Ông Hoàng Văn Dào - Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: “Để tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân, xã đã vận động nhân dân thay đổi tập quán canh tác, loại bỏ các giống lúa dài ngày năng suất thấp, chuyển sang các giống lúa thuần cho năng suất, chất lượng cao gieo cấy trên 70% diện tích. Do vậy, năng suất của 263ha ruộng nước cấy 2 vụ/năm đã tăng đáng kể”. Nhờ đưa các giống lúa thuần ngắn ngày vào gieo cấy nên phong trào trồng cây vụ đông trên đất 2 vụ lúa cũng tăng.
Đặc biệt là cây ngô đông từ 50ha những năm trước nay tăng lên 155ha và trên 20ha rau màu các loại. Bên cạnh thay đổi cơ cấu giống, việc tăng cường đầu tư thâm canh, áp dụng cơ giới hóa trên đồng ruộng, sử dụng phân bón hợp lý, nhất là phân viên nén dúi sâu rồi đến phòng trừ sâu bệnh… đã đưa sản lượng tăng cao, năm 2012 đạt 3.024 tấn, tăng 79 tấn so với năm 2011.
Thời điểm này đến Phúc Sơn, nông dân vừa thu hoạch xong vụ chiêm và đang khẩn trương gieo cấy vụ mùa. Người cày bừa, người gánh phân, người nhổ mạ, người cấy… trên khắp cánh đồng thôn Bản Thón, Bản Muông, Bản Lanh, Bản Ngoa... Dừng tay cấy, chị Hoàng Thị Lả, thôn Bản Thón cho biết: “Gia đình có trên 1.000m2, vụ chiêm vừa rồi được hơn 6 tạ thóc. Vì nhà có ít ruộng nên thu hoạch xong, chúng tôi làm đất để cày bừa và cấy cho kịp trồng cây ngô vụ 3, tăng thêm thu nhập…”.
Đảm bảo cấy hết diện tích, xã vận động nhân dân bảo vệ, nạo vét, tu sửa các tuyến mương ở Bản Ngoa, Nang Phai, Điệp Quang. Đặc biệt, năm 2012, do ảnh hưởng của mưa bão, tuyến mương khu đầu nguồn Bản Muông sạt lở nghiêm trọng, làm ách tắc nguồn nước, dẫn đến trên 100ha ruộng không có nước tưới tiêu cũng đã được xã chỉ đạo khơi thông, đảm bảo nước tưới tiêu.
Công tác khuyến nông cũng được chú trọng. Những năm qua, xã phối hợp mở hàng trăm lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, các lớp dạy nghề ngắn ngày và tham gia các mô hình chăn nuôi gia súc, gia cầm…
Cũng giống như những xã thuần nông khác, để phát triển kinh tế, bên cạnh cây lúa, xã Phúc Sơn vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Trước đây, hầu hết người dân cũng đều chăn nuôi nhưng mỗi nhà chỉ vài ba con lợn, con gà để cải thiện cuộc sống. Tận dụng lợi thế địa phương sẵn có, xã vận động nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi, mở các lớp tập huấn về chăn nuôi như: cách phòng chống rét cho gia súc, phòng trị bệnh cho vật nuôi…
Đến nay, nhiều hộ dân làm chuồng trại kiên cố, xây hầm biogas để chăn nuôi lợn và đã biết dự trữ thức ăn cho trâu, bò trong mùa đông. Cùng với việc duy trì, mở rộng quy mô chăn nuôi, công tác tiêm phòng, phòng chống dịch bệnh cũng được đặc biệt quan tâm, chú trọng nên đàn gia súc, gia cầm tăng qua các năm. Hiện nay, tổng đàn trâu, bò hiện có trên 1.200 con, đàn lợn 5.600 con, gia cầm trên 26.000 con.
Song song với phát triển nông nghiệp, xã xác định, làm đường giao thông nông thôn là một trong những yếu tố quyết định phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân. Thời gian qua, Phúc Sơn vận động nhân dân đóng góp tu sửa và làm mới một số tuyến đường.
Với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, năm 2012, toàn xã thực hiện được trên 8km, vượt 281% so với chỉ tiêu kế hoạch huyện giao. Trong đó làm 1,35km đường bê tông, rải cấp phối và lu lèn hoàn chỉnh 6,2km, mở rộng và làm mới 0,9km đường liên thôn. Đồng thời, xã chỉ đạo tập trung tu sửa 5km đường giao thông tại các thôn bản, góp phần cải thiện đáng kể hệ thống giao thông trên địa bàn; tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp tiền và ngày công khắc phục, sửa chữa cầu treo bản Điệp Quang trị giá gần 120 triệu đồng, trong đó nhân dân đóng góp gần 40 triệu đồng.
Phúc Sơn đang từng bước phát huy nội lực của một xã thuần nông. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của xã vẫn khá cao, chiếm tới 42%. Từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, thời gian tới, Phúc Sơn tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng; tăng diện tích cây trồng vụ 3; tăng cường chuyển giao khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa; tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi... Qua đó nâng cao giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác, góp phần xóa đói giảm nghèo bền vững.