Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nhiều trăn trở với nghề công tác xã hội

21/08/2017 11:12:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Công tác xã hội là một nghề “đặc biệt”, sứ mạng của những người làm CTXH là xóa bỏ rào cản bất công, mang lại hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh và phát triển bền vững. Tuy nhiên trong những năm gần đây nghề công tác xã hội chưa thực sự có chỗ đứng trong xã hội.

Trung tâm CTXH&BTXH phối hợp với Chương trình phát triển vùng (Tầm nhìn thế giới tại huyện Lục Yên, Văn Chấn) cùng Trung tâm phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An khám sàng lọc miễn phí cho trẻ em khuyết tật vận động.

Có thể thấy đã có một sự thay đổi kỳ diệu, tích cực nhờ có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Vai trò của nhân viên CTXH đã được khẳng định, họ chính là cầu nối quan trọng để hỗ trợ, kết nối những hoàn cảnh khó khăn với các tổ chức, các nguồn lực trong xã hội, giúp những đối tượng yếu thế vươn lên trong cuộc sống. Mang nhiều lợi ích cho cộng đồng nhưng hiện nay, CTXH đang đối mặt với khó khăn thiếu hụt nhân lực trầm trọng.

Theo số liệu từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, hiện Yên Bái có trên 21.000 đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội đang được hưởng trợ cấp thường xuyên, trong đó có 386 trẻ em, 10.322 người cao tuổi, 7.500 người khuyết tật và trên 3.000 đối tượng khác.

Tuy nhiên, toàn tỉnh mới chỉ có duy nhất 1 cơ sở bảo trợ xã hội là Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội đang nuôi dưỡng, chăm sóc gần 100 đối tượng (gồm trẻ em, người già cô đơn và người khuyết tật). Như vậy, số đối tượng bảo trợ xã hội đang sống tại cộng đồng, xã hội là rất lớn và điều này đòi hỏi sự vào cuộc của các cán bộ làm CTXH ở cơ sở. Tuy vậy, trên thực tế, đội ngũ cán bộ tham gia làm nghề công tác xã hội còn rất mỏng, thiếu chuyên nghiệp, phần lớn đều đang kiêm nhiệm chức danh khác ở địa phương, làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm.

Chị Phạm Thị Làn - Trưởng phòng Công tác xã hội, Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh thừa nhận: “Hiện nay, toàn tỉnh có 4 cán bộ CTXH trực tiếp và 180 nhân viên công tác xã hội xã, phường, thị trấn. 180 người này không được đào tạo bài bản về chuyên ngành CTXH mà chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm: cán bộ phòng lao động – thương binh và xã hội, cán bộ ở các tổ chức đoàn thể như: đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh, cán bộ phường, xã. Họ làm việc chủ yếu theo kinh nghiệm, chưa được đào tạo kỹ năng khoa học xã hội, kỹ năng nghề cần thiết về CTXH. Hơn nữa, ngoài 180 người này thì hiện chưa có địa phương nào xây dựng được mạng lưới cộng tác viên từ xã đến thôn, bản. Do vậy, hiệu quả giải quyết các vấn đề xã hội, vấn đề của cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng dân cư không cao, thiếu tính bền vững”.

Thực tế, nhận thức của xã hội về nghề CTXH tuy đã được nâng lên nhưng vẫn chưa sâu rộng, dẫn đến sự phối hợp thực hiện, đầu tư nguồn lực để phát triển nghề giữa các cấp, ngành còn hạn chế. Mặc dù đã có tổng đài tư vấn miễn phí 18001776 cho người yếu thế nhưng người dân còn e dè, thiếu chủ động tiếp cận dịch vụ. Trong khi số người cần sự trợ giúp lên đến hàng vạn người thì số lượng các cán bộ CTXH trực tiếp chỉ có 184 người bao gồm cả chuyên và không chuyên. Điều đó cho thấy vấn đề về nguồn nhân lực làm nghề CTXH đang thiếu hụt trầm trọng đặc biệt là nguồn nhân lực được đào tạo bài bản.

Công tác xã hội là một nghề “đặc biệt”, sứ mạng của những người làm CTXH là xóa bỏ rào cản bất công, mang lại hạnh phúc, góp phần xây dựng xã hội văn minh và phát triển bền vững. Do đó, người làm CTXH phải có phẩm chất và nghiệp vụ “đặc biệt” đó là cái tâm, sự đồng cảm sâu sắc nếu không sẽ rất khó hoàn thành tốt công việc. Từ thực tế trên đòi hỏi cần có nhiều hơn nữa sự chung tay, chung sức của cả cộng đồng đối với sự phát triển nghề CTXH, trong đó một yếu tố quan trọng là nâng cao hơn nữa hiểu biết và nhận thức của toàn xã hội đối với nghề CTXH. Ngoài ra, cần xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và mạng lưới cộng tác viên CTXH đạt đủ yêu cầu cả về số lượng lẫn chất lượng.

 

Thanh Thủy