Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Một điểm sáng PCI của Yên Bái

04/08/2021 10:47:00 Xem cỡ chữ
Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) là chỉ số đánh giá, xếp hạng chính quyền các tỉnh, thành về chất lượng điều hành kinh tế, xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi cho phát triển doanh nghiệp (DN) và năm 2020, nhiều lĩnh vực môi trường kinh doanh tỉnh Yên Bái có sự chuyển biến tích cực, đặc biệt là chỉ số chi phí không chính thức…

Chi phí không chính thức (CPKCT) dùng để chỉ loại chi phí mà DN tự nguyện hoặc bị ép buộc chi trả cho cơ quan, cá nhân có liên quan trong quá trình kinh doanh; đặc biệt, khi thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC) hoặc khi giao dịch với cơ quan Nhà nước và đây cũng là chỉ số thành phần quan trọng cấu thành PCI. 

Chỉ số này được đo lường bằng các chỉ tiêu đánh giá mức độ tác động của vấn đề bằng cách lượng hóa tần suất xảy ra, loại chi phí và quy mô các khoản phí phát sinh thêm. Đó là, tỷ lệ phần trăm số DN cho rằng, các DN trong cùng ngành nghề cũng phải trả thêm các khoản CPKCT, tỷ lệ % số DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các loại CPKCT, mức độ nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho DN, tỷ lệ công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi đã trả CPKCT và ý kiến của DN về các khoản CPKCT ở mức chấp nhận được. 

Theo đó, trong thời gian qua, với sự năng động và quyết tâm của các cấp, các ngành, chính quyền địa phương, sự chuyên nghiệp của cán bộ, công chức; nhờ đó, chỉ số CPKCT đã có sự bứt phá mạnh mẽ cả điểm số và thứ hạng trên bảng xếp hạng. 

Theo bảng điểm và vị trí các chỉ số thành phần PCI năm 2020, Chỉ số CPKCT của tỉnh Yên Bái đạt 7,08 điểm, tăng 1,31 điểm và tăng 35 bậc so với năm 2019. Với kết quả này, Chỉ số CPKCT tỉnh Yên Bái leo lên vị trí thứ 14/63 tỉnh, thành. 

Cụ thể, năm 2020 chỉ còn 59% số DN đánh giá công việc đạt được kết quả mong đợi sau khi trả CPKCT (năm 2019 là 68%); quy mô chi trả CPKCT có xu hướng giảm khi chỉ còn 3% DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản CPKCT. Điều này cho thấy, gánh nặng về các khoản chi ngoài quy định mà DN phải chi cho các mối quan hệ đã giảm bớt theo thời gian (năm 2019 là 10%). Đặc biệt, tỷ lệ DN phải chi trả CPKCT trong thực hiện TTHC đất đai trên địa bàn tỉnh đả giảm mạnh. 

Cụ thể, năm 2020, chỉ có 7% DN cho biết có chi trả CPKCT (năm 2019 là 47%) đứng thứ 3/63 tỉnh thành trong cả nước và số DN đồng ý chi trả hoa hồng là điều bắt buộc để đảm bảo trúng thầu cũng giảm mạnh chỉ còn 28%; trong khi đó, năm 2018 tỷ lệ này là 56%, năm 2019 là 45% và chỉ còn 38% DN cho biết có chi trả CPKCT cho cán bộ thanh tra, kiểm tra. 

Qua kết quả trên cho thấy, quy mô các khoản CPKCT đối với DN đã giảm đáng kể theo thời gian; mức độ phổ biến CPKCT trong một số lĩnh vực cụ thể đất đai, đấu thầu có dấu hiệu giảm bớt. Tuy nhiên, vẫn còn 60% DN nhận định tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết TTHC cho DN. 

Do đó, thời gian tới, các cấp, ngành trong tỉnh vẫn cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa nhằm hạn chế tình trạng này để giảm thiểu CPKCT cho DN. Trong đó, cần tiếp tục khẳng định và tạo niềm tin cho DN thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư bình đẳng giữa các DN; tiếp tục rà soát cắt giảm và đơn giản hóa TTHC một cách thực chất hiệu quả.

Kịp thời công bố, công khai cập nhật TTHC trên Trang thông tin điện tử của tỉnh, của các cơ quan, đơn vị và tại nơi tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC, thực hiện trả hồ sơ đúng hạn và nâng cao tỷ lệ trả hồ sơ trước hạn. Công khai minh bạch các quy hoạch, kế hoạch, các TTHC, các quy định về phí, lệ phí trên Trang thông tin điện tử của tỉnh, của ngành, địa phương để DN, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận tra cứu; tăng cường sự phối hợp giữa các sở, ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của DN, nhà đầu tư để tránh chồng chéo, trùng lặp, không cản trở hoạt động của DN. 

Đồng thời, tăng cường thanh tra công vụ, xử lý nghiêm các hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân, DN trong giải quyết TTHC của cán bộ công chức. Cùng đó, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu cơ quan đơn vị, nếu xẩy ra tham nhũng, kiên quyết xử lý các vi phạm hoặc có dư luận không tốt của DN, nhà đầu tư./.

 

Theo Báo Yên Bái