Nâng cao chất lượng dạy nghề gắn với việc làm

01/11/2018 09:44:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Với mục tiêu xây dựng Yên Bái thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho khu vực, thời gian qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung đầu tư cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng dạy và học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Hoạt động dạy và học tại trường Cao đẳng nghề Yên Bái.

Hằng năm, các cơ sở dạy nghề đã cử giáo viên đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ sư phạm, ngoại ngữ, tin học. Cùng với việc đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề, tổ chức tốt các hội giảng, hội thi nâng cao trình độ giáo viên, thông qua rà soát, sắp xếp lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng phù hợp, các cơ sở dạy nghề cần tích cực chỉnh sửa, biên soạn mới chương trình, giáo trình dạy nghề nhất là cho lao động nông thôn.

Vừa qua, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Viện Đào tạo và Phát triển nhân lực thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam tổ chức 3 lớp đào tạo, bồi dưỡng và cấp giấy chứng nhận cho 127 nhà giáo hiện đang công tác tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh với 2 chuyên đề: phương pháp và kỹ năng phát triển chương trình theo tích lũy theo modun, tín chỉ và phương pháp, kỹ năng dạy học tiếp cận theo năng lực thực hiện trong giáo dục nghề nghiệp.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp gồm: 4 trường cao đẳng; 3 trường trung cấp và 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên cấp huyện tại: Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Trong đó, có 3 trường đào tạo thuộc lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, nông, lâm nghiệp; 4 trường đào tạo lĩnh vực thương mại, dịch vụ; các cơ sở còn lại đào tạo đa ngành nghề.

Các cơ sở dạy nghề hiện có 631 cán bộ quản lý, giáo viên, giảng viên; trong đó, số giáo viên, giảng viên trực tiếp tham gia giảng dạy là 530 người (giáo viên giáo dục nghề nghiệp 367 người; giáo viên dạy văn hóa phổ thông 163 người).

Có 132 người có trình độ trên đại học (chiếm 25%); 364 người có trình độ đại học (chiếm 69%); trình độ khác gồm cao đẳng, trung cấp, giáo viên dạy nghề, công nhân kỹ thuật có bằng nghề 34 người (chiếm 6%). Đánh giá chung, đa số giáo viên đã đáp ứng yêu cầu, mỗi năm đã đào tạo nghề cho trên 1,5 vạn lao động, nâng tỷ lệ lao động được đào tạo nghề của Yên Bái đạt trên 50%.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác dạy nghề vẫn còn những khó khăn nhất định như Tại một số cơ sở, đội ngũ giáo viên còn yếu về trình độ chuyên môn, nhất là trình độ về sư phạm, ngoại ngữ, tin học...Đội ngũ giáo viên dạy nghề tại trường trung cấp và các trung tâm dạy nghề còn những bất cập do tình trạng thừa và thiếu. Hiện các trung tâm đang thừa giáo viên dạy văn hóa nhưng lại thiếu giáo viên dạy nghề, do đó, việc triển khai đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn gặp khó khăn. Chất lượng không đồng đều cùng tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu đồ dùng thực tập, thiếu liên kết với doanh nghiệp và ở góc độ nào đó, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên chưa bảo đảm...

Để giải quyết những khó khăn trên nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề đòi hỏi cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh, sắp xếp mạng lưới dạy nghề trên địa bàn tỉnh theo hướng tinh gọn, hiệu quả phù hợp với đặc điểm tình hình thực tế của địa phương; thu hút nguồn lực xã hội để đầu tư phát triển giáo dục nghề nghiệp thời gian tới; các cấp, các ngành cần có sự phối hợp chặt chẽ, thực hiện một cách đồng bộ và xem công tác đào tạo nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; tăng cường công tác tuyên truyền nhằm thay đổi căn bản nhận thức của người lao động, đặc biệt là lao động trẻ về mục đích ý nghĩa của việc học nghề để có cơ hội  tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định; Tiếp tục kiện toàn đội ngũ giáo viên dạy nghề, tăng cường mở lớp bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý dạy nghề, từng bước chuẩn hóa đạt 100% giáo viên dạy nghề đạt chuẩn theo quy định; chú trọng liên kết với các doanh nghiệp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng của các cơ sở sản xuất trong và ngoài Tỉnh, đây chính là sự gắn kết giữa các bên liên quan để đảm bảo cho người học nghề xong có việc làm và có thu nhập ngay.

 

Ban Biên tập