Trong những năm gần đây, đời sống của người dân xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn) có những đổi thay rõ rệt, tỷ lệ hộ đói nghèo giảm dần qua các năm, số hộ giàu ngày một tăng. Trung tâm xã đang từng bước hình thành một thị tứ vùng cao với chợ đầu mối của 4 xã vùng ngoài và khu trung tâm sầm uất, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân giao thương, phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Ông Nguyễn Cao Cường - Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tâm cho biết: “Vì là xã thuần nông nên để thúc đẩy phát kinh tế, xóa đói giảm nghèo thì phải phát huy được nội lực của địa phương mình. Vì thế, xã vận động nhân dân áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất đồng thời sản xuất theo hướng hàng hóa, thị trường”.
Thực hiện mục tiêu đó, xã đã phối hợp mở các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật tới 100% hộ dân; đưa giống lúa lai, lúa thuần năng suất cao vào gieo cấy, chú trọng đầu tư thâm canh, phòng trừ sâu bệnh. Từ đó, năng suất lúa ngày một nâng lên, nay đạt 112 tạ/ha/năm, đưa tổng sản lượng lương thực đạt gần 1.300 tấn. Cách nghĩ, cách làm của nhân dân đã có sự chuyển biến tích cực, từ sản xuất chỉ dựa vào kinh nghiệm sang áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất và ở nhiều thôn bản, bà con đã sản xuất theo hướng hàng hóa, thị trường. Ví như trước đây, nhà chị Hà Thị Chín, thôn 12 vì ở xa nguồn nước nên muốn xây bể nuôi ba ba hay đào ao thả cá cũng khó khăn.
Năm 2011, được sự hỗ trợ của dự án, gia đình chị bỏ ra 3 triệu đồng mua máy bơm nước không dùng nguyên liệu (bơm xoắn ốc) để lấy nước từ dòng suối Tho lên. Có nguồn nước ổn định, gia đình chị xây ao nuôi các loại cá, chăn nuôi lợn theo hướng bán công nghiệp và trên 1.400m2 ruộng cũng đủ nước tưới thường xuyên, từ đó cuộc sống gia đình ổn định hơn.
Chị Chín tâm sự: “Mình làm nông nghiệp nên phải biết áp dụng tiến bộ khoa học vào sản xuất thì sản phẩm mới có hiệu quả, chất lượng cũng như phải biết tận dụng, phát huy lợi thế ở địa phương như làm kinh tế từ cây chè. Gia đình tôi mỗi năm thu trên 10 tấn chè, cho thu nhập trên 30 triệu đồng”.
Là địa phương có diện tích chè lớn nên xã đã vận động nhân dân khai thác, phát huy thế mạnh của 540ha chè, coi đây là cây chủ lực xóa đói nghèo và làm giàu cho người dân. Không phải bây giờ người dân nơi đây mới biết và trồng chè mà cây chè đã được trồng từ những năm 1969 - 1970 và có đến 70% số hộ trồng. Nhưng với cách nghĩ trồng chè chỉ là phụ, không hề đầu tư chăm bón mà cứ đến mùa vụ là thu hái rồi tự chế biến, dẫn đến năng suất thấp, hiệu quả không cao.
Trong vài năm trở lại đây, cây chè có giá, người dân đã tích cực đầu tư thâm canh và được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật, cách thu hái, chăm bón theo quy trình nên năng suất ngày một nâng lên. Diện tích chè già cỗi được trồng thay thế bằng giống chè lai, chè nhập nội năng suất cao.
Đến nay, năng suất bình quân đạt 70 tạ/ha, có nhiều hộ đạt năng suất 80 - 90 tạ/ha; sản lượng thu hái hàng năm đạt 3.800 tấn, bán thu trên 11 tỷ đồng. Vừa phát triển cây lúa, chè, xã còn vận động nhân dân trồng cam, quýt, tạo vùng hàng hóa với diện tích 85ha, sản lượng đạt 1.500 tấn cũng đã mang lại một nguồn thu lớn cho người dân nơi đây. Nghĩa Tâm là xã thuần nông nên cùng với phát triển các loại cây trồng, xã chú trọng chăn nuôi.
Để chăn nuôi phát triển, mang lại hiệu quả cao, xã đặc biệt chú ý và làm tốt khâu phòng chống dịch bệnh, phun tiêu độc khử trùng chuồng trại theo đúng hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Hiện nay, tổng đàn trâu của xã có 490 con, đàn bò 350 con, trên 4.000 con lợn cùng hàng ngàn con gia cầm và 87 hộ nuôi ba ba với tổng diện tích ao trên 8.400m2.
Nhờ biết phát huy nội lực trong phát triển kinh tế mà từ một xã nghèo, đến nay, Nghĩa Tâm đã có trên 20% số hộ giàu, thu nhập bình quân đầu người đạt 11,7 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 22,4%. Năm 2013, xã phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 14 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 20,3%.