“Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ” - câu nói này hoàn toàn đúng với hoàn cảnh của đại đa số các nạn nhân da cam/Dioxin ở huyện Văn Yên.
Được tới thăm gia đình và tiếp xúc với nhiều nạn dân chất độc da cam - những cựu chiến binh từng “vào sinh ra tử” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi mới thấu hiểu và cảm phục nghị lực trong đời sống thường nhật của họ.
Nạn nhân CĐDC là đối tượng rất cần sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương, nhưng họ không vì thế mà chông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ ấy. Ở Văn Yên đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nạn nhân CĐDC vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo, làm giàu.
Không tiếc tuổi xuân
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, nhiều người con của vùng đất quế Văn Yên đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường ra trận.
Nhiều người trong số họ đã vinh dự cùng các tiểu đoàn: Yên Ninh 1, Yên Ninh 2, Yên Ninh 3 trong đoàn quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đóng góp xương máu của mình cho ngày toàn quốc thống nhất.
Ông Nguyễn Văn Thản ở tổ 1, khu phố 4, thị trấn Mậu A, thương binh hạng 4/4, hiện đang là Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Văn Yên bồi hồi nhớ lại: “Năm 1967, tôi nhập ngũ và đi bộ từ thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông vào Nam chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1972, đây là một chiến trường quan trọng trong cuộc kháng chiến. Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, lần đầu tiên ta tổ chức tác chiến hợp đồng binh chủng, tiến công địch và đã giải phóng được một vùng rộng lớn nối liền từ Cà Tum, Thiện Ngôn, Cần Lê, Xa Mát, Lộc Ninh, An Lộc".
"Lộc Ninh trở thành thủ đô của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày đó, chất độc hóa học được đế quốc Mỹ sử dụng khiến cây cối luôn trụi lá, chỉ có cây trung quân là sống được với thứ chất độc đó. Khi chiến đấu, chúng tôi không hề biết thứ chất độc hóa học đó lại ảnh hưởng đến sức khỏe và gây bệnh tật cho bản thân và các thế hệ tiếp theo của mình…” - ông Thản kể.
Sau những năm tháng, với những trận chiến ác liệt trên mặt trận Đông Nam Bộ, năm 1974, ông Thản được chuyển công tác ra Bắc với thương tật hạng 4/4. Cùng ông Thản tới thăm cựu chiến binh Hoàng Văn Lượng ở thôn Sơn Bình, xã Ngòi A, được nghe ông Lượng kể về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Gia Lai - Kon Tum, tôi thêm hiểu về cuộc chiến thần thánh của dân tộc với kẻ thù, đặc biệt là tinh thần của những người lính trẻ khi đó.
Cuộc sống ở chiến trường nhiều gian khổ, thậm chí kể cả hy sinh. Vậy mà, lớp lớp thanh niên, trong đó có những người con Văn Yên vẫn tham gia nhập ngũ với một suy nghĩ là lên đường chiến đấu và chiến đấu thật dũng cảm để góp phần giải phóng miền Nam.
Ông Lượng nhập ngũ tháng 6/1974 sau khi xây dựng gia đình được 2 tháng và được biên chế vào Sư đoàn 320, Trung đoàn 48, là sư đoàn chủ lực của Quân đoàn 3, Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vừa giới thiệu về những kỷ vật chiến tranh của mình, ông Lượng vừa kể: “Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 nhằm tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu của Chiến dịch ở phía Nam đột phá thắng lợi vào thị xã Buôn Ma Thuột (Đak Lak), Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã quyết định giao cho Sư đoàn 320 đảm nhiệm một hướng quan trọng ở phía Bắc của chiến dịch. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng cũng rất vinh quang đối với Sư đoàn, bởi phải tác chiến độc lập trên một không gian rộng, lực lượng địch khá đông và mạnh lại có ưu thế về phi pháo. Đã 3 năm sát cánh cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang Gia Lai đánh địch, cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn hiểu khá rõ phương pháp và thủ đoạn tác chiến của các đơn vị chủ lực Quân đoàn 2 ngụy. Sau một thời gian chuẩn bị, đúng 6 giờ ngày 8/3, Trung đoàn 48 được tăng cường hai pháo 105 ly và ba pháo 85 ly bắn thẳng tiến công Chi khu Quân sự quận lỵ Thuần Mẫn. Sau 1 giờ 20 phút chiến đấu ác liệt, Trung đoàn 48 đã làm chủ trận địa, diệt 1 tiểu đoàn bảo an, 2 trung đội cảnh sát dã chiến và cơ quan Chi khu, bắt 121 tên, thu 200 súng, có 2 khẩu pháo 105 ly, 18 xe quân sự cùng nhiều phương tiện khác. Những hoạt động tích cực của Sư đoàn 320 chúng tôi, đã tạo nên thời cơ lịch sử cho quân và dân hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum tiến công, nổi dậy giành thắng lợi vào ngày 17/3/1975”.
Ông Thản và ông Lượng chỉ là 2 trong rất nhiều người con Văn Yên đã không tiếc máu xương, tuổi xuân ra trận chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với họ, đó là nghĩa vụ thiêng liêng của người con yêu nước, phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ. Nhờ họ, mà ngày nay đất nước được thanh bình, kinh tế, xã hội không ngừng phát triển.
Nỗ lực trong thời bình
Hiện nay, toàn huyện Văn Yên đang quản lý 7.425 đối tượng chính sách, người có công, trong đó có 653 liệt sỹ, 335 thương binh, 121 bệnh binh… Đặc biệt, huyện có 250 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, có 148 nạn nhân là người trực tiếp tham gia kháng chiến, còn lại là con đẻ của họ đang được hưởng chính sách.
Ngôi nhà xây khang trang của gia đình nạn nhân CĐDC /Dioxin Hoàng Văn Lượng ở thôn Sơn Bình, xã Ngòi A.
“Nạn nhân CĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Nạn nhân CĐDC là đối tượng rất cần sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, nhưng họ không vì thế mà chông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ ấy.
Ở Văn Yên đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nạn nhân CĐDC vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tại thôn Sơn Bình, xã Ngòi A, bên cạnh ngôi nhà sàn, ngôi nhà xây 2 tầng mới của cựu chiến binh, nạn nhân da cam Hoàng Văn Lượng trị giá khoảng 800 triệu đồng vừa hoàn thành.
Trước là ao cá, sau là rừng cây, chuồng dê và dinh cơ này của ông Lượng là minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên của bản thân ông và gia đình. Ông Lượng có 5 người con thì 2 trong số đó là cô con gái cả và cô út bị ảnh hưởng của chất độc hóa học từ ông.
Ông Lượng nhớ lại: “Xuất ngũ về công tác tại địa phương là thời điểm khó khăn nhất của gia đình. Khi chưa biết con bị nhiễm chất độc hóa học, 2 vợ chồng gom góp được đồng nào là lại đưa con về Hà Nội khám, chữa bệnh. May mà tôi được hưởng chính sách của Nhà nước và còn sức khỏe nên còn trồng được ít quế, nuôi trâu, lợn nên đời sống cũng đỡ…”.
Quanh năm “bới đất lật cỏ”, “tích tiểu thành đại”, đến nay, gia đình ông Lượng đã trở thành hộ có kinh tế khá của xã Ngòi A. Ông Lượng không chỉ là tấm gương làm kinh tế của Chi hội 2 (Mậu Đông - Ngòi A) mà còn là tấm gương về tự vươn lên khắc phục khó khăn trong cuộc sống, làm kinh tế giỏi của Hội Nạn nhân CĐDC huyện Văn Yên.
Khoát tay chỉ lên trên chục héc-ta quế của gia đình, ông Triệu Đình Khỏe ở thôn Khe Hỏa, xã Tân Hợp - Chi hội trưởng Chi hội 7, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Văn Yên giọng sang sảng: “Bị nhiễm chất độc trong chiến tranh, nhưng chúng tôi còn may mắn hơn rất nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường. Vì sự trân trọng cuộc sống, tinh thần của người lính Cụ Hồ, với suy nghĩ còn sức còn lao động, phải làm giàu ngay trên đồng đất quê hương nên khi phục viên, chúng tôi lao vào lao động, sản xuất, không chông trờ, ỷ lại vào chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Lao động vừa để gia đình bớt khó khăn về kinh tế, vơi bớt nỗi đau về tinh thần…”.
Chi hội 7 xã Tân Hợp hiện có 18 hội viên, trong đó có 4 hội viên chưa được hưởng chế độ nạn nhân da cam/Dioxin. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cả 18 gia đình hội viên không ai trong cảnh nghèo khó. Không phải từ khi thành lập Hội mà lâu nay những nạn nhân CĐDC, những người lính năm xưa đã luôn đi đầu, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Thường xuyên gặp gỡ, động viên những nạn nhân CĐDC còn khả năng lao động cùng với các thành viên trong gia đình hăng say lao động, tự vươn lên trong cuộc sống.
Đồng chí Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Chăm lo cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách nói chung và nạn nhân CĐDC nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Văn Yên đặc biệt chú trọng đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời. Thông qua các hoạt động cụ thể như: sửa chữa, hỗ trợ làm nhà ở, khám và điều trị bệnh, thăm hỏi, tặng quà… giúp họ ổn định cuộc sống”.
Lời kết
Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Văn Yên được thành lập và đi vào hoạt động đã trở thành mái nhà chung cho nạn nhân CĐDC của Văn Yên. Hoạt động chăm lo, giúp đỡ nạn nhân CĐDC đã được tăng cường.
Mặc dù, trên địa bàn huyện Văn Yên đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nạn nhân CĐDC vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế hộ, làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại… nhưng đa số nạn nhân CĐDC tuổi đã cao, sức yếu.
Mong rằng, các cấp hội nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Văn Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nạn nhân CĐDC tự vươn lên trong cuộc sống; tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách của Nhà nước, của tỉnh đối với nạn nhân CĐDC.
Các đoàn thể, các hội quần chúng vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ xây dựng Quỹ Trợ giúp Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp nạn nhân da cam ổn định cuộc sống.
Theo Báo Yên Bái
“Nạn nhân chất độc da cam (CĐDC) là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ” - câu nói này hoàn toàn đúng với hoàn cảnh của đại đa số các nạn nhân da cam/Dioxin ở huyện Văn Yên.
Được tới thăm gia đình và tiếp xúc với nhiều nạn dân chất độc da cam - những cựu chiến binh từng “vào sinh ra tử” trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi mới thấu hiểu và cảm phục nghị lực trong đời sống thường nhật của họ.
Nạn nhân CĐDC là đối tượng rất cần sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương, nhưng họ không vì thế mà chông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ ấy. Ở Văn Yên đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nạn nhân CĐDC vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo, làm giàu.
Không tiếc tuổi xuân
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước vĩ đại của dân tộc, nhiều người con của vùng đất quế Văn Yên đã nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc lên đường ra trận.
Nhiều người trong số họ đã vinh dự cùng các tiểu đoàn: Yên Ninh 1, Yên Ninh 2, Yên Ninh 3 trong đoàn quân tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đóng góp xương máu của mình cho ngày toàn quốc thống nhất.
Ông Nguyễn Văn Thản ở tổ 1, khu phố 4, thị trấn Mậu A, thương binh hạng 4/4, hiện đang là Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Văn Yên bồi hồi nhớ lại: “Năm 1967, tôi nhập ngũ và đi bộ từ thôn Gốc Quân, xã Đông Cuông vào Nam chiến đấu ở chiến trường miền Đông Nam Bộ. Năm 1972, đây là một chiến trường quan trọng trong cuộc kháng chiến. Trên chiến trường miền Đông Nam Bộ, lần đầu tiên ta tổ chức tác chiến hợp đồng binh chủng, tiến công địch và đã giải phóng được một vùng rộng lớn nối liền từ Cà Tum, Thiện Ngôn, Cần Lê, Xa Mát, Lộc Ninh, An Lộc".
"Lộc Ninh trở thành thủ đô của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Ngày đó, chất độc hóa học được đế quốc Mỹ sử dụng khiến cây cối luôn trụi lá, chỉ có cây trung quân là sống được với thứ chất độc đó. Khi chiến đấu, chúng tôi không hề biết thứ chất độc hóa học đó lại ảnh hưởng đến sức khỏe và gây bệnh tật cho bản thân và các thế hệ tiếp theo của mình…” - ông Thản kể.
Sau những năm tháng, với những trận chiến ác liệt trên mặt trận Đông Nam Bộ, năm 1974, ông Thản được chuyển công tác ra Bắc với thương tật hạng 4/4. Cùng ông Thản tới thăm cựu chiến binh Hoàng Văn Lượng ở thôn Sơn Bình, xã Ngòi A, được nghe ông Lượng kể về những năm tháng chiến đấu trên chiến trường Gia Lai - Kon Tum, tôi thêm hiểu về cuộc chiến thần thánh của dân tộc với kẻ thù, đặc biệt là tinh thần của những người lính trẻ khi đó.
Cuộc sống ở chiến trường nhiều gian khổ, thậm chí kể cả hy sinh. Vậy mà, lớp lớp thanh niên, trong đó có những người con Văn Yên vẫn tham gia nhập ngũ với một suy nghĩ là lên đường chiến đấu và chiến đấu thật dũng cảm để góp phần giải phóng miền Nam.
Ông Lượng nhập ngũ tháng 6/1974 sau khi xây dựng gia đình được 2 tháng và được biên chế vào Sư đoàn 320, Trung đoàn 48, là sư đoàn chủ lực của Quân đoàn 3, Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vừa giới thiệu về những kỷ vật chiến tranh của mình, ông Lượng vừa kể: “Chiến dịch Tây Nguyên tháng 3/1975 nhằm tạo điều kiện cho lực lượng chủ yếu của Chiến dịch ở phía Nam đột phá thắng lợi vào thị xã Buôn Ma Thuột (Đak Lak), Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên đã quyết định giao cho Sư đoàn 320 đảm nhiệm một hướng quan trọng ở phía Bắc của chiến dịch. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, nhưng cũng rất vinh quang đối với Sư đoàn, bởi phải tác chiến độc lập trên một không gian rộng, lực lượng địch khá đông và mạnh lại có ưu thế về phi pháo. Đã 3 năm sát cánh cùng nhân dân và các lực lượng vũ trang Gia Lai đánh địch, cán bộ chiến sĩ của Sư đoàn hiểu khá rõ phương pháp và thủ đoạn tác chiến của các đơn vị chủ lực Quân đoàn 2 ngụy. Sau một thời gian chuẩn bị, đúng 6 giờ ngày 8/3, Trung đoàn 48 được tăng cường hai pháo 105 ly và ba pháo 85 ly bắn thẳng tiến công Chi khu Quân sự quận lỵ Thuần Mẫn. Sau 1 giờ 20 phút chiến đấu ác liệt, Trung đoàn 48 đã làm chủ trận địa, diệt 1 tiểu đoàn bảo an, 2 trung đội cảnh sát dã chiến và cơ quan Chi khu, bắt 121 tên, thu 200 súng, có 2 khẩu pháo 105 ly, 18 xe quân sự cùng nhiều phương tiện khác. Những hoạt động tích cực của Sư đoàn 320 chúng tôi, đã tạo nên thời cơ lịch sử cho quân và dân hai tỉnh Gia Lai, Kon Tum tiến công, nổi dậy giành thắng lợi vào ngày 17/3/1975”.
Ông Thản và ông Lượng chỉ là 2 trong rất nhiều người con Văn Yên đã không tiếc máu xương, tuổi xuân ra trận chiến đấu vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Với họ, đó là nghĩa vụ thiêng liêng của người con yêu nước, phẩm chất tốt đẹp của người lính Cụ Hồ. Nhờ họ, mà ngày nay đất nước được thanh bình, kinh tế, xã hội không ngừng phát triển.
Nỗ lực trong thời bình
Hiện nay, toàn huyện Văn Yên đang quản lý 7.425 đối tượng chính sách, người có công, trong đó có 653 liệt sỹ, 335 thương binh, 121 bệnh binh… Đặc biệt, huyện có 250 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Trong đó, có 148 nạn nhân là người trực tiếp tham gia kháng chiến, còn lại là con đẻ của họ đang được hưởng chính sách.
Ngôi nhà xây khang trang của gia đình nạn nhân CĐDC /Dioxin Hoàng Văn Lượng ở thôn Sơn Bình, xã Ngòi A.
“Nạn nhân CĐDC là những người nghèo nhất trong những người nghèo, là những người đau khổ nhất trong những người đau khổ”. Nạn nhân CĐDC là đối tượng rất cần sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể địa phương, nhưng họ không vì thế mà chông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ ấy.
Ở Văn Yên đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nạn nhân CĐDC vươn lên trong xóa đói, giảm nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tại thôn Sơn Bình, xã Ngòi A, bên cạnh ngôi nhà sàn, ngôi nhà xây 2 tầng mới của cựu chiến binh, nạn nhân da cam Hoàng Văn Lượng trị giá khoảng 800 triệu đồng vừa hoàn thành.
Trước là ao cá, sau là rừng cây, chuồng dê và dinh cơ này của ông Lượng là minh chứng cho sự nỗ lực vươn lên của bản thân ông và gia đình. Ông Lượng có 5 người con thì 2 trong số đó là cô con gái cả và cô út bị ảnh hưởng của chất độc hóa học từ ông.
Ông Lượng nhớ lại: “Xuất ngũ về công tác tại địa phương là thời điểm khó khăn nhất của gia đình. Khi chưa biết con bị nhiễm chất độc hóa học, 2 vợ chồng gom góp được đồng nào là lại đưa con về Hà Nội khám, chữa bệnh. May mà tôi được hưởng chính sách của Nhà nước và còn sức khỏe nên còn trồng được ít quế, nuôi trâu, lợn nên đời sống cũng đỡ…”.
Quanh năm “bới đất lật cỏ”, “tích tiểu thành đại”, đến nay, gia đình ông Lượng đã trở thành hộ có kinh tế khá của xã Ngòi A. Ông Lượng không chỉ là tấm gương làm kinh tế của Chi hội 2 (Mậu Đông - Ngòi A) mà còn là tấm gương về tự vươn lên khắc phục khó khăn trong cuộc sống, làm kinh tế giỏi của Hội Nạn nhân CĐDC huyện Văn Yên.
Khoát tay chỉ lên trên chục héc-ta quế của gia đình, ông Triệu Đình Khỏe ở thôn Khe Hỏa, xã Tân Hợp - Chi hội trưởng Chi hội 7, Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Văn Yên giọng sang sảng: “Bị nhiễm chất độc trong chiến tranh, nhưng chúng tôi còn may mắn hơn rất nhiều đồng chí, đồng đội đã ngã xuống nơi chiến trường. Vì sự trân trọng cuộc sống, tinh thần của người lính Cụ Hồ, với suy nghĩ còn sức còn lao động, phải làm giàu ngay trên đồng đất quê hương nên khi phục viên, chúng tôi lao vào lao động, sản xuất, không chông trờ, ỷ lại vào chính sách đãi ngộ của Nhà nước. Lao động vừa để gia đình bớt khó khăn về kinh tế, vơi bớt nỗi đau về tinh thần…”.
Chi hội 7 xã Tân Hợp hiện có 18 hội viên, trong đó có 4 hội viên chưa được hưởng chế độ nạn nhân da cam/Dioxin. Tuy nhiên, điều đáng mừng là cả 18 gia đình hội viên không ai trong cảnh nghèo khó. Không phải từ khi thành lập Hội mà lâu nay những nạn nhân CĐDC, những người lính năm xưa đã luôn đi đầu, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Thường xuyên gặp gỡ, động viên những nạn nhân CĐDC còn khả năng lao động cùng với các thành viên trong gia đình hăng say lao động, tự vươn lên trong cuộc sống.
Đồng chí Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: “Chăm lo cho các đối tượng người có công, gia đình chính sách nói chung và nạn nhân CĐDC nói riêng luôn được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Văn Yên đặc biệt chú trọng đảm bảo đúng đối tượng, đầy đủ, kịp thời. Thông qua các hoạt động cụ thể như: sửa chữa, hỗ trợ làm nhà ở, khám và điều trị bệnh, thăm hỏi, tặng quà… giúp họ ổn định cuộc sống”.
Lời kết
Hội Nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Văn Yên được thành lập và đi vào hoạt động đã trở thành mái nhà chung cho nạn nhân CĐDC của Văn Yên. Hoạt động chăm lo, giúp đỡ nạn nhân CĐDC đã được tăng cường.
Mặc dù, trên địa bàn huyện Văn Yên đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nạn nhân CĐDC vươn lên trong cuộc sống, phát triển kinh tế hộ, làm giàu từ mô hình kinh tế trang trại… nhưng đa số nạn nhân CĐDC tuổi đã cao, sức yếu.
Mong rằng, các cấp hội nạn nhân CĐDC/Dioxin huyện Văn Yên tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nạn nhân CĐDC tự vươn lên trong cuộc sống; tăng cường phối hợp giữa các ban, ngành thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách của Nhà nước, của tỉnh đối với nạn nhân CĐDC.
Các đoàn thể, các hội quần chúng vận động, kêu gọi các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài huyện ủng hộ xây dựng Quỹ Trợ giúp Nạn nhân chất độc da cam/Dioxin, cùng nhau chung tay xoa dịu nỗi đau, giúp nạn nhân da cam ổn định cuộc sống.