Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Cần xóa bỏ sự phân biệt DNNN, DN tư nhân

15/05/2017 13:43:00 Xem cỡ chữ
Cụm từ DN nhà nước và DN tư nhân hiện nay ở nhiều chính sách đã tạo ra sự phân biệt trong đầu tư, sản xuất. Để xóa bỏ sự phân biệt này cần rà soát, sửa đổi chính sách để tạo sự công bằng giữa các DN.

 
 

Trao đổi với PV Báo điện tử Chính phủ, ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ VN, Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng cho rằng, sau một năm kể từ hội nghị Thủ tướng với DN, chuyển biến lớn nhất cần đề cập đến chính là tư duy của Chính phủ, của chính quyền địa phương, chuyển từ tư duy quản lý sang tư duy phục vụ.

Theo ông Hiểu, chính quyền đã đồng hành cùng DN, có chiến lược cụ thể cho DN tại các địa phương. Trong những năm tới, nếu tiếp tục thay đổi tư duy theo chiều hướng này thì Chính phủ sẽ làm tốt việc đồng hành cùng DN.

Bên cạnh đó, vấn đề số hóa, cụ thể là vấn đề thuế, hải quan đã được chính quyền chú ý hơn, tạo sự đồng thuận của DN. Môi trường kinh doanh thay đổi theo chiều hướng tốt, chính quyền địa phương sẵn sàng giải quyết các kiến nghị của DN đến cùng. Môi trường đầu tư cũng có nhiều chuyển biến tích cực khi các địa phương tự tổ chức hội thảo kêu gọi đầu tư và ngày càng minh bạch.

Đại diện Hiệp hội Doanh nhân trẻ Đà Nằng cho rằng, hiện nay việc thanh tra, kiểm tra DN chưa có dấu hiệu giảm bớt, tuy nhiên Chính phủ đã có nhiều biện pháp nhằm minh bạch với DN. Nếu trong những năm tới, Chính phủ tiếp tục tăng cường sự minh bạch, nhất là minh bạch thuế, hóa đơn từ những DN nhỏ như đưa phần mềm thuế, xuất hoá đơn đến tận những DN này thì sẽ không chỉ tăng thêm nguồn thu cho Chính phủ mà còn tạo sự minh bạch trong các hoạt động của DN.

Bên cạnh đó, cần có giải pháp để sử dụng được nguồn lực chung của Nhà nước và DN. Chẳng hạn việc nhà nước hiện nay còn có nhiều nhà máy, xí nghiệp bỏ hoang, cần xem xét cho DN tư nhân thuê để tránh tình trạng lãng phí cũng như hỗ trợ DN sản xuất.

Theo ông Lê Văn Hiểu, cụm từ  DN nhà nước và DN tư nhân hiện nay ở nhiều chính sách đã tạo ra sự phân biệt trong đầu tư, sản xuất. Để xóa bỏ sự phân biệt này cần rà soát, sửa đổi chính sách để tạo sự công bằng giữa các DN.

Cuối cùng, mỗi một lần Thủ tướng gặp gỡ DN cần có một thông điệp rõ ràng trước cuộc gặp và kết luận cụ thể sau cuộc gặp để dẫn dắt DN, khơi gợi hướng phát triển của DN trong năm. Điều này không chỉ tạo hiệu ứng cho 2.000 DN tham gia gặp gỡ Thủ tướng mà còn tạo hiệu ứng cho toàn bộ DN cả nước.

 

Theo Chinhphu.vn