Tôi chọn cách độc hành để tìm về Minh Bảo. Trời thu, nắng trong và gió hiu hiu mơn man da thịt, rong xe chầm chậm trên tuyến đường chạy vào Ủy ban xã, tôi lặng lẽ ngắm những dải đường hoa hàng xếp hàng ngay bên cạnh nắp cống bê tông thoát nước. Cách đây chừng hơn một năm, trên chính tuyến đường này, lãnh đạo thành phố cùng người dân Minh Bảo đã đặt nhát cuốc đầu tiên để trồng những cây hoa đầu tiên của quãng đường. Tôi không quên những bàn tay trần của lãnh đạo thành phố, bới đất, nâng cây, cho cây trở về đất ấm, để đến hôm nay muôn hoa đang đua sắc trên 7km đường của toàn xã. Lại nhớ năm 2020, sau một thời gian ngắn, Minh Bảo gần như một lúc cán 2 đích: Xã Nông thôn mới nâng cao rồi xã nông thôn mới kiểu mẫu, khả năng giữ và nâng cao các tiêu chí nông thôn mới được coi là thành tích để Ủy ban nhân dân tỉnh trao tặng Cờ thi đua. Chợt nhớ đến lời của họa sĩ nổi tiếng người Pháp Gustave Droz “Chính bằng cách thận trọng góp nhặt từng mảnh nhỏ hạnh phúc mà người ta mới đạt đến sự sung sướng” để thấu hơn niềm hạnh phúc của Đảng bộ và Nhân dân Minh Bảo đang từng ngày gom nhặt.
Gần 70 năm về trước, khi ấy đất này chỉ có trên 50 hộ, gồm 212 nhân khẩu. Cuộc sống của người dân chỉ là làm thuê cho các chủ đồn điền ở xã, hay nghề sơn tràng, khai khẩn đất hoang để trồng lúa ngô, sắn, chăn nuôi gia súc, gia cầm. Họ lập ra các phường săn thú, phường gỗ, phường lúa để tự bảo vệ nhau trong sản xuất và đời sống. Nhưng dù khó khăn, họ luôn cần cù sáng tạo, cùng nhau bỏ công sức san lấp để tạo thành những cánh đồng lúa, ruộng màu. Dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ huyện Trấn Yên, và năm 1953 là Chi bộ xã độc lập, người dân Minh Bảo luôn một lòng hi sinh vì đất nước. Họ góp người trong các cuộc cách mạng dân tộc, hiến số tiền ít ỏi dành dụm bao năm hưởng ứng “Tuần lễ vàng” của đất nước. Ấy là truyền thống.
Không vào Ủy ban xã, tôi tiếp tục rong xe tận hưởng cảm giác bình yên nhưng rất phố. Trời rắc mưa, những hạt mưa dần dần nặng, bắt gặp một nhà văn hóa còn mới nguyên, màu sơn vàng được điểm những kẻ chỉ nâu nổi bật. Tôi dừng xe, thấy kiến trúc hiện đại, rất khác so với kiến trúc các nhà văn hóa thôn tôi thường gặp, ngỡ rằng đây là nhà văn hóa kiểu mẫu của thành phố mới được khánh thành dịp đầu năm đặt tại Minh Bảo, nhằm cùng với xã đạt nông thôn mới nổi trội trong tương lai gần. Tôi rẽ vào con đường bê tông, hai bên đường lát gạch bằng phẳng rộng tất thẩy đến 6- 7 mét để tìm một người dân hỏi cho ra nhẽ. Cách nhà văn hóa không xa, tôi gặp một tốp người, họ đang lụi cụi lát những viên gạch nhỏ chừng hơn bàn tay hình lục lăng hai phía bờ đường bê tông. Ai cũng mặt đỏ lựng, mồ hôi có người ướt nguyên chiếc áo mà nụ cười thì vẫn tươi nguyên. Chị Chi- Bí thư thôn Bảo Yên (Sau này tôi mới được biết) mặt vẫn còn đỏ gay, miệng nói, tay làm “Gạch này xã xin được ngoài thành phố, cho thôn. Thôn tổ chức toàn dân ra làm đường. Tự mua cát rải phía dưới rồi lát gạch lên thế này, rộng đi cho khoái.”. Tôi nhìn quanh “Dân toàn thôn mình ít thế chị”. Người đàn ông đầu đội mũ cối đang nện chày gỗ lên mặt gạch cho chắc chắn dừng tay góp chuyện “Không. Một số theo xe công nông lên xã bốc gạch về. Còn đây là 2 đồng chí cán bộ xã xuống giúp thôn”. Tôi ngỏ lời muốn gặp riêng Bí thư Chi để hỏi về những ngày chưa xa, khi đường của thôn chỉ là những con đường rừng bé teo, cheo leo và lầy lội, khi những người dân vẫn mải mê vơ véo cho thứ hạnh phúc cá nhân bé mọn để giờ đây là cởi lòng, là chung sức thì chị lại ngập ngừng. Chị gỡ chiếc nón ra khỏi đầu, dùng tay áo quệt ngang những giọt mồ hôi đang trực lăn xuống mắt phân bua “Gặp chị thì được thôi. Nhưng chị đang cố trong ngày hôm nay lát cho xong. Mưa rồi, cát rải nền thế này thì trôi hết mất.” Tôi hiểu chị, lặng lẽ dành không gian cho họ, chỉ âm thầm ngắm họ từ xa. Tiếng chị Chi xởi lởi: “Này chú, chú lát thế này chặt lắm, chị không đặt viên khác vào được” “Thế thì cậy lên, em đặt lại, thế này được chưa?” “Đấy, được rồi!”. Lại có người góp ý “Chú lát phẳng vào” “Đây phẳng thế này rồi”. “Ừ đẹp” “Chỗ này lát được nữa không nhỉ”. “Thôi, chỗ đấy có bê tông rồi”. Một người đàn ông dường như mỏi lưng đứng dậy, mắt nhìn toàn bộ con đường hài lòng “Rộng thế này, tha hồ tít. Tối bật đèn đường, khác gì thành phố nhể”. Tôi bật cười một mình “Ơ, dân tự chủ động làm đường cho chính mình đi, không cần đầu tư của nhà nước mà lại phấn khởi đến vậy. Họ mới đoàn kết làm sao”.
Mãi rồi tôi cũng thuyết phục được chị Ngân- Trưởng thôn Bảo Yên đưa tôi đến thăm một gia đình thuộc diện đã thoát nghèo của thôn. Dạo bước cùng chị trên con đường bê tông len lỏi qua những ngôi nhà nằm tựa mình lên những quả đồi xanh những quế, tôi gợi chuyện, chị bảo, làm được con đường này là bao công sức thuyết phục vận động, có khi đến hàng năm. Cũng nhờ những gia đình tiến bộ, khá giả, họ dám bỏ đến 70 triệu đồng, bằng một nửa quãng đường bê tông thì dân nào lại lắc đầu quay lưng. Cũng là tình làng nghĩa xóm, lá rách ít đùm lá rách nhiều, các hộ gia đình tự nhận đóng thêm để phụ cho gia đình ông bà hàng xóm do khó khăn không thể hoàn thành nghĩa vụ. Trước việc chung, mỗi người một chút của, mỗi người một chút sức, mỗi người một sáng kiến xây dựng nên những con đường của tình đoàn kết, của sự cố kết cộng đồng bền chặt bấy lâu. Còn giờ họ tự giác như em vừa thấy đấy. Việc công mà như làm việc của nhà mình luôn, trách nhiệm và hứng khởi. Vừa rồi, dân thôn chị còn tự bảo nhau hiến đất, cùng đóng góp 40 triệu đồng đổ bê tông một sân thể thao rất rộng ngay cạnh nhà văn hóa đấy. “Nhà văn hóa đấy của thôn? Không phải là nhà văn hóa kiểu mẫu của thành phố ạ?”. “Không, của thôn chị, dân chị tự nguyện làm, cố gắng phấn đấu đến cuối năm đạt thôn chuẩn nông thôn mới nâng cao”. Với sự đồng lòng của từng người dân như thế mà từ những mét đường bê tông liên thôn đầu tiên vào năm 2005, giờ đây 100% các tuyến đường liên thôn, liên xã được cứng hóa, trong đó 80% các tuyến đường có hệ thống điện chiếu sáng, nguồn từ 100% xã hội hóa, 11/20 các tuyến đường có cống, rãnh thoát nước. Tôi nghĩ đó cũng là những mảnh ghép của hạnh phúc mà Đảng bộ và nhân dân Minh Bảo đang cùng nhau gom nhặt.
Sau nhiều lần gọi lớn, trong nhà mới có tiếng lạch cạch mở cửa. Lâu nữa, cánh cửa mới được mở ra, một người đàn ông trung niên, chừng vẫn khỏe bước xuống sân mở cổng mời chúng tôi vào nhà. Chị Ngân nói nhỏ “Anh là Hoàng Văn Xuân, còn khỏe nhưng thần kinh không như người thường. Làm được mỗi việc trông nhà cho vợ cho con”. Trong câu chuyện, thấy anh Xuân đôi lúc vẫn tỏ ra minh mẫn, tôi liều hỏi “Trước đây hộ anh là hộ nghèo ạ?” “Ừ, nghèo”. Góp nhặt những thông tin anh nói, tôi hiểu ngày ấy vợ chồng anh và đứa con nhỏ rời quê bồng bế nhau lên xã Minh Bảo thành phố Yên Bái lập nghiệp. Gia tài chỉ là những tư trang cá nhân nghèo nàn, phải ở nhà tập thể của công ty chè, chỗ vợ anh mới xin vào làm công nhân. Năm tháng cóp nhặt, mua được một thẻo đất bên vệ đồi. Bỏ công vạt taluy thành một mảnh đất nhỏ, dựng tạm ngôi nhà lá cho có chỗ chui ra chui vào. Rồi anh đổ bệnh. Trụ cột gia đình không những không giúp được gì mà đôi khi còn đèo thêm cho chị gánh nặng chăm chút, lo toan thuốc thang chữa bệnh. Thời gian làm cho căn nhà lá vốn đơn sơ càng trở nên ọp ẹp, dột nát mà vợ chồng anh thì lực bất tòng tâm. Xã, thôn và toàn dân trong thôn cùng chung tay giúp đỡ để dựng nên căn nhà cấp 4 vững chãi này. Tôi hỏi anh Xuân “Anh có nhớ, gia đình mình được nhận giúp đỡ những gì không?”. Anh ngồi thần một lát, rồi thủng thẳng nói như lần theo trí nhớ “Nhà nước hỗ trợ 10 triệu, thôn và nhân dân, cả quân đội nữa đến đào móng hộ, xả đồi cho rộng”. Tôi liếc nhìn chị Ngân, có ý xác nhận thông tin, chị gật đầu “Đúng đấy. Thôn xả rất nhiều đất mới tạo được mặt bằng để xây nhà. Vận động nhân dân, anh em họ hàng giúp đỡ cùng với gia đình xây được căn nhà này”. “Còn cách thoát nghèo?”. Tôi hỏi chị Ngân, nhưng anh Xuân lại trả lời “Cho vay vốn nuôi gà, nuôi lợn”. “Nuôi nhiều không ạ?”. Anh gật đầu, rất lâu mới dọn được lời “Nhiều. Hàng trăm con”. Chị Ngân giải thích thêm “Chị vợ đảm đang lắm. Đi làm về chăm gà nuôi lợn rồi cũng thoát nghèo. Mua được vật dụng gia đình thế này đây, mua thêm được mảnh đồi trồng quế đằng sau, còn nuôi được các con ăn học đàng hoàng nữa”. Tôi đưa mắt nhìn quanh, ti vi, giường, tủ đẹp như ngoài thành phố. Được biết, những năm gần đây, Minh bảo rất nỗ lực giảm nghèo, là điểm sáng cần nhân rộng. Hằng năm thường xuyên thoát nghèo vượt kế hoạch từ gần 200% đến hơn 200%. Cuối năm 2021, toàn xã còn 11 hộ nghèo. Những tháng đầu năm 2022, xã nỗ lực giảm thiểu tối đa thêm 4 hộ nữa, vượt 1 hộ so với kế hoạch thành phố giao. Còn 7 hộ nữa là những hộ rất khó thoát nghèo, đang được hưởng tiền hỗ trợ theo chính sách của Nhà nước. Nhưng hiện tại xã vẫn tìm mọi cách để giúp họ bớt đi những khó khăn do nghèo khó. Tôi lân la hỏi anh Xuân “Được nhà nước, xã, thôn giúp giảm nghèo, anh thấy thế nào?”. Anh cười ngượng, rồi cũng chầm chậm nói “May mắn được Nhà nước hỗ trợ, giúp đỡ”. “Vui anh nhỉ”. “Vui chứ”. “Anh thấy xã và thôn lo cho hộ nghèo thế nào?” “Tốt”. “Tồi ạ?”- Tôi không nghe rõ, hỏi lại. Anh quả quyết lắc đầu “Khồng. Tốt.”. Như sợ tôi vẫn không nghe ra, anh dứt khoát “Các ông ấy làm công tác xã hội đỉnh cao”. Tôi và chị Ngân cười thành tiếng. Có lẽ, ở con người anh không thể biểu cảm được sự hạnh phúc trên nét mặt, nhưng tôi tin anh đang hạnh phúc- Một mảnh ghép hạnh phúc trong rất nhiều mảnh ghép được xã hỗ trợ đa sinh kế trong xóa đói giảm nghèo những năm qua.
Tôi trở về, cất lời chào các anh chị đang mải miết chạy đua với trời mưa. Họ không dừng tay, chỉ chào tôi bằng cái gật đầu và nụ cười thân thiện. Tôi tiếp tục rong xe nhằm hướng khu du lịch sinh thái hồ Thuận Bắc. Trời bắt đầu ngớt mưa, nắng le lói xuyên qua các đám mây đã bắt đầu chuyển màu xanh nhạt. Con đường ôm lấy hồ Thuận Bắc trong xanh, gió đem hơi nước thả vào không gian nghe mát lành và sảng khoái. Phía tay phải là đồi nhãn. Nhãn bắt đầu thành cổ thủ. Cây tiếp cây, hàng nối hàng trầm tư vẽ tròn những bóng râm cho cơ man nào là ong đang miệt mài xây tổ trong các thùng nho nhỏ hình hộp chữ nhật. Mãi rồi cũng đến dinh cơ của chủ trang trại ong này. Khen anh trẻ hơn so với tuổi, ảnh bảo đấy là do mỗi sáng anh uống mật ong với nước ấm. Địa hình, cây cối là điều kiện tự nhiên thuận lợi để Minh Bảo xây dựng thành công vùng chăn nuôi ong. Không chỉ ở thôn Bảo Yên này còn những 2 thôn nữa cũng nằm trong vùng chăn nuôi ong của Minh Bảo. 750 đàn của 25 hộ. Mỗi năm cho ra thị trường những 8000- 10.000 lít mật. Là một chuỗi giá trị sản xuất với tiêu thụ đủ tiêu chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh cùng với chè Bát Tiên và Mộc nhĩ mang thương hiệu của Minh Bảo ra thị trường. Năm 2022 này, Minh bảo sẽ tiếp tục xây dựng thương hiệu nấm Linh chi đạt tiêu chuẩn OCOP. Mỗi một thương hiệu hàng hóa là những vùng sản xuất có quy mô lớn, được hoạt động trong một họp tác xã chuyên nghiệp về mọi mặt, đảm bảo chuỗi liên kết thật hiệu quả. Như vùng chè sản xuất với 22ha/21 hộ (năm 2020), thu nhập trung bình 121 triệu/ ha/năm, cao gấp 3,4 lần so với trồng cây lâm nghiệp. Vùng trồng đào cảnh với quy mô 16.000 cây/ 80 hộ tham gia (năm 2020), thu nhập trung bình 180 triệu/ ha/ năm, gấp 2,1 lần so với trồng cây ăn quả. Và vùng nuôi ong. Tất cả đều được hoạt động dưới sự dẫn dắt của Hợp tác xã Nông nghiệp Minh Bảo làm nên sản phẩm chủ lực của xã, tạo thu nhập từ 5- 5,5 triệu đồng cho các thành viên, doanh thu năm sau luôn cao hơn so với năm trước rất nhiều. Song hành với hợp tác xã Nông nghiệp Minh Bảo, là các hợp tác xã Tâm Đức, HTX Nông nghiệp công nghệ cao Life Green… Cùng với các hợp tác xã quy mô lớn đó, là cách giúp dân, cùng dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, tích cực áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến đảm bảo giá trị sản suất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ luôn tăng cao và vượt kế hoạch giao. Đó là những cách để Minh Bảo nâng cao đời sống vật chất của nhân dân. Vì thế thu nhập bình quân đầu người của người dân tăng từ 19 triệu đồng năm 2016 lên 44 triệu đồng năm 2020. Một mảnh ghép lớn lấp đầy tiêu chí đời sống vật chất để làm nên hạnh phúc cho nhân dân Minh Bảo.
Trở về Ủy ban xã, gặp Chủ tịch Nguyễn Quốc Huy, khi anh đang tất bật chuẩn bị cho Cuộc họp Ban Thường vụ đột xuất. Xin vài phút để hỏi về Cải cách hành chính khi biết xã có nhiều mô hình là điểm sáng của thành phố, được biết xã đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, trong đó có những mô hình được xây dựng đầu tiên ở đây. Đó là mô hình “4 tại chỗ”, đảm bảo việc tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả thủ tục hành chính được thực hiện ngay tại bộ phận Phục vụ hành chính công xã; mô hình “Hỗ trợ giải quyết thủ tục hành chính lưu động cho người cao tuổi, ốm đau, bệnh trọng, khuyết tật trên địa bàn xã” đảm bảo người dân không đủ sức khỏe lên xã làm thủ tục hành chính được cán bộ đến tận nơi hỗ trợ, giúp cho người dân giải quyết thủ tục nhanh gọn, cắt giảm được chi phí. Và cuối cùng là mô hình “Ngày thứ năm không hẹn”, tất cả nhân dân trong xã đến bộ phận Hành chính công làm thủ tục khai sinh, khai tử, bảo trợ xã hội, giám định khuyết tật… vào ngày thứ năm đều được giải quyết ngay trong ngày mà không phải đợi chờ 3 ngày sau lên lấy theo quy định. Và tới đây, xã sẽ tiếp tục đăng ký với thành phố thực hiện đủ 6 ngày/tuần mô hình 5 thủ tục hành chính không chờ này. Định kỳ hằng năm, xã tổ chức lấy ý kiến về sự hài lòng với các dịch vụ, dân có quyền phản ánh, có quyền đề nghị, xã đạt 100% hài lòng của người dân. So với ngày xưa, sao không thể gọi thế này là hạnh phúc?
Được biết, xã đã áp dụng triệt để cơ chế mới của thành phố bắt đầu từ năm ngoái, xã nào thu ngân sách vượt kế hoạch giao, thành phố sẽ đầu tư trở lại số ngân sách thu vượt để xã thực hiện các công trình phúc lợi cho dân. Bằng nỗ lực và sáng tạo, năm 2021, từ nguồn thu vượt, xã đầu tư sửa chữa nhà văn hóa thôn Trực Bình. Năm 2022 này, nguồn thu vượt, xã sẽ đầu tư 900 triệu để làm cầu và đường ở thôn Bảo Yên. Nhân dân các thôn rất phấn khởi vì thực ra để làm được quãng đường ấy, phải đầu tư số tiền rất lớn, nhưng xã áp dụng biện pháp này dân chỉ phải đóng 20%. Tôi vẫn nhớ niềm vui của chị Ngân khi nhắc về hạng mục này, theo như chị nói ở đấy đường dài mà dân lại ít, kinh tế thì khó khăn không thể đóng góp nhiều để làm được. May quá có xã đầu tư nên nỗi trăn trở bao năm của lãnh đạo thôn và niềm mơ ước của nhiều hộ dân mới thành hiện thực. Tôi chợt nhớ đến lời của nhà văn nổi tiếng L- Tolstoi “Người ta chỉ hạnh phúc thực sự khi nhận được những gì họ cần có và họ có tất cả những gì cần cho họ” để gom thêm một mảnh ghép hạnh phúc nữa.
Trở lại con đường rải áp phan trở về thành phố. Con đường mà theo Chủ tịch Huy nói là được sự đầu tư của Nhà nước và sự đồng thuận hiến đất, hiến cây, hiến tường rào của nhân dân. Gần 2km chiều dài dân hiến để thấy sự đồng thuận, sự chung vai. Chợt nhớ đến 5 mô hình tự quản ở thôn nhân dân về giữ gìn vệ sinh môi trường xanh, sạch đẹp, quản lý nhân khẩu và 1 mô hình giữ gìn an ninh trật tự ở khu dân cư xã xây dựng với trên 150 thành viên mà trong một thời gian không dài đã nhân rộng thành 30 mô hình tự quản về xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị. Chính dân đã chủ động lên lịch, đảm bảo định kỳ 2 lần/tháng tổng vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan nông thôn. 100% hộ chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường, 69,7% cơ sở sản xuất kinh doanh và dịch vụ thực hiện xử lý rác thải, nước thải cơ bản đảm bảo quy định. Một sự đổi mới tư duy đáng mừng để đem lại hạnh phúc cho chính mình và cộng đồng. Đó cũng là hạnh phúc, bởi “Người hạnh phúc nhất là người đem đến cho nhiều người hạnh phúc nhất” (Đi- đơ- rô).
Những mảnh ghép ý nghĩa đó của Đảng bộ và Nhân dân xã Minh Bảo gom nhặt đang làm nên một bức tranh cuộc sống lấp lánh những gam màu của hạnh phúc.
Hoàng Kim Yến
447 lượt xem