Đồng chí Ngô Thị Chinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì Hội nghị. Cùng dự có lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh, lãnh đạo một số ngành thành viên Ban chỉ đạo giảm nghèo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan.
Đối với dự thảo Đề án chính sách giảm nghèo bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 – 2016, đề án được triển khai trên phạm vi 58 xã đặc biệt khó khăn thuộc các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Yên, Văn Chấn, Trạm Tấu, Mù Cang Chải và Thị xã Nghĩa Lộ; 157 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II của các huyện Yên Bình, Lục Yên, Văn Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, TX Nghĩa Lộ.
Mục tiêu cụ thể đề ra trong Đề án là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân mỗi năm 5%, đến cuối năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 40%, tương ứng với giảm 5.954 hộ nghèo; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 4%. Cùng với đó, Đề án cũng đề ra mục tiêu hộ nghèo, cận nghèo, hộ là người dân tộc thiểu số có nhu cầu và điều kiện sản xuất được vay vốn để sản xuất đạt 100%; cấp phát thẻ bảo hiểm khám chữa bệnh miễn phí cho 100% đối tượng kịp thời; 100% đối tượng bảo trợ xã hội đủ điều kiện được hưởng kinh phí chi trả trợ cấp hàng tháng và cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí…
Để đạt các mục tiêu đã đề ra, tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách của TW và tỉnh đang triển khai hỗ trợ cho hộ nghèo, người nghèo và người dân tộc thuộc vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chính sách đặc thù mới ban hành của tỉnh theo Đề án này.
Đối với Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 – 2016, đề án này được thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh, trong đó ưu tiên các địa bàn trọng điểm về tệ nạn ma túy, mại dâm, mua bán người, xâm hại tình dục trẻ em, bạo lực gia đình, cờ bạc lô đề, tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.
Đề án cũng đề ra các mục tiêu cụ thể là hàng năm phấn đấu giảm trên 5% người nghiện ma túy hiện có; giảm 8%-10% xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy để hạ tổng số xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy vào cuối năm 2016 trên địa bàn tỉnh xuống 60% (hiện tại là 68,8%); 70% số người nghiện có hồ sơ quản lý được cai nghiện dưới mọi hình thức, 100% người đã cai nghiện có nguy cơ tái nghiện cao đều được áp dụng các biện pháp quản lý sau cai; Đấu tranh triệt phá, xử lý 100% số vụ việc, đường dây hoạt động mại dâm bị phát hiện; 90 – 100% số nạn nhân đã xác minh bị mua bán trở về đều được hỗ trợ chính sách theo quy định…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã cho ý kiến góp ý vào dự thảo 2 Đề án trên. Hầu hết, các đại biểu đều nhất trí với sự cần thiết ban hành 2 Đề án này. Tuy nhiên, đối với Đề án chính sách giảm nghèo bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 – 2016, một số ý kiến cho rằng cơ quan Thường trực là Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cần xem xét lại chính sách riêng của tỉnh, chính sách nào trùng, chưa phù hợp và cần bổ sung; Nhân rộng mô hình giảm nghèo cần phù hợp với điều kiện, tình hình địa phương; Xác định lại phạm vi cần xóa đói giảm nghèo, trong đó tập trung vào Trạm Tấu và Mù Cang Chải…
Đối với dự thảo Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 – 2016, một số đại biểu cho rằng, cần xem xét lại một số mục tiêu và giải pháp cụ thể, tên đề án và nội dung có những mặt chưa thống nhất…
Kết luận tại Hội nghị, đồng chí Ngô Thị Chinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh về sự cần thiết ban hành 2 Đề án này. Tuy nhiên, trong dự thảo 2 Đề án do Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh trình vẫn còn nhiều nội dung cần xem xét lại để trình HĐND tỉnh trong kỳ họp sau. Đồng chí yêu cầu, đối với Đề án chính sách giảm nghèo bền vững tại các xã đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 – 2016, cơ quan chuyên môn cần đánh giá lại 2 năm thực hiện Đề án giảm nghèo, đánh giá lại các chính sách giảm nghèo xem chính sách nào còn phù hợp, chính sách nào đang thực hiện nhưng cần tăng thêm nguồn lực, chính sách nào cần bổ sung. Đồng chí cũng yêu cầu các ngành cần có ý kiến tham gia với UBND tỉnh.
Đối với Đề án xây dựng xã, phường, thị trấn lành mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tệ nạn xã hội tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2013 – 2016, đồng chí yêu cầu, sẽ thí điểm, đánh giá hiệu quả của đội thanh niên tình nguyện tại một số xã, phường trọng điểm, sau đó, so sánh và tiến hành nhân rộng. Trên cơ sở đó, sẽ trình HĐND vào kỳ họp sau để xin nguồn kinh phí của tỉnh hỗ trợ cho đội ngũ này.