Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án 8

18/10/2024 15:17:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Sau 3 năm triển khai thực hiện Dự án 8, trên địa bàn tỉnh đã tạo cơ hội và sự chuyển biến mạnh mẽ để thúc đẩy và nâng cao chất lượng cuộc sống, giải quyết một cách căn bản bất bình đẳng trong nhiều lĩnh vực đối với phụ nữ và trẻ em gái ở vùng DTTS và miền núi, góp phần vào mục tiêu thúc đẩy “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng.

Từ năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Yên Bái đã tổ chức thực hiện các nội dung Dự án 8 một cách đồng bộ trên phạm vi toàn tỉnh. Hội LHPN tỉnh đã tham mưu và ban hành hệ thống văn bản chỉ đạo, tổ chức triển khai Dự án; các cấp Hội LHPN trong tỉnh chú trọng triển khai các mô hình, hoạt động cụ thể phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng cấp và đạt được nhiều kết quả, trong đó có những chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Thực hiện nội dung số 1 về hoạt động tuyên truyền, vận động thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” góp phần xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng, những tập tục văn hóa có hại và một số vấn đề xã hội cấp thiết cho phụ nữ và trẻ em, đến nay toàn tỉnh đã thành lập được 343/314 Tổ truyền thông cộng đồng với 2.710 thành viên, đạt 109%; hỗ trợ 177 loa kéo cho các Tổ truyền thông để phục vụ các hoạt động tuyên truyền tại thôn, bản.

Tổ chức 584 cuộc truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, xóa bỏ các tập tục có hại cho phụ nữ, trẻ em và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước với sự tham gia của trên 73 nghìn lượt người. Tổ chức 02 cuộc truyền thông về sinh đẻ an toàn và chăm sóc sức khỏe trẻ em cho gần 400 người dân trên địa bàn tại 2 huyện Trạm tấu, Mù Cang Chải. Xây dựng và duy trì 47 mô hình truyền thông cộng đồng do nam giới tiên phong để truyền thông cộng đồng về nội dung “xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới, xây dựng môi trường sống an toàn cho phụ nữ và trẻ em”.

Cùng với đó, tổ chức 21 lớp tập huấn nâng cao năng lực, hướng dẫn vận hành và quản lý Tổ truyền thông cho đội ngũ cán bộ huyện, xã triển khai dự án và các thành viên Tổ truyền thông tại thôn, bản. Tổ chức 01 hội thảo xây dựng mạng lưới truyền thông và vận hành hiệu quả công tác truyền thông tại huyện Yên Bình. Tổ chức 32 Hội thi các mô hình sáng tạo và hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ và trẻ em; tuyên truyền, vận động, tư vấn kiến thức và tiếp cận với dịch vụ sinh đẻ an toàn cho 4.234 phụ nữ thuộc nhóm dân tộc thiểu số.

Tổ chức 03 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chăm sóc bà mẹ trong thời gian thai kỳ, chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khỏe trẻ em  cho 201 người và 1 lớp  tập huấn về kỹ năng truyền thông cho 73 người là cán bộ Hội cấp huyện, xã, chi hội và đại diện mô hình các câu lạc bộ về công tác gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc tại các xã có tỷ lệ sinh con tại nhà cao.

Về thực hiện nội dung số 2 về xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội đã hướng dẫn, hỗ trợ triển khai các hoạt động tăng cường quyền năng kinh tế cho phụ nữ DTTS, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 2 lớp tập huấn về xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động hỗ trợ ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất và kết nối thị trường cho các sản phẩm nông sản. Hỗ trợ 3 mô hình tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ. Tổ chức tập huấn 16 lớp hướng dẫn thành lập, vận hành Địa chỉ tin cậy cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã và các thành viên Địa chỉ tin cậy.

Đối với nội dung số 3 về đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của cộng đồng, giám sát và phản biện; hỗ trợ phụ nữ tham gia lãnh đạo trong hệ thống chính trị, các cấp Hội đã thành lập 80/65 Câu lạc bộ “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại các trường THCS và tại thôn, bản, đạt 123%; trong đó có 1.698 thành viên. Các hoạt động của CLB đã chú trọng trang bị cho trẻ những phương pháp, kỹ năng giúp trẻ học tập tốt, vui chơi, chăm sóc sức khỏe và tham gia vào các hoạt động tại trường học và ở nhà; 3.415 trẻ em DTTS được tiếp cận thông tin thông qua mô hình CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi”.

Bên cạnh đó, củng cố, nâng cao chất lượng hoặc thành lập mới Địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình: 52/32 địa chỉ, đạt 162,5%. Tổ chức 93 cuộc đối thoại chính sách tại cấp xã và cụm thôn, bản về các vấn đề liên quan trực tiếp đến phụ nữ với sự tham gia của 5.473 phụ nữ DTTS. Tổ chức 2 cuộc tập huấn hướng dẫn giám sát, đánh giá về bình đẳng giới cho 77 cán bộ cấp huyện, xã. 01 lớp tập huấn“Nâng cao năng lực của phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia vào các vị trí lãnh đạo trong hệ thống chính trị” cho 60 nữ cán bộ người dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp xã trong quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo; cán bộ mới bổ nhiệm, mới trúng cử lần đầu (đạt 120% chỉ tiêu).

Về nội dung số 4, trang bị kiến thức về bình đẳng giới, kỹ năng thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng bản, chức sắc tôn giáo và người có uy tín trong cộng đồng. Nâng cao năng lực thực hiện bình đẳng giới cho cán bộ các cấp, Ban Điều hành dự án cấp tỉnh tổ chức 01/17 lớp tập huấn cho đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã; 20 lớp tập huấn cho đội ngũ thôn, bản…

Trong thời gian tới, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục duy trì mô hình Tổ truyền thông cộng đồng; chú trọng nâng chất lượng hoạt động của mô hình và nâng cao năng lực triển khai, duy trì hoạt động của mô hình phù hợp với thực tế; tổ chức tập huấn các chuyên đề nâng cao năng lực triển khai thực hiện cho các tổ; giám sát, hỗ trợ kỹ thuật và giải quyết những khó khăn trong quá trình triển khai mô hình, đặc biệt các địa bàn có chỉ tiêu cao về tổ truyền thông cộng đồng.

Tổ chức Hội thi, liên hoan các mô hình sáng tạo, hiệu quả trong xóa bỏ định kiến giới, bạo lực gia đình và mua bán phụ nữ, trẻ em tại các cấp…

Tăng cường hoạt động truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Đài phát thanh và truyền hình, báo địa phương, trang thông tin điện tử của các cấp Hội và tổ chức truyền thông trực tiếp tại cộng đồng ... bằng tiếng phổ thông và tiếng dân tộc phù hợp với đối tượng.

Thực hiện hoàn thành chỉ tiêu hỗ trợ các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng khoa học công nghệ trên cơ sở các mô hình sẵn có tại địa phương; tiếp tục tổ chức các hoạt động củng cố, nâng cao năng lực thực hiện đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản; tổ chức các cuộc đối thoại chính sách cấp xã và cụm thôn bản, các cuộc hội thảo, tọa đàm phù hợp tại các cấp; giám sát và phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái, bình đẳng giới tại địa phương; tổ chức truyền thông, trình diễn tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật liên quan phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới…

Ban Biên tập