Là trung tâm kết nối, giao thương với các đô thị lớn vùng đồng bằng sông Hồng, tỉnh Yên Bái hiện có 4 loại hình giao thông vận tải là: đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và đường hàng không (phục vụ riêng lĩnh vực quốc phòng, an ninh); trong đó, giao thông đường bộ giữ vai trò chủ đạo.
Lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra nồng độ cồn của các chủ phương tiện, góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông.
Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 435.233 phương tiện giao thông đường bộ, gồm 24.582 ô tô, 699 xe máy chuyên dùng và 409.942 mô tô. Người tham gia giao thông đã cơ bản hình thành thói quen tự giác chấp hành pháp luật về ATGT và "văn hóa giao thông”; hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước được nâng cao; tình hình tai nạn giao thông (TNGT) giảm qua các năm. Tuy nhiên, tại một số địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn của tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về ATGT của người dân.
Để khắc phục tình trạng này, hàng năm, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch tổ chức phong trào thi đua bảo đảm TTATGT; các sở, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt, học tập, xây dựng chương trình và triển khai thực hiện nghiêm túc công tác tuyên truyền, giáo dục nhận thức, ý thức và chính trị, nghiệp vụ, pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên làm nhiệm vụ đảm bảo TTATGT cũng như giải pháp hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác chuyên môn nói chung, công tác đảm bảo TTATGT nói riêng.
Triển khai thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, Chính phủ về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đảm bảo ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông; đảm bảo TTATGT trong tình hình mới; Chiến lược quốc gia bảo đảm TTATGT đường bộ đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030..., UBND tỉnh đã ban hành các chương trình hành động và kế hoạch thực nghị quyết của Đảng, nghị quyết, quyết định của Chính phủ phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.
Theo đó, các sở, ban, ngành, Ban ATGT các địa phương từ huyện đến xã đều ban hành các văn bản, kế hoạch triển khai thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của cấp trên về công tác bảo đảm TTATGT.
Để công tác tuyên truyền đi vào nền nếp và đạt hiệu quả cao, UBND tỉnh đã lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thường xuyên quan tâm công tác TTPBGDPL về TTATGT; chủ động xây dựng các quy chế và kế hoạch phối hợp TTPBGDPL về ATGT, bảo đảm việc tuyên truyền đến toàn bộ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh; phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh các hoạt động bảo đảm TTATGT ở cơ sở, tạo khí thế mới trong hoạt động bảo đảm TTATGT; tổ chức thực hiện nghiêm túc kế hoạch tuyên truyền, vận động và xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ; chú trọng tuyên truyền theo chuyên đề về nồng độ cồn, tải trọng phương tiện, tiêu chí về văn hóa giao thông, nghị định xử phạt trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đạo đức nghề nghiệp của người kinh doanh vận tải...
Từ năm 2009 đến nay, Ban ATGT tỉnh đã phối hợp tổ chức hơn 40 hội nghị, lớp tập huấn kiến thức về ATGT cho gần 3.000 giáo viên và cán bộ cơ sở khối đoàn thể; 116 buổi, cuộc tuyên truyền Luật ATGT cho trên 157.000 lượt giáo viên và học sinh và người dân; cung cấp tài liệu, tờ rời, sách tuyên truyền về ATGT cho các cơ quan thành viên, ban ATGT các huyện, thị, thành phố và các cơ sở giáo dục làm tài liệu tuyên truyền cho người dân và giảng dạy kiến thức ATGT cho học sinh với trên 232.300 tờ rời tuyên truyền; trên 3.270 cuốn cẩm nang, sách và các tài liệu khác; triển khai hàng trăm mô hình tham gia bảo đảm TTATGT.
Phối hợp với Ban ATGT tỉnh, lực lượng công an tỉnh đã tổ chức lễ ra quân thực hiện nhiệm vụ đảm bảo TTATGT trong các dịp tết Nguyên đán và mùa lễ hội xuân hàng năm; phối hợp với các cơ quan truyền thông của tỉnh tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bảo đảm TTATGT; ra mắt 42 mô hình "Cổng trường ATGT" tại 42 điểm trường học trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền các kế hoạch cao điểm xử lý vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, sử dụng chất ma túy, chở quá tải trọng, kích thước giới hạn thùng chở hàng, mũ bảo hiểm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường...
Đồng thời, xây dựng phương án đảm bảo TTATGT cho các hoạt động, sự kiện chính trị của tỉnh, các đoàn công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước lên thăm và làm việc tại địa phương. Thông qua các hoạt động tuyên truyền, ý thức, nhận thức chấp hành luật giao thông đường bộ của người dân đã được nâng lên rõ rệt, các hành vi vi phạm TTATGT, tình hình TNGT trên địa bàn tỉnh giảm nhiều năm liên tiếp. Điển hình, các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã tăng cường công tác TTPBGDPL cho đội ngũ lái xe nâng cao trách nhiệm, thái độ, ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT; nghiêm cấm các hành vi: chạy quá tốc độ, phóng nhanh, vượt ẩu, chở quá tải trọng cho phép, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, vi phạm thời gian lái xe...; tập trung quan sát, giảm tốc độ khi điều khiển phương tiện trên các đoạn đường đèo dốc, quanh co, qua các vị trí giao cắt phức tạp, nhất là khi thời tiết xấu.
Đặc biệt, các bến xe khách còn thực hiện nghiêm việc kiểm tra điều kiện của phương tiện, lái xe trước khi xuất bến, kiên quyết không cho xuất bến các trường hợp lái xe sử dụng rượu, bia, phương tiện không đủ điều kiện, không bảo đảm an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, thiết bị giám sát hành trình, camera không hoạt động; nghiêm cấm hành vi xác nhận vào lệnh vận chuyển của đơn vị khi không kiểm tra trực tiếp điều kiện của phương tiện, lái xe.
Các tuyến đường sắt tiếp giáp với đường bộ đã được rào ngăn cách, đảm bảo an toàn; một số đường gom đã được làm nhằm xóa bỏ các lối đi tự mở nên tình hình an ninh trật tự trên tuyếnđược bảo đảm tuyệt đối; nạn trộm cắp vật tư, thiết bị, phụ kiện đường sắt và tình hình cháy, nổ... được kiểm soát, ngăn chặn.
Cùng với duy trì thường xuyên công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT, xử lý "điểm đen", điểm tiềm ẩn TNGT và khắc phục ùn tắc giao thông đường bộ, công tác thanh tra, kiểm tra xử lý vi phạm pháp luật về TTATGT cũng được các ngành chức năng thực hiện nghiêm túc trên 5 tuyến quốc lộ, 11 tuyến đường tỉnh, hơn 286 km đường đô thị, trên 1.000 km đường huyện, gần 1.600 km đường xã, hơn 5.200 km đường thôn bản, ngõ xóm, nội đồng.
Kết quả, hơn 10 năm qua, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã kiểm tra, phát hiện 20.625 trường hợp vi phạm; nhắc nhở yêu cầu thu dọn, giải tỏa, khắc phục 18.361 trường hợp, lập biên bản vi phạm hành chính 2.264 trường hợp; xử phạt trên 3,1 tỷ đồng. Cân kiểm tra 30.074 lượt phương tiện, lập biên bản xử lý 2.575 trường hợp, xử phạt vi phạm hành chính số tiền trên 6,77 tỷ đồng; phát hiện 3.128 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy, phạt tiền nộp ngân sách Nhà nước trên 1,15 tỷ đồng, đình chỉ hoạt động 184 phương tiện thủy.
Riêng đoàn liên ngành của tỉnh đã kiểm tra 81 bến, cảng các loại, kiểm tra hồ sơ 72 phương tiện thủy, 57 lượt người điều khiển và người làm việc trên phương tiện thủy, đình chỉ hoạt động 52 bến bốc xếp hàng hóa, 29 phương tiện chưa có giấy tờ theo đúng quy định, 2 bến khách ngang sông không có giấy phép mở bến...
Khi pháp luật được thượng tôn cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tình hình TNGT của tỉnh đã giảm rõ rệt trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Riêng lĩnh vực đường thủy nội địa, từ năm 2015 - 2023 trên địa bàn tỉnh không để xảy ra vụ TNGT nào nhờ nhân rộng mô hình "Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”.
Để pháp luật nói chung và pháp luật về ATGT ngày càng được thượng tôn, UBND tỉnh đang tiếp tục chỉ đạo các ban, sở, ngành địa phương thực hiện có hiệu quả các nội dung của Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT trong tình hình mới; Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới và Chương trình hành động số 174 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị số 23 của Ban Bí thư, góp phần đảm bảo TTATGT trên toàn địa bàn, nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân Yên Bái trong năm 2024 và những năm tiếp theo.
(Theo Báo Yên Bái)
124 lượt xem