Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thông tin cần biết

Số ca Covid-19 tiếp tục tăng mạnh trong làn sóng thứ ba

18/01/2021 11:22:53 Xem cỡ chữ Google
Ngày 18-1, nhiều quốc gia tiếp tục thông báo số ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tăng lên mức kỷ lục trong vòng 1 ngày. Tính đến 6h ngày 18-1, thế giới đã ghi nhận 95.424.327 người mắc Covid-19, trong đó 2.038.499 trường hợp tử vong.

Đường phố tại Bỉ vắng tanh do các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt

Châu Âu

Tại Bỉ, Bộ Y tế thông báo, các ca lây nhiễm vi rút SARS-CoV-2 tính trung bình một tuần gần đây đều trên 2.000 ca/ngày. Số ca chuyển nặng phải nhập viện trong 7 ngày qua trung bình là 125 ca/ngày, còn số ca tử vong vì Covid-19 trung bình trong 7 ngày qua là trên 50 ca/ngày. Với dân số chỉ 11,5 triệu người, Bỉ đang nằm trong số quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tính trên đầu người cao nhất thế giới.

Trước làn sóng lây nhiễm vi rút đang gia tăng hiện nay, chính phủ liên bang Bỉ đã quyết định duy trì các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt như đóng cửa toàn bộ các cửa hàng ăn, quán cà phê, quán bar; duy trì lệnh giới nghiêm từ 22h tới 6h ngày hôm sau… và các biện pháp phòng dịch này sẽ được duy trì cho tới ngày 1-3.

Nhà vi sinh vật học của Trường đại học Louvain, Bỉ, ông Emmanuel André nhận định, việc các công dân châu Âu đi du lịch quốc tế trở về nước, cộng thêm sự khác biệt về cách thức phòng dịch cũng như giám sát, kiểm soát các biến thể mới nguy hiểm của SARS-CoV-2 như chủng mới từ Anh và Nam Phi, đang đưa EU vào làn sóng dịch lần thứ ba. 

Chính phủ Áo thông báo nước này sẽ kéo dài phong tỏa tới ngày 8-2, song lĩnh vực kinh doanh ăn uống và du lịch sẽ không thể mở lại trong tháng tới. Áo đang trong đợt phong tỏa thứ ba do dịch Covid-19, theo đó, giới chức trách chỉ cho phép các cửa hàng thiết yếu mở cửa. Chính phủ nước này đặt mục tiêu kiểm soát số ca mắc Covid-19 xuống dưới 700 ca/ngày. 

Phát biểu họp báo, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết, chính phủ nước này buộc phải hành động do sự lây lan các biến thể mới của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm cao hơn. Nhà chức trách khuyến cáo người dân làm việc tại nhà, giữ khoảng cách tối thiểu 2m, đeo khẩu trang trong các cửa hàng và trên phương tiện giao thông công cộng.

Trong khi đó, từ ngày 18-1, tất cả du khách đến Anh sẽ phải tự cách ly ở khách sạn và chịu mọi chi phí, đồng thời công nghệ GPS và nhận dạng khuôn mặt được sử dụng để giám sát việc thực hiện cách ly. Nhằm kiểm soát tỷ lệ mắc Covid-19 ngày càng gia tăng, Anh đang thực hiện các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, theo đó người dân được khuyến cáo ở trong nhà ngoại trừ một số lý do như đi làm, chăm sóc trẻ, tập thể dục...

Còn tại Đức, Ngoại trưởng Heiko Maas cho biết những người đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 có thể sẽ được nới lỏng các hạn chế như được phép đến nhà hàng và tạp chiếu phim sớm hơn những người khác. Hiện khoảng 1 triệu người trong tổng số 83,2 triệu dân ở Đức đã được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. 

Dự kiến, ngày 19-1, Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ nhóm họp với các lãnh đạo địa phương để thảo luận về việc áp dụng các hạn chế nghiêm ngặt hơn.

Châu Mỹ

Ngày 18-1, Bộ Y tế Công cộng Cuba đã ghi nhận thêm 4 trường hợp tử vong và 650 ca dương tính với vi rút SARS-CoV-2. Đây là số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày cao nhất ở Cuba kể từ khi đại dịch tấn công đảo quốc Caribe này. Giám đốc cơ quan vệ sinh và dịch tễ quốc gia Cuba, ông Francisco Duran cho hay: "Chúng ta đang ở trong một tình huống phức tạp với La Habana, Matanzas, Santiago de Cuba và Guantanamo đang ở giai đoạn lây nhiễm trong cộng đồng”.

Tỉnh Guantanamo đã trở thành tâm dịch khi thông báo về 206 ca mắc mới Covid-19, tiếp đó là thủ đô La Habana với 153 ca và tỉnh Santiago de Cuba với 68 ca.

Ngày 18-1, Cơ quan quản lý y tế Anvisa của Brazil đã cho phép sử dụng khẩn cấp 2 loại vắc xin ngừa Covid-19 - gồm Covishield của AstraZeneca/Đại học Oxford (Anh) và CoronaVac của Sinovac Biotech (Trung Quốc) - bởi quốc gia Nam Mỹ này đang hướng tới mục tiêu triển khai chiến dịch tiêm chủng trên quy mô lớn giữa lúc xuất hiện làn sóng Covid-19 gây ảnh hưởng nặng nề. Anvisa đã bỏ phiếu thông qua quyết định trên với sự ủng hộ tuyệt đối sau khoảng 5 tiếng thảo luận trong hội đồng giám đốc.

Tổng thống Bolsonaro, người từ chối tiêm vắc xin ngừa Covid-19, đang phải đối mặt với sức ép ngày càng lớn yêu cầu ông khởi động chiến dịch tiêm chủng ở Brazil - vốn ghi nhận hơn 209.000 người thiệt mạng do vi rút SARS-CoV-2 kể từ khi đại dịch bùng phát. Brazil hiện là quốc gia có số ca tử vong nhiều thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.

 

(Theo HNMO)

 

0 lượt xem