Ngày 14-12, theo các hãng tin nước ngoài, nhiều quốc gia đã công bố bắt đầu triển khai chiến dịch quy mô lớn để tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19. Tính đến 6h ngày 14-12, thế giới có 72.584.298 người mắc căn bệnh này, trong đó 1.618.091 trường hợp đã tử vong.
Đức sẽ thực hiện phong tỏa toàn phần từ ngày 16-12
Châu Âu
Ngày 14-12, Bộ trưởng Y tế Italia Roberto Speranza cho biết, nước này đã lên kế hoạch phân bổ và triển khai tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 trên khắp cả nước. Tháng 1-2021 sẽ là tháng tiêm chủng và trọng tâm của chiến dịch là vào dịp xuân hè. Bộ trưởng Y tế Italia nhấn mạnh, việc tiêm chủng hoàn toàn tự nguyện và phải được kiểm soát nghiêm ngặt, bảo đảm an toàn tuyệt đối.
Còn theo Ủy viên Đặc biệt về tình trạng khẩn cấp của Italia Domenico Arcuri, 1.874.323 người sẽ được tiêm vắc xin trong giai đoạn đầu, trong đó, các vùng Lazio và Lombardy chiếm số đông với lần lượt 356.824 người và 308.494 người.
Biểu tượng "hoa anh thảo” cùng khẩu hiệu "Italia tái sinh với một bông hoa” sẽ hiện diện trong suốt chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 tại Italia. 1.500 khẩu hiệu cùng biểu tượng hoa anh thảo sẽ được đặt trên khắp đất nước, tại các quảng trường, bệnh viện…
Ngoài ra, chiến dịch truyền thông sẽ được triển khai trên đài phát thanh, truyền hình, mạng xã hội, hay các trạm thông tin trước bệnh viện, cơ quan, trường học… để người dân ý thức hơn về việc tiêm chủng.
Trong khi đó, nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, chính phủ liên bang và chính quyền các bang ở Đức đã nhất trí áp đặt phong tỏa toàn phần từ ngày 16-12. Theo đó, tất cả cửa hàng, ngoại trừ các cửa hàng bán thực phẩm phục vụ nhu cầu tối thiểu hằng ngày, đều sẽ bị đóng cửa cho tới ít nhất là ngày 10-1-2021. Quy định áp dụng ngoại lệ với các phiên chợ hằng tuần, với người tiếp thị, giao và nhận hàng, cửa hàng thực phẩm chuyên về sức khỏe y tế và hiệu thuốc. Quyết định này được cho là sẽ tác động nhiều tới cuộc sống của người dân, đặc biệt trong dịp lễ Giáng sinh truyền thống và đón năm mới.
Trong thời gian phong tỏa, các nhà trẻ và trường học cũng sẽ đóng cửa hoặc chuyển sang học trực tuyến; việc đốt pháo và tụ tập đông người ở nơi công cộng trong đêm Giao thừa cũng bị cấm. Ngoài ra, việc uống rượu, bia nơi công cộng cũng sẽ bị cấm và phạt nặng các trường hợp vi phạm.
Tại Hà Lan, số ca nhiễm mới đã tăng lên gần 10.000 trường hợp trong 24 giờ qua và đây là ngày ghi nhận số ca nhiễm nhiều nhất ở Hà Lan kể từ tháng 10 vừa qua. Chính phủ Hà Lan đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp để thảo luận các biện pháp bổ sung nhằm ngăn chặn sự lây lan quá nhanh của dịch bệnh. Dự kiến, các biện pháp bổ sung sẽ được công bố vào ngày 16-12.
Châu Á
Cơ quan Quản lý y tế quốc gia Bahrain thông báo, nước này đã chấp thuận đăng ký vắc xin ngừa Covid-19 do Tập đoàn Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (Sinopharm) phát triển.
Thông báo không nêu rõ loại vắc xin nào trong số 2 loại đang được Sinopharm phát triển, song dẫn dữ liệu từ các thử nghiệm lâm sàng giai đoạn III cho thấy mức độ hiệu quả đạt 86% và cho biết, Bahrain đã tham gia các thử nghiệm đó.
Bahrain đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vắc xin ngừa Covid-19 của liên doanh Pfizer/BionTech và sẽ cung cấp miễn phí cho tất cả công dân nước này.
Tại Hàn Quốc, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi dốc toàn lực để hạn chế sự lây lan của dịch Covid-19, đồng thời tuyên bố cuộc chiến chống dịch bệnh của Hàn Quốc đang ở "giai đoạn then chốt" trước khi quyết định liệu có nâng mức giãn cách xã hội lên mức cao nhất hay không.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, trong số 1.030 ca bệnh được thông báo 24 giờ qua, có 1.002 ca lây nhiễm trong cộng đồng - mức cao nhất kể từ khi Hàn Quốc phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên hồi tháng 1-2020.
Châu Mỹ
Ngày 14-12, Mỹ sẽ bắt đầu chiến dịch tiêm chủng vắc xin ngừa Covid-19 quy mô lớn. Tướng Gustave Perna - phụ trách triển khai chiến dịch tiêm chủng cho biết, đợt tiêm chủng 2,9 triệu liều vắc xin đầu tiên ở Mỹ sẽ bắt đầu với các nhân viên y tế và những người cao tuổi tại các viện dưỡng lão.
Vắc xin Covid-19 của Pfizer và BionTech sẽ được chuyển đến 145 địa điểm trên khắp nước Mỹ từ ngày 14-12. Các địa điểm còn lại trong tổng số 636 địa điểm phân phối sẽ nhận được vắc xin vào các ngày 15 và 16-12.
Tại Brazil, theo kế hoạch quốc gia về tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 do chính phủ công bố, mục tiêu giai đoạn đầu là tiêm chủng cho 51 triệu người, tức 25% dân số nước này, trong 6 tháng đầu năm 2021.
Bộ Y tế Brazil cho biết, 108 triệu liều vắc xin sẽ có sẵn tại Brazil và ưu tiên cho những nhóm dễ bị tổn thương, gồm các nhân viên y tế, người cao tuổi và các cộng đồng bản địa. Chính phủ Brazil có kế hoạch dành 20 tỷ real (4 tỷ USD) trong ngân sách để mua vắc xin ngừa Covid-19.
Cùng ngày, hãng hàng không lớn nhất Mỹ Latinh có trụ sở tại thành phố Santiago (Chile) LATAM thông báo sẽ vận chuyển miễn phí vắc xin ngừa Covid-19 tại các quốc gia mà hãng này cung cấp dịch vụ bay nội địa, trong đó có Brazil, Chile, Colombia, Ecuador và Peru.
Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau thông báo, 249.000 liều vắc xin của Pfizer/BionTech sẽ được vận chuyển đến nước này vào cuối tháng 12 để bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm chủng đại trà. Vắc xin của Pfizer/BionTech là một trong 4 loại vắc xin mà Bộ Y tế Canada có ý định lựa chọn. Ba "ứng cử viên" còn lại là vắc xin của các hãng Moderna, AstraZeneca và Johnson & Johnson.
(Theo HNMO)
1032 lượt xem