Từ ngày 21/9-3/10, 15 Đảng bộ trực thuộc Trung ương (cấp tỉnh/thành phố) đã hoàn tất tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025 theo đúng quy định với nhiều điểm nhấn đáng chú ý.
Tỉnh Hà Nam tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới đầu tiên trong cả nước. Ảnh: Báo Hà Nam
Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương từ việc cho ý kiến về văn kiện (nhất là Báo cáo Chính trị trình Đại hội) đến công tác nhân sự, Đại hội 15 Đảng bộ đã thông qua Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025; bầu Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, Bí thư, Ủy ban Kiểm tra khóa mới; bầu đại biểu dự Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
15 Đảng bộ cấp tỉnh/thành phố hoàn tất tổ chức Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020-2025:
An Giang, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bắc Ninh, Bình Phước, Cần Thơ, Gia Lai, Hà Nam, Hòa Bình, Kon Tum, Lạng Sơn, Nam Định, Quảng Ninh, Sơn La, Vĩnh Long và Yên Bái.
|
Điểm nhấn đầu tiên là Báo cáo Chính trị của Đại hội Đảng bộ các tỉnh/thành phố đều đề ra nhiệm vụ, mục tiêu của nhiệm kỳ mới cùng giải pháp thực hiện rất cụ thể, phù hợp với thực tiễn của địa phương.
Chẳng hạn, Hà Nam đặt mục tiêu đạt mức phát triển khá của vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Quảng Ninh đặt mục tiêu phấn đấu xây dựng tỉnh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của các tỉnh phía bắc. Gia Lai với mục tiêu hướng tới tăng trưởng xanh; phát triển nhanh các lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, công nghiệp năng lượng tái tạo và du lịch; phấn đấu trở thành vùng động lực khu vực Tây Nguyên. Cần Thơ đặt mục tiêu xây dựng thành phố trở thành đô thị hạt nhân vùng Đồng bằng sông Cửu Long...
Trong khi đó, Đảng bộ Yên Bái là tỉnh đầu tiên đưa chỉ số “Hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội và được cụ thể hóa bằng chỉ tiêu. Theo đó, trong nhiệm kỳ 2020-2025, Yên Bái phấn đấu tăng chỉ số "Hạnh phúc" lên 15%, tuổi thọ trung bình người dân đạt 74,5 tuổi; số năm sống khỏe đạt 68 năm…
Điểm nhấn tiếp theo là công tác bầu cử tại Đại hội. Công tác này bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, khách quan và kết quả cơ bản theo đúng phương án nhân sự. Theo đó, 15 Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy khóa mới chỉ bầu 1 lần và nhiều đồng chí nhận được sự tín nhiệm cao, có đồng chí nhận được tín nhiệm tuyệt đối (100%) tại Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới.
Một điểm nhấn khác là trong số 15 Bí thư Tỉnh ủy/Thành ủy khóa mới, có 11 đồng chí không phải là người địa phương (Hà Nam, Kon Tum, Sơn La, Yên Bái, Bà Rịa-Vũng Tàu, Cần Thơ, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Hòa Bình, Bình Phước), đạt tỉ lệ hơn 73,3%.
Bên cạnh đó, có 4/15 Bí thư khóa mới là nữ (Hà Nam-Lê Thị Thủy; An Giang-Võ Thị Ánh Xuân; Bắc Ninh-Đào Hồng Lan; Lạng Sơn-Lâm Thị Phương Thanh) đạt tỉ lệ hơn 26,6%. Đây cũng là các đồng chí được luân chuyển từ Trung ương về địa phương và được bầu với số phiếu tín nhiệm cao.
Về độ tuổi, trong số 15 tân Bí thư, có 7 người hơn 50 tuổi (người nhiều tuổi nhất là 59 tuổi); 8 người bằng hoặc dưới 50 tuổi (người trẻ tuổi nhất mới 45 tuổi). Như vậy có thể thấy họ đều ở độ tuổi giàu sức cống hiến cho Đảng, cho đất nước, cho địa phương nhiệm kỳ mới.
VOV dẫn lời Trưởng Ban Công tác đại biểu của UVTV Quốc hội, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trần Văn Túy cho biết nhìn lại các Đại hội Đảng bộ trực thuộc Trung ương vừa qua cho thấy sự chỉ đạo chặt chẽ của Trung ương, từ duyệt văn kiện cho đến nhân sự. Công tác nhân sự thực hiện bài bản, đúng quy trình, quy định. Các Bí thư Tỉnh ủy được bầu với tín nhiệm cao tại Đại hội, trong đó có nhiều đồng chí luân chuyển được tín nhiệm cao ở địa phương...
Nhưng điều quan trọng rút ra sau 15 Đại hội là các đại biểu đã thể hiện tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của Đảng bộ đối với nhân dân địa phương. Đây chính là những bài học kinh nghiệm cho các Đại hội Đảng bộ sắp tới thành công./.
Theo Chinhphu.vn
846 lượt xem