CTTĐT - Từ đầu năm đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) tại huyện Lục Yên tỉnh Yên Bái có nhiều chuyển biến tích cực, trên địa bàn không có người tử vong vì tai nạn giao thông (TNGT). Để đạt được kết quả đó phải kể đến huyện đã triển khai nhiều giải pháp quan trọng trong đảm bảo an toàn giao thông.
Cán bộ, chiến sĩ Công an huyện Lục Yên kiểm tra nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân
Huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái có hệ thống giao thông đường bộ, đường thủy tương đối lớn, nhất là trên địa bàn có tuyến Quốc lộ 70 đi qua với mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn nên tình hình tai nạn giao thông (TNGT) luôn diễn biến phức tạp. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành luật cho người tham gia giao thông là giải pháp trọng tâm, căn cơ được huyện Lục Yên tập trung triển khai để giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT) ngay từ những tháng đầu năm 2022.
Công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân, đặc biệt là đối tượng thanh thiếu niên, học sinh về chấp hành Luật Giao thông đường bộ được các cấp, các ngành của huyện quan tâm. Bên cạnh việc tập trung tuyên truyền phổ biến tiêu chí "Văn hóa giao thông” đến các hội viên, đoàn viên. Việc triển khai các cuộc vận động về ATGT được gắn với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đồng thời, đưa việc bảo đảm ATGT ở khu dân cư là một trong những tiêu chí khi xét công nhận gia đình văn hóa, tổ dân phố, khu dân cư, thôn, bản văn hóa. Đoàn Thanh niên huyện duy trì hiệu quả các mô hình "Cổng trường ATGT”, ngành giáo dục và đào tạo huyện Lục Yên chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trường học phối hợp với Công an huyện tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến giáo dục về ATGT cho các em học sinh đầu năm học. Đến nay đã hàng nghìn học sinh trên địa bàn từ cấp tiểu học đến THPT được tuyên truyền ATGT. Trao đổi với em Trần Thùy Dung - học sinh Trường THPT Hồng Quang cho biết: "Đầu năm học, nhà Trường đã tổ chức ngoại khóa về ATGT, em thấy chương trình rất ý nghĩa, giúp chúng em nhận thức được việc phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ, từ đó chúng em sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để tuyên truyền, vận động các bạn và mọi người, hướng tới một xã hội an toàn hơn”.
Ngoài ra, các nhà trường, tích cực hưởng ứng tham gia các cuộc thi "Giao thông học đường”, "ATGT cho nụ cười ngày mai” do Bộ GD&ĐT phát động dành cho giáo viên, học sinh THCS, THPT. Tổ chức các buổi ngoại khóa dưới hình thức sân khấu khóa về ATGT, trong đó có phần thi nhận thức, tiểu phẩm, ca nhạc, trình diễn thời trang giúp học sinh dễ hiểu, dễ tiếp thu, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trong học sinh, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng vi phạm trật tự ATGT, tổ chức tuyên truyền bằng pa nô, áp phích, khẩu hiệu. Tổ chức ký cam kết giữa nhà trường với giáo viên và phụ huynh học sinh, học sinh với giáo viên, thành lập và củng cố các đội thanh niên xung kích trường học, phân công cán bộ làm nhiệm vụ tuyên truyền và hướng dẫn trật tự giao thông vào giờ cao điểm.
Cùng với đó, công tác phối hợp chặt chẽ với các bậc phụ huynh trong việc quản lý, sử dụng phương tiện xe gắn máy, xe đạp điện, đội mũ bảo hiểm cũng như chấp hành nghiêm các quy định của học sinh. Ngay từ đầu năm học, đối với học sinh khối THPT được tổ chức ký cam kết, không vi phạm Luật Giao thông đường bộ và lấy đây là tiêu chí để đánh giá, xếp loại hạnh kiểm của học sinh.
Chú trọng tuyên truyền những thay đổi về quy định mức phạt đối với người tham gia giao thông như: tuyên truyền về mức xử phạt vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển xe đạp, xe máy và ô tô, mức phạt đối với trường hợp lái xe chạy quá tốc độ quy định, lái xe ô tô không cài dây bảo hiểm, lỗi không xi nhan khi sang đường...
Thông tin về tình hình giao thông trên địa bàn còn được cập nhật thường xuyên qua hệ thống loa truyền thanh, các buổi họp thôn, sinh hoạt của các tổ chức, hội, đoàn thể. Phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội tham gia các cuộc vận động như: "Phụ nữ tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) vì hạnh phúc của mỗi gia đình”; "Nông dân tham gia bảo đảm TTATGT” và Phong trào "Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”.
Tăng cường xử lý vi phạm nồng độ cồn
Huyện Lục Yên có địa bàn rộng, mật độ người, phương tiện tham gia giao thông tương đối lớn, luôn tiềm ẩn những nguy cơ TNGT. Trong đó, tình trạng người tham giao giao thông sau khi đã sử dụng rượu, bia diễn biến phức tạp, đã có 1 số trường hợp xảy ra tai nạn. Trước tình trạng đó, để bảo đảm ATGT, lực lượng CSGT, Công an huyện đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng, các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp phù hợp với tình hình thực tế. Từ đầu năm đến nay cán bộ, chiến sĩ TTATGT Công an huyện Lục Yên thường xuyên có mặt trên các tuyến tỉnh lộ 170, 171, đường liên xã phức tạp về TTATGT để tuần tra, xử lý vi phạm theo chuyên đề về nồng độ cồn. Nhờ đó, hàng trăm vi phạm về nồng độ cồn đã được phát hiện, xử lý kịp thời, góp phần ngăn ngừa nguy cơ xảy ra va chạm, tai nạn giao thông và răn đe người tham gia giao thông.
Tính riêng quý I năm 2022, Đội CSGT trật tự huyện đã thực hiện 62 ca tuần tra, kiểm soát với 329 lượt cán bộ tham gia. Qua đó, Đội đã lập biên bản vi phạm TTATGT 310 trường hợp, trong đó có 150 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, tạm giữ 8 xe ô tô và 182 xe mô tô. TNGT chỉ xảy ra 2 vụ, làm 2 người bị thương, không có người tử vong, so với cùng kỳ năm trước số vụ, số người chết, người bị thương không tăng, không giảm.
Thiếu tá Phùng Nguyên Ngọc - Đội trưởng Đội CSGT Công an huyện cho biết: "Điều khiển phương tiện sau khi đã sử dụng rượu, bia là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến các vụ TNGT nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Do đó, từ đầu năm đến nay, đội huy động tối đa lực lượng, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để duy trì kiểm tra, xử lý các vi phạm về nồng độ cồn gắn với đảm bảo an toàn trong phòng dịch Covid-19. Nếu gặp những trường hợp chây ỳ, bất hợp tác, lực lượng CSGT sẽ áp dụng biện pháp ghi hình và tiến hành lập biên bản không chấp hành yêu cầu kiểm tra nồng độ cồn. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi hy vọng, mọi người dân hiểu rằng, pháp luật không cấm uống rượu, bia, nhưng khi đã uống thì không được điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Đó là cách tự bảo vệ mình và những người xung quanh không bị TNGT”.
Triển khai kế hoạch mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT
Để bảo đảm đảm TTATGT, đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, song song với công tác tuyên truyền, Công an huyện đã tổ chức tổng kết rút kinh nghiệm và xây dựng kế hoạch, phương án tổ chức đợt cao điểm bảo đảm TTATGT trên địa bàn huyện trong dịp tết Nguyên đán, các ngày lễ lớn của đất nước và sự kiện diễn ra tại địa phương, tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các tuyến đường giao thông thường xảy ra tai nạn, điểm nút giao thông đông dân cư, tập trung xử lý lỗi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây ra tai nạn như: Chở quá số người quy định, chạy quá tốc độ cho phép, sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông, dừng đón trả khách sai quy định, không đội mũ bảo hiểm…
Bên cạnh đó, Ban ATGT huyện Lục Yên chỉ đạo các xã, thị trấn trong huyện tổ chức giải phóng và phát dọn hành lang ATGT, khơi thông cống rãnh bảo đảm phong quang. Đặc biệt, lực lượng Công an huyện phối hợp với thanh tra giao thông, đội tự quản thường xuyên giải tỏa hành lang, lòng lề đường làm nơi buôn bán của nhiều hộ dân trên địa bàn thị trấn Yên Thế, giải quyết dứt điểm tình trạng lấn chiếm hành lang khu vực chợ, trung tâm các xã. Các địa phương đưa tiêu chí ATGT là một trong những tiêu chí được đánh giá, xếp loại vào dịp cuối năm cùng với thực hiện các nhiệm vụ khác.
Với những giải pháp nêu trên, tình hình TTATGT trên địa bàn huyện Lục Yên có nhiều chuyển biến tích cực, TNGT cơ bản được kiềm chế nhờ những giải pháp đồng bộ, hiệu quả đó, trên địa bàn không có người tử vong vì tai nạn giao thông.
713 lượt xem
Ban Biên tập