Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, chia sẻ chuyển đổi số ở Yên Bái đã và đang trở thành “phong trào” thi đua sâu rộng, vừa có tính toàn dân và vừa toàn diện trên các lĩnh vực. Phát biểu khai mạc, ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, cho biết: Yên Bái là tỉnh miền núi, nằm ở cửa ngõ Tây Bắc, có dân số trên 84 vạn người; với hơn 30 dân tộc anh em cùng sinh sống.
Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, song cũng là một việc mới và khó không chỉ đối với riêng Yên Bái mà còn với nhiều địa phương khác, nhất là các tỉnh miền núi, điều kiện kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn.“Chúng tôi cho rằng, Hội thảo ‘Thúc đẩy chuyển đổi số khu vực trung du và miền núi phía Bắc’ hôm nay có ý nghĩa rất thiết thực, để các tỉnh trong vùng có cơ hội được chia sẻ những thông tin, kinh nghiệm, những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số”, ông Tuấn bày tỏ.
Ông Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.
Theo lãnh đạo tỉnh, đối với Yên Bái, chuyển đổi số - trước hết, đó là việc làm thể hiện quyết tâm chính trị cao độ, sự tích cực, chủ động, mạnh dạn, tìm hướng đi cho những việc làm mới, khó với những quyết sách mạnh mẽ của lãnh đạo, cấp ủy, chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở.“Nếu như năm 2022, tỉnh Yên Bái xác định là năm ‘tổng tiến công’ thì năm 2023 là năm ‘bứt phá’ về chuyển đổi số với những nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, vừa mang tính trước mắt, vừa mang tính lâu dài cho công cuộc chuyển đổi số”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái khẳng định.
Ông Trần Huy Tuấn cũng chia sẻ, chuyển đổi số ở Yên Bái đã và đang trở thành “phong trào” thi đua sâu rộng, vừa có tính toàn dân và vừa toàn diện trên các lĩnh vực; là một “làn sóng” lan tỏa mạnh mẽ ở khắp các địa phương trong tỉnh, với những kết quả bước đầu khá tích cực và đáng khích lệ trên cả các mặt chính quyền số, kinh tế số, xã hội số và công dân số.Trong đó, việc xây dựng mô hình chính quyền điện tử, tiến tới chính quyền số tiếp tục được tập trung chỉ đạo theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là chủ thể và mục tiêu phục vụ. Kinh tế số bước đầu được hình thành và ngày càng phát triển. Yên Bái đứng thứ 14/63 tỉnh, thành phố về số lượng tài khoản hoạt động trên các sàn thương mại điện tử Voso và Postmart (đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số sản phẩm được đưa lên các sàn thương mại điện tử). Xã hội số đang dần được hình thành…Yên Bái đã triển khai ứng dụng công dân số YenBai-S trên địa bàn toàn tỉnh.
Đến nay sau 3 tháng triển khai, hệ thống đã ghi nhận trên 196.000 tài khoản; có hơn 18 triệu lượt xem ứng dụng; các dịch vụ, tiện ích trên Yenbai-S đều nhận được sự quan tâm, sử dụng của người dân…“Chuyển đổi số ở Yên Bái còn là câu chuyện về sự mạnh mẽ, kiên trì, từng bước đưa chuyển đổi số từ nhận thức chuyển thành hành động. Yên Bái đã chọn cách làm mới, đặc trưng riêng, lựa chọn việc dễ làm trước, việc khó làm sau; lựa chọn làm chuyển đổi số song song từ trên xuống dưới và từ dưới lên trên”, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái nói.
Tỉnh Yên Bái luôn xác định: “Chuyển đổi số không phải là thêm một việc mới, mà là thêm cách làm mới cho những việc hiện tại bởi vì cuộc sống vẫn tiếp diễn liên tục, không ngừng đặt ra những vấn đề mới trong khi chuyển đổi số là để giúp giải quyết các vấn đề của cuộc sống hằng ngày”. “Chúng tôi hy vọng và tin tưởng sẽ tiếp thu được nhiều ý kiến quý báu tại hội thảo hôm nay, sẽ là những gợi mở quan trọng để Yên Bái và các tỉnh trong vùng tham khảo, học tập, áp dụng vào thực tiễn địa phương để từ đó điều chỉnh, bổ sung các giải pháp phù hợp nhằm thúc đẩy nhanh hơn nữa tiến trình chuyển đổi số của tỉnh”, ông Trần Huy Tuấn bày tỏ.
315 lượt xem