Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái với công tác Đền ơn đáp nghĩa

31/07/2017 13:47:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT- Với truyền thống cách mạng và tinh thần "Uống nước nhớ nguồn", bằng tình cảm sâu sắc và việc làm thiết thực, trong những năm qua các cấp các ngành trong tỉnh Yên Bái đã tích cực tham gia và thực hiện tốt hơn nữa công tác chăm sóc gia đình liệt sỹ, thương binh và người có công, góp phần thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về ưu đãi chăm sóc người có công với cách mạng.

Qua các thời kỳ kháng chiến giải phóng dân tộc và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, tỉnh Yên Bái có 65.488 người hoạt động kháng chiến đã được vinh danh, ghi nhận và hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước, trong đó có 5.608 liệt sỹ, 2.722 thương binh, 986 bệnh binh, 1.689 người hoạt động kháng chiến nhiễm chất độc hóa học, 284 Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, 41 cán bộ cách mạng lão thành, 469 cán bộ tiền khởi nghĩa, 117 người bị địch bắt tù đày, 12 người có công giúp đỡ cách mạng, 13 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến và 53.547 người hoạt động kháng chiến được thưởng huân, huy chương hưởng chế độ trợ cấp một lần.

Bên cạnh đó, còn nhiều người tham gia hoạt động kháng chiến do hoàn cảnh chiến tranh, rủi ro, thiên tai, không còn giấy tờ nhưng mang trên mình nhiều di chứng chiến tranh chưa được hưởng chế độ chính sách đãi ngộ của nhà nước, coi sự cống hiến, hy sinh cá nhân là hạnh phúc lớn lao được góp sức mình, máu xương của mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, cho hạnh phúc của nhân dân và coi sự trở về là phần thưởng vô giá vì được chứng kiến thành quả cách mạng mà máu xương đồng đội hy sinh cho dân tộc tự do, đất nước độc lập như ngày nay.

Trong công tác mộ và nghĩa trang liệt sỹ, tỉnh Yên Bái đã xây dựng và đang chăm sóc 15 nghĩa trang liệt sỹ với 2.015 mộ, 3 nghĩa trang liệt sỹ người Trung Quốc, 38 nhà bia ghi tên liệt sỹ, 2 đài tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ; 1 đền thờ liệt sỹ. Các liệt sỹ Yên Bái đã tham gia chiến đấu khắp các chiến trường Nam - Bắc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Lào, Cam-pu-chia.

Trong các nghĩa trang Yên Bái, cũng là nơi an nghỉ của hơn 400 liệt sỹ có danh của các tỉnh bạn đã từng chiến đấu, hy sinh và gửi lại xương cốt trên quê hương Yên Bái của chúng ta. Tỉnh Yên Bái luôn chú trọng việc chăm sóc nghĩa trang liệt sỹ, tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ.

Những năm gần đây, các nghĩa trang trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để tu sửa nâng cấp, khang trang. Đồng thời, công tác tìm kiếm, quy tập, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin đang được khẩn trương thực hiện bằng nhiều biện pháp, nhằm sớm đưa các anh trở về an nghỉ trên mảnh đất quê hương và trả lại tên cho liệt sỹ.

Trong những năm qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã đảm bảo thực hiện tốt các chính sách, chế độ ưu đãi đối với người có công theo quy định về chi trả trợ cấp, phụ cấp hàng tháng, khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, ưu đãi về giáo dục và đào tạo, chế độ điều dưỡng phục hồi sức khỏe, dụng cụ chỉnh hình, thăm hỏi tặng quà… với kinh phí thực hiện mỗi năm hơn 120 tỷ đồng.

Năm 2012, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án Chính sách hỗ trợ người có công khó khăn về nhà ở giai đoạn 2012-2015 theo Nghị quyết số 03/2012/NQ-HĐND. Trong quá trình thực hiện, đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ người có công với cách mạng về nhà ở tỉnh Yên Bái. Thực hiện chính sách này, tỉnh Yên Bái có 2.006 hộ gia đình người có công thuộc diện cần hỗ trợ về nhà ở và đến nay đã có hơn 1.088 nhà được hỗ trợ làm mới sửa chữa, với kinh phí gần 40 tỷ đồng.

Đồng thời, tỉnh đã tích cực vận động các tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm tài trợ để hỗ trợ làm nhà cho hơn 100 hộ gia đình người có công. Riêng trong năm 2017, thực hiện hỗ trợ làm 56 nhà với kinh phí 2,24 tỷ đồng từ Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" cấp tỉnh, cấp huyện. Phấn đấu giai đoạn 2017-2020, hoàn thành việc hỗ trợ làm nhà ở cho người có công theo Đề án.

Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành và thực hiện chính sách hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho người có công có thu nhập thấp giai đoạn 2013-2016 theo Nghị quyết số 17/2013/NQ-HĐND của HĐND tỉnh. Đến nay, đã hoàn thành hỗ trợ 1.448 con giống trâu, bò và điều kiện chăn nuôi với kinh phí trên 16.217 triệu đồng cho 1.448 gia đình đối tượng tạo tư liệu phát triển sản xuất, từng bước nâng cao đời sống cho gia đình chính sách.

Cùng với việc thực hiện các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" của tỉnh nói chung đã được quan tâm, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực mang lại hiệu quả to lớn, thiết thực.

Trong đó, phong trào phụng dưỡng, chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, chăm sóc nuôi dưỡng thương binh, bệnh binh nặng, phong trào "Áo lụa tặng bà", "Chăn ấm tặng mẹ", phong trào chăm sóc các nghĩa trang liệt sỹ, phong trào "Hành quân theo bước chân những người anh hùng", noi gương anh hùng liệt sỹ Hoàng Văn Thọ của quê hương Văn Chấn, thắp nến tri ân các anh hùng liệt sỹ... của các cơ quan, đơn vị, các tổ chức, đoàn thể, đặc biệt là của thế hệ trẻ Yên Bái đã thực sự là hoạt động ý nghĩa mang lại lợi ích chính trị-xã hội to lớn, đó là giáo dục truyền thống cách mạng, đạo lý “Uống  nước nhớ nguồn” của dân tộc ta cho các thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Tính từ năm 2012 đến nay, Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" toàn tỉnh đã vận động đóng góp  được trên 12 tỷ đồng; năm 2017 phấn đấu đạt trên 2,7 tỷ đồng. Từ nguồn kinh phí này, đã tập trung hỗ trợ làm nhà ở cho người có công, chăm sóc các đối tượng gặp khó khăn, thực hiện có hiệu quả mục tiêu nâng cao mức sống cả về vật chất và tinh thần cho gia đình người có công; đồng thời, hỗ trợ sửa chữa, tôn tạo các công trình ghi công liệt sỹ. Cùng với đó, những hoạt động trong phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" còn mang ý nghĩa chính trị-xã hội và giá trị nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước thương nòi và đời đời nhớ ơn các thế hệ cha anh, các anh hùng liệt sỹ đã xả thân vì nước, vì dân.

Nhân dân các dân tộc tỉnh Yên Bái hết sức trân trọng và khâm phục những cố gắng lớn lao của những thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và những người có công đã chia sẻ với những khó khăn chung của đất nước, của địa phương, vượt lên trên những khó khăn riêng, hòa mình vào cuộc sống, tiếp tục mang sức lực, trí tuệ để xây dựng, ổn định và cải thiện cuộc sống gia đình và góp phần xây dựng quê hương, đất nước.

Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 90% gia đình chính sách có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của nhân dân địa phương. Nhiều thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sỹ đã trở thành những nhà quản lý, nhà khoa học giỏi, những doanh nhân thành đạt…

Với trách nhiệm và nghĩa tình sâu nặng, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh đã và đang làm rất nhiều việc để cuộc sống của các thương binh, thân nhân liệt sỹ, những người có công với nước ngày càng được đầy đủ và tốt đẹp hơn, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta chưa thể yên lòng khi còn những gia đình thương binh, liệt sỹ, gia đình có công với cách mạng cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc chăm sóc sức khỏe khi đau yếu, việc chữa trị những vết thương chiến tranh, việc chăm lo học hành và giải quyết việc làm chưa được chu đáo và vẫn còn những người, những gia đình có công chưa được hưởng đầy đủ những chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước ta.

Đến nay, vẫn còn nhiều liệt sỹ chưa tìm được hài cốt, danh tính, đang để lại nỗi thương đau khắc khoải trong lòng những người thân và trong mỗi chúng ta. Đạo nghĩa của dân tộc đòi hỏi Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và nhân dân ta phải tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác "Đền ơn đáp nghĩa" đối với những người, những gia đình có công với nước.

Đảng ta đã xác định, chăm sóc người có công với cách mạng là lĩnh vực quan trọng, không chỉ là vấn đề đạo lý, truyền thống mà còn là vấn đề chính trị, tư tưởng, tình cảm, vấn đề xã hội nhân văn cao quý có ý nghĩa lâu dài. Nghị quyết số 15-NQ/TW Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2020 đã khẳng định quan điểm: “Không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người có công và bảo đảm an sinh xã hội là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của Đảng, Nhà nước, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội”. Cùng với cả nước, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản, xây dựng các chính sách để cụ thể hóa chủ trương, đương lối này.

Trong thời gian tới tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục làm tốt và làm tốt hơn nữa công tác Đền ơn đáp nghĩa bằng nhiều hình thức cụ thể.

Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục tổ chức thực hiện tốt hơn nữa các chế độ chính sách ưu đãi đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sỹ và người có công theo Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; quản lý và thực hiện việc chi trả trợ cấp đảm bảo đúng chính sách quy định hiện hành; thường xuyên tiến hành kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách để kịp thời ngăn chặn và uốn nắn những sai sót có thể xảy ra.

Triển khai thực hiện công tác giáo dục đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho con liệt sỹ, con thương binh nặng, con bệnh binh nặng; giúp đỡ thiết thực, có hiệu quả các gia đình chính sách người có công về vật chất cũng như tinh thần để thực hiện bằng được mục tiêu: các gia đình có công với nước đều có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư.

Phát động sâu rộng hơn nữa phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", toàn dân chăm sóc người có công với nước, thực hiện tốt phương châm "Nhà nước, nhân dân và những người được hưởng chính sách ưu đãi cùng phấn đấu".

Tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích, động viên để các thương binh, bệnh binh, người có công, gia đình có công tiếp tục phát huy ý chí tự lực, tự cường, phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tham gia các hoạt động xã hội, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng quê hương đất nước. Huy động, vận động các nguồn kinh phí từ các tổ chức, doanh nghiệp và các nhà hảo tâm thực hiện tốt việc làm nhà ở cho người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở.

Thường xuyên quan tâm chăm lo tốt hơn nữa công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với nước và phong trào "Đền ơn đáp nghĩa"; lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đúng, đầy đủ, chu đáo các chính sách ưu đãi; tiếp tục giải quyết các vụ việc tồn đọng chiến tranh “thấu tình, đạt lý” trên cơ sở các quy định chung của Nhà nước; không để xảy ra tiêu cực trong việc thực hiện các chính sách; tiếp tục làm tốt hơn công tác chăm lo bảo quản, chỉnh trang nâng cấp các công trình ghi công liệt sỹ trên địa bàn tỉnh và công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ, xác định danh tính liệt sỹ, thông báo và tạo điều kiện cho các gia đình người thân đến thăm viếng.

Thường xuyên tuyên truyền nâng cao truyền thống yêu nước và đạo nghĩa "Uống nước nhớ nguồn" trong nhân dân, nhất là trong thế hệ trẻ, làm cho mọi người nhận thức sâu sắc và trân trọng tri ân công lao to lớn của các anh hùng liệt sỹ và những người có công với nước. Biến nhận thức và tình cảm tốt đẹp đó thành hành động cách mạng thiết thực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công và trong việc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh - Liệt sỹ năm nay, là dịp để chúng ta ôn lại chặng đường vẻ vang của dân tộc ta, tri ân đối với các liệt sỹ, các thương binh, bệnh binh, người có công đã hy sinh xương máu, đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc để non sông đất nước ta được nở hoa độc lập, kết quả tự do như ngày hôm nay.

 

Thanh Thủy