Ông Đỗ Đức Duy chia sẻ tâm huyết khi Yên Bái là tỉnh đầu tiên đưa “chỉ số hạnh phúc” vào nghị quyết. Theo ông, đây là điểm mới trong chiến lược phát triển của tỉnh nhiệm kỳ tới.
Vừa được bầu giữ cương vị Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái nhiệm kỳ 2020 - 2025 tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, ông Đỗ Đức Duy chia sẻ với Zing về mục tiêu, định hướng phát triển của địa phương trong nhiệm kỳ mới.
Điểm riêng của Yên Bái trong nhiệm kỳ lần này là đưa "chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Theo tân Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái, đây được coi là điểm mới trong chiến lược phát triển của địa phương trong nhiệm kỳ tới.
- Thưa ông, ý tưởng đưa "chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng xuất phát từ đâu và chỉ số này được tính toán dựa trên công thức nào?
- Ý tưởng này xuất phát từ nhận định nếu đặt nặng vấn đề tăng trưởng và thu ngân sách thì Yên Bái mãi là tỉnh khó khăn, mãi là tỉnh nghèo, có trình độ phát triển thấp.
Bởi vậy, địa phương chọn hướng đi "làm sao để người dân hài lòng và hạnh phúc”.
Ban đầu khi xây dựng nghị quyết, Yên Bái cũng xoay xở với cách làm truyền thống bấy lâu nay. Nhưng sau đó, lãnh đạo tỉnh cùng ngồi và suy nghĩ "phải có gì giúp Yên Bái đổi mới", không phải cố tạo ra sự khác biệt, mà mục tiêu rõ ràng là cần có triết lý phát triển cho riêng mình.
Tỉnh đã tham khảo kinh nghiệm của một tổ chức nghiên cứu kinh tế, xã hội ở Anh để "định lượng” được chỉ số hạnh phúc.
Theo đó, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái được đánh giá trên 3 tiêu chí chính: Sự hài lòng về cuộc sống (gồm sự hài lòng về điều kiện kinh tế - vật chất; về mối quan hệ với gia đình và xã hội; về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội; sự hài lòng về hoạt động của các cơ quan công quyền); đánh giá về tuổi thọ trung bình hiện nay trên địa bàn tỉnh (gồm 3 mức 65 tuổi, 70 tuổi, 75 tuổi) và sự hài lòng về môi trường sống (gồm sự quan tâm của chính quyền trong xây dựng cảnh quan đô thị, làng xã; việc bảo vệ môi trường nước và xử lý nước thải, rác thải; việc bảo vệ rừng và môi trường cây xanh).
Để có cơ sở xây dựng chỉ tiêu về chỉ số hạnh phúc của người dân tỉnh Yên Bái đến năm 2025, Tỉnh ủy đã chỉ đạo tiến hành cuộc điều tra xã hội học về chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn.
Kết quả, tỷ lệ hài lòng về cuộc sống đạt 40,71%. Tiêu chí đánh giá về tuổi thọ trung bình thì 41,6% đánh giá tuổi của người dân Yên Bái là 70 (chiếm tỷ lệ cao nhất). Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống đạt 31,8%.
Chỉ số hạnh phúc được tính bằng công thức: (Tỷ lệ hài lòng về cuộc sống x Tỷ lệ đánh giá về tuổi thọ trung bình) : Tỷ lệ hài lòng về môi trường sống.
Theo công thức này, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái hiện tại là 53,3% - ở mức "khá hạnh phúc”.
Để việc đánh giá mức độ hạnh phúc được cụ thể và chuẩn xác hơn, tỉnh đề nghị chia thành các mức độ hạnh phúc khác nhau, cụ thể: Khá hạnh phúc gồm 2 mức: Mức 1 (từ 50-60%); mức 2 (từ 61-70%). Hạnh phúc gồm 3 mức: Mức 1 (từ 71-80%); mức 2 (từ 81-90%); mức 3 (từ 91-100%). Dưới 50% là xếp vào mức độ Chưa hạnh phúc.
Theo đó, mức độ hạnh phúc của người dân Yên Bái hiện tại là "Khá hạnh phúc mức 1”. Tỉnh phấn đấu đến hết nhiệm kỳ tăng chỉ số hạnh phúc lên 15% - thành "Khá hạnh phúc mức 2”.
Ở các nhiệm kỳ sau, tỉnh sẽ phấn đấu lên mức hạnh phúc cao hơn.
- "Chỉ số hạnh phúc” thoạt nghe là một khái niệm khá trừu tượng. Ông định nghĩa thế nào về hạnh phúc của người dân địa phương?
- Đây là vấn đề mới, Yên Bái cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước đưa chỉ số này vào thành mục tiêu phấn đấu. Khi chúng tôi báo cáo về vấn đề, có nhiều ý kiến khác nhau, song Bộ Chính trị đa số ủng hộ và đánh giá cao, định hướng Yên Bái vừa làm vừa rút kinh nghiệm.
Nói về chỉ số hạnh phúc, mỗi người dân ở mỗi vùng có định nghĩa khác nhau. Ở Yên Bái, bà con vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhu cầu chi tiêu không lớn, họ chỉ cần cuộc sống an toàn trước thiên tai, bão lũ. Hơn nữa, suốt đời gắn bó với rừng thì họ phải sống được từ rừng, không phải đi xuất nhập cảnh trái phép, không phải đi lao động thuê ở các địa phương.
Hay như trong giáo dục, trước đây, trẻ em đi học rất khó khăn, việc vận động cho trẻ đến trường không dễ dàng gì. Nhưng giờ, tỉnh có trường nội trú, trường bán trú, trẻ em vừa được đi học, vừa được chăm sóc nên thích đến trường. Cha mẹ rất hài lòng vì con đến trường được học, được ăn, được vui chơi. Đó là cuộc sống hạnh phúc. Tỉnh rất quan tâm đến đội ngũ này vì xác định đây là nguồn cán bộ dân tộc thiểu số kế cận.
Hạnh phúc khác, đó là người dân được chăm sóc sức khỏe, hay có con đường mới để đi. Bà con nói đường đi tới đâu thì chủ nghĩa xã hội tới đó, tức là với bà con, có được con đường đi xe máy là đã rất hạnh phúc.
- Như ông nói, Yên Bái đã thống nhất chọn được hướng đi riêng cho mình trong nhiệm kỳ tới. Xin ông chia sẻ thêm về triết lý đằng sau sự thống nhất của lãnh đạo địa phương?
- Triết lý phát triển của tỉnh trong nhiệm kỳ mới là phát triển "xanh, hài hòa, bản sắc, hạnh phúc”.
Tỉnh xác định triết lý phát triển "xanh” vì Yên Bái là nơi có tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nguồn nước.
Yên Bái không phải đảm đương trọng trách về tăng trưởng kinh tế như Hải Phòng, Quảng Ninh, hay Hà Nội, TP.HCM. Nhưng Yên Bái phải đảm nhiệm trọng trách giữ tài nguyên đất, tài nguyên rừng, tài nguyên nguồn nước, là "lá phổi" giữ oxy cho Hà Nội và vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Đó mới là sứ mệnh của Yên Bái và vùng Tây Bắc.
Bởi vậy, tỉnh không đặt tăng trưởng quá cao mà đặt mục tiêu đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên.
Bên cạnh đó, Yên Bái xác định phát triển hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường. Nếu chỉ chú trọng kinh tế mà coi nhẹ xã hội thì không được.
Yếu tố bản sắc cũng được tỉnh chú trọng, bởi Yên Bái có hơn 30 dân tộc mang bản sắc văn hóa độc đáo. Tỉnh coi đây là nguồn tài nguyên quý, vì phát triển du lịch gắn với phát huy các giá trị văn hóa sẽ trở thành "nguồn sinh lợi”.
Bản sắc văn hóa không chỉ là động lực tinh thần mà trở thành yếu tố làm gia tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Khách du lịch đến Yên Bái có thể dành nhiều thời gian khai thác, tìm hiểu các nét văn hóa. Tỉnh hỗ trợ phát triển du lịch bằng hỗ trợ các đội văn nghệ cộng đồng, đó là cách thông qua phát triển kinh tế để bảo tồn các giá trị văn hóa, sử dụng giá trị, bản sắc văn hóa để phát triển du lịch.
Cuối cùng là yếu tố hạnh phúc, được Yên Bái coi là mục tiêu phấn đấu trong nhiệm kỳ mới. Không thể để tỉnh có tăng trưởng cao, thu ngân sách nhiều nhưng người dân không hạnh phúc.
- Phát triển theo hướng bền vững như ông chia sẻ, thu ngân sách của địa phương không thể đạt mức cao. Bài toán ngân sách chi cho đầu tư phát triển và các nhiệm vụ khác của tỉnh sẽ được cân đối thế nào, thưa ông?
- Đúng là nếu tỉnh đầu tư cho du lịch, ngân sách thu không cao nhưng người dân lại được thụ hưởng nhiều, người dân giàu lên nhờ dịch vụ. Nếu phát triển công nghiệp thì thu ngân sách cao, song chưa chắc dân đã hạnh phúc.
Ở Yên Bái, khi làm du lịch, người dân được rất nhiều. Như Nghĩa Lộ, như Mù Cang Chải mỗi khách du lịch đến chỉ cần tiêu 500.000 đồng thôi thì người dân rất giàu, còn Nhà nước chẳng thu đồng nào cả, thậm chí còn cho thêm bằng cách làm đường giao thông, quảng bá du lịch, xúc tiến thương mại. Đó chính là hướng đến hạnh phúc của người dân.
Hiện nay, Thừa Thiên - Huế đang đi theo hướng này, tức là vừa phát triển du lịch vừa giữ gìn, bảo tồn, chứ không đánh đổi lấy tăng trưởng. Yên Bái tới đây cũng sẽ như vậy. Tỉnh sẽ phát triển du lịch theo hướng thân thiện với môi trường. Rừng được giữ nguyên, có thể không cần chặt phá rừng nữa, thay vào đó đầu tư, cải tạo để thu tiền...
Dù vậy, Yên Bái vẫn phải "đi bằng hai chân”. Bên cạnh tập trung phát triển du lịch, tỉnh cần phát triển công nghiệp và kinh tế nông nghiệp ở những vùng thấp. Kinh tế nông nghiệp phải nâng cao giá trị gia tăng, phát triển nông nghiệp đa mục tiêu - đặt ra mục tiêu nhưng hướng tới sự phát triển hài hòa.
Ngoài ra, Yên Bái còn nhiệm vụ giảm nghèo bền vững bằng cách đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Tỉnh đã có riêng một đề án về đào tạo nghề và chuyển đổi nghề cho lao động nông thôn. Đầu nhiệm kỳ, Yên Bái có 68% lao động khu vực nông thôn. Những năm qua, tỉnh đã cố gắng đưa về 60% và phấn đấu 5 năm nữa kéo xuống mức 50%.
Chúng tôi xác định một người có thu nhập bằng lao động công nghiệp sẽ bớt được một hộ nghèo.
Về dài hạn, để giảm nghèo, Yên Bái sẽ tập trung vào y tế và giáo dục, đào tạo giáo dục vùng cao để ngay từ bây giờ, các cháu phải có chữ, phải được học văn hóa. Bên cạnh đó, tỉnh xác định đầu tư cho y tế để nâng thể trạng con người ở đây lên.
Về định hướng phát triển, tỉnh sẽ giảm tỷ trọng khai khoáng và tăng tỷ trọng chế biến chế tạo, hạn chế cấp mới khai thác khoáng sản, không để tình trạng "mất nhiều tài nguyên để có được một đồng tăng trưởng”.
Một số chỉ tiêu phát triển của Yên Bái đến năm 2025, hướng đến hạnh phúc của người dân:
Về văn hóa - xã hội:
- Tuổi thọ trung bình người dân đạt 74,5 tuổi; số năm sống khỏe đạt tối thiểu 68 năm
- Chỉ số hạnh phúc của người dân tăng 15% so với năm 2020
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%
- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn quốc gia) giảm bình quân trên 4%/năm
- Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 96,5%; có 12 bác sĩ, 35 giường bệnh trên một vạn dân
Về kinh tế:
- Tốc độ tăng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt trên 7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt trên 65 triệu đồng
- Cơ cấu kinh tế: Nông, lâm nghiệp, thủy sản 20,5%; Công nghiệp - xây dựng 32%; Dịch vụ 47,5%
- Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt trên 7.000 tỷ; Tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn đạt 100.000 tỷ...
(Theo Zing)
199 lượt xem