Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số ở Yên Bái

15/11/2016 01:08:00 Xem cỡ chữ
Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành tiếp tục khẳng định và cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta về công tác dân tộc trong giai đoạn hiện nay.

Giờ học nhóm của học sinh Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Pá Hu, huyện Trạm Tấu.

Với mục tiêu tập trung phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, đặc biệt là vùng dân tộc thiểu số (DTTS); phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc, tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; đồng thời, tiếp tục củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào DTTS, tỉnh Yên Bái đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Chiến lược công tác dân tộc và Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 xây dựng 57 đề án, dự án, chính sách cụ thể trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh đối với vùng đồng bào dân tộc.

Bám sát mục tiêu, nhiệm vụ, các chính sách dân tộc hiện hành, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngành, các địa phương rà soát, đánh giá, xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện từng đề án, dự án, chính sách. Quá trình triển khai thực hiện Chiến lược, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã kịp thời ban hành nhiều nghị quyết chuyên đề hỗ trợ vùng đồng bào DTTS.

Trên thực tế, sau 2 năm 2014 - 2015 triển khai thực hiện Chiến lược công tác dân tộc, với tổng kinh phí đầu tư hỗ trợ cho vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn tỉnh là 1.980.412 triệu đồng; trong đó, ngân sách Trung ương đầu tư 1.221.392 triệu đồng, ngân sách địa phương đầu tư hỗ trợ 234.359 triệu đồng, vốn của các tổ chức nước ngoài 524.661 triệu đồng, thông qua các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách dân tộc do tỉnh ban hành đã làm chuyển biến kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc và miền núi tỉnh Yên Bái.

Kết cấu hạ tầng vùng DTTS và miền núi được mở rộng, nhiều công trình được đầu tư khang trang, đặc biệt hệ thống giao thông nông thôn, nước sinh hoạt, điện lưới quốc gia, trường học và các dịch vụ viễn thông như điện thoại, Internet… đã đến với đồng bào DTTS trên địa bàn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội vùng sâu, vùng xa của tỉnh. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân vì thế cải thiện và nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào dân tộc củng cố vững chắc.

Trong 2 năm đầu thực hiện Chiến lược, nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế; giáo dục và đào tạo; việc làm và dạy nghề; dân số - kế hoạch hóa gia đình; chương trình mục tiêu về văn hóa; xây dựng nông thôn mới… đã góp phần nâng cao chất lượng dạy và học của các nhà trường; giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; giải quyết việc làm cho gần 20 nghìn lao động, giúp cho hàng nghìn hộ gia đình ổn định cuộc sống, tăng thu nhập.

Chỉ riêng Chương trình 135, với tổng vốn đầu tư 292.908 triệu đồng, trong năm 2014 - 2015 đã đầu tư xây dựng và duy tu bảo dưỡng 221 công trình trên địa bàn các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK); hỗ trợ 61.600 triệu đồng thông qua Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp đồng bào dân tộc vùng ĐBKK phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chuyển đổi từ tập quán sản xuất thuần nông, quảng canh sang sản xuất thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi kết hợp với áp dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất…

Hay như Chương trình mục tiêu giảm nghèo bền vững, với tổng vốn đầu tư phát triển 99.580 triệu đồng, Chương trình đã đầu tư xây dựng 381 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ cây, con giống, phân bón, nông cụ sản xuất phục vụ phát triển sản xuất cho gần 48 nghìn lượt hộ gia đình tại các xã, thôn, bản ĐBKK trong tỉnh...

Nhìn vào con số 225.186 triệu đồng là nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách của tỉnh cho các chính sách dân tộc trong 2 năm 2014 - 2015, bao gồm hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp; hỗ trợ chăn nuôi trâu, bò cho hộ gia đình có công với cách mạng có thu nhập thấp; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng dân tộc như giao thông, thủy lợi, y tế, quốc phòng - an ninh…, để thấy mặc dù nguồn ngân sách của địa phương còn khá eo hẹp nhưng tỉnh Yên Bái đã ưu tiên dành một nguồn lực đáng kể đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng vùng đồng bào dân tộc, vùng ĐBKK; hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, khuyến khích phát triển sản xuất tập trung, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, chuyển đổi ngành nghề, nâng cao thu nhập, từng bước thực hiện giảm nghèo bền vững. 

Quá trình triển khai Chiến lược công tác dân tộc, cùng với Chỉ thị 28/CT-TTg về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân tộc bước đầu đã tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp về công tác dân tộc, nhất là việc tăng cường quản lý nhà nước về lĩnh vực công tác dân tộc.

Với mục tiêu tập trung phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, nhanh, bền vững, đặc biệt là vùng DTTS, hình thành một số trung tâm kinh tế, văn hóa; phát triển nguồn nhân lực ở vùng dân tộc, tăng cường số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ là người DTTS; đồng thời, tiếp tục củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, giữ vững khối đại đoàn kết dân tộc, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn, tỉnh Yên Bái đã xây dựng Chương trình hành động thực hiện Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020.

Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 đạt 55% lao động trong độ tuổi là người DTTS tham gia học tập, tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có 20% được đào tạo nghề; 100% huyện, thị xã, thành phố hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; duy trì 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS; 100% đơn vị cấp huyện và 95% đơn vị cấp xã đạt chuẩn xóa mù chữ; 90 - 95% cán bộ cấp xã được đào tạo trình độ chuyên môn theo chuẩn quy định.

Phát triển hệ thống giao thông liên vùng, liên huyện, liên tỉnh, liên xã, bảo đảm 100% các xã có đường giao thông đến trung tâm xã được cứng hóa; 95% hộ dân sử dụng điện thường xuyên; 90% gia đình sử dụng nước sạch sinh hoạt; 100% xã có điểm phục vụ bưu chính, viễn thông, Internet đến hầu hết các thôn, bản; phấn đấu có 144/180 trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã đến năm 2020...

Để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu trên, cùng với thực hiện đồng bộ, lồng ghép có hiệu quả các chính sách, đề án, chương trình như: 135, 30a, xây dựng nông thôn mới, đào tạo nghề cho lao động nông thôn; chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững vùng đồng bào DTTS, địa bàn ĐBKK; chú trọng phát triển đa dạng cây trồng, vật nuôi có lợi thế, chuyển đổi chăn nuôi từ phân tán, thả rông sang phát triển chăn nuôi trang trại, kết hợp chăn nuôi và trồng rừng; đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Trên cơ sở đó, quy hoạch, hình thành vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa phù hợp với từng vùng, từng địa phương.

Xây dựng chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích hỗ trợ doanh nghiệp sử dụng, đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động là người DTTS; khuyến khích hỗ trợ phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào. Thực hiện các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, vốn tín dụng phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào DTTS ĐBKK. Tỉnh đặc biệt quan tâm phát triển giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn lực là đồng bào DTTS; xây dựng và phát triển đội ngũ cán bộ là người DTTS; nâng cao chất lượng hệ thống chính trị, củng cố an ninh nông thôn vùng DTTS; phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với phát triển sản xuất, giảm nghèo bền vững, phấn đấu đến năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 4% - 5% hộ nghèo trong vùng DTTS.

 

Theo Báo Yên Bái