa nghe điện thoại di động. Từ người đi xe đạp cho đến xe máy, tài xế lái ô tô con đến xe tải, xe khách, xe container… đều có nhiều trường hợp vừa điều khiển xe, vừa nghe điện thoại di động, không chú ý quan sát trên đường.Đã có người vì mải mê nghe điện thoại mà qua đường thiếu quan sát, chuyển hướng không báo hiệu, đèn đỏ quên dừng lại… gây bất bình cho những phương tiện cùng lưu thông, thậm chí xảy ra tai nạn.
Qua trao đổi, nhiều CSGT cho biết, mặc dù lực lượng CSGT vẫn thường xuyên kiểm tra, xử lý những trường hợp sử dụng điện thoại khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, việc xử lý gặp không ít khó khăn, bởi hành vi diễn ra nhanh chóng, khó thu thập chứng cứ, có những người vi phạm còn chối cãi… Đặc biệt là đối với xe ô tô, hiện nhiều xe ô tô dán kính mờ, kính màu nên việc phát hiện và xử lý là không hề đơn giản.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm giao thông được áp dụng từ 1/1/2020, mức phạt các hành vi vi phạm tăng rất cao so với quy định tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP trước đây. Trong đó, đáng chú ý là quy định tăng mức xử phạt hành chính đối với hành vi sử dụng điện thoại khi lái xe.
Đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô dùng tay sử dụng điện thoại di động khi đang điều khiển xe chạy trên đường bị xử phạt hành chính từ 1-2 triệu đồng. Ngoài việc bị phạt tiền, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm mà gây tai nạn giao thông sẽ bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.
Tương tự tài xế điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động, thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính thì bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng (điểm h, khoản 4, Điều 6); “Người điều khiển xe đạp, xe đạp máy sử dụng ô (dù), điện thoại di động thì bị phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (điểm h, khoản 1, Điều 8).
Cơ quan chức năng khuyến cáo, người tham gia giao thông nếu bắt buộc phải sử dụng điện thoại, hãy dừng hẳn xe; tuyệt đối không nhắn tin hay lướt mạng, chat khi tham gia giao thông. Đây là cách an toàn cho cả người lái xe và những người xung quanh.
767 lượt xem
BBT