Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bình phát huy hiệu quả các mô hình kinh tế góp phần giảm nghèo bền vững

30/10/2024 16:24:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Từ những hiệu quả của các mô hình phát triển kinh tế, cùng những giải pháp cụ thể đã và đang từng bước giúp người dân Yên Bình vươn lên làm giàu từ mảnh đất quê hương góp phần quan trọng để huyện Yên Bình thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Yên Bình chú trọng phát triển các mô hình kinh tế góp phần giảm nghèo bền vững

Trong những năm qua, với cách làm sáng tạo huyện Yên Bình đã triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Từ  chính sách của Đảng và Nhà nước, người dân huyện Yên Bình đã và đang từng bước thay đổi tư duy, lựa chọn phương thức sản xuất phù hợp đưa các loại cây, con giống có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất để xây dựng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng, lợi thế của từng địa phương mang lại hiệu quả nâng cao đời sống.

Không chỉ nhiệt tình tham gia công tác xã hội, các phong trào của địa phương, ông Lương Văn Hảo - Bí thư Chi bộ thôn Tân Bình, xã Tân Hương luôn là người đi đầu trong việc tìm tòi các loại cây trồng, vật nuôi cũng như học hỏi phương thức canh tác mới để phát triển kinh tế gia đình và hướng dẫn bà con học tập làm theo. Với diện tích đất đồi gần 3 ha, từ năm 2009, ông  Hảo bắt đầu cải tạo đất vườn tạp trồng 2 ha quế, gần 1 ha bồ đề và xây dựng mô hình kinh tế trang trại tổng hợp. Với phương châm "lấy ngắn nuôi dài”, ông Hảo trồng đa dạng các loại cây ngắn ngày như: rau màu, các loại cây ăn quả gồm chanh, bưởi, xoài kết hợp với thường xuyên nuôi từ 10 - 12 con lợn và 50 - 70 con gà, vịt... cho thu nhập bình quân hàng năm trên 150 triệu đồng và là điển hình làm kinh tế giỏi. Ông Hoàng Văn Lành - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Hương nhận xét: “Đồng chí Lương Văn Hảo rất năng động, nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc chung. Trong hoạt động của chi bộ đồng chí đã có nhiều sáng tạo, đổi mới phương thức hoạt động nhằm đưa chỉ thị, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống đồng thời cũng là đảng viên gương mẫu trong phát triển kinh tế gia đình để mọi người học tập làm theo”.

Phát huy lợi thế của vùng hồ Thác Bà, thời gian qua, việc đóng lồng nuôi cá trên hồ đã trở thành hướng phát triển kinh tế mà nhiều hộ gia đình ở Yên Bình lựa chọn. Năm 2017, nhận thấy nhiều gia đình ở địa phương khá giả nhờ nuôi cá lồng, nên anh Đặng Văn Vấn ở thôn Đồng Tâm xã Phúc An đã dồn hết vốn liếng tích góp của gia đình, cộng thêm vay mượn người thân và “khởi nghiệp” với 2 lồng nuôi cá, mỗi lồng hơn 100 m3 và chọn những loài cá dễ nuôi, dễ bán như: cá Nheo, cá rô phi đơn tính để nuôi. Ngay từ năm đầu tiên, do được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật và chịu khó học hỏi kinh nghiệm từ những hộ đi trước nên cá của gia đình anh Vấn phát triển khỏe mạnh, đem lại nguồn thu đáng kể. Nhận thấy đây là cách làm hiệu quả, tận dụng được lợi thế mặt nước nuôi cá của hồ Thác Bà, cá dễ chăm sóc, lớn nhanh, tốn ít công lao động nên đầu năm 2020, anh Vấn đầu tư đóng thêm 8 lồng và năm 2023 anh đóng thêm 10 lồng để nuôi thêm cá đặc sản cho giá trị kinh tế cao như: cá lăng, cá nheo, cá ngạnh… Anh Đặng Văn Vấn cho biết “Đến nay, gia đình có 20 lồng cá các loại, trong năm 2023 gia đình thu hoạch 2 lứa cá cung ứng ra thị trường, sau khi trừ chi phí lãi gần 300 triệu đồng”.

Xác định công tác giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên trong kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, những năm qua, song song với việc đầu tư từ các chương trình, dự án của Đảng và Nhà nước, huyện Yên Bình đã quyết liệt chỉ đạo, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bề vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Trên cơ sở nắm bắt nhu cầu phát triển kinh tế của người dân để có những định hướng phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng phong phú để nâng cao nhận thức cho người nghèo hiểu được trách nhiệm vươn lên thoát nghèo. Đồng thời, tập trung hỗ trợ vay vốn ưu đãi, tổ chức tham quan các mô hình hiệu quả trong và ngoài huyện, tổ chức dạy nghề, tạo việc làm, chuyển giao kỹ thuật để hướng dẫn cách làm ăn cho hộ nghèo… Đặc biệt huyện còn chú trọng xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp với tiềm năng thế mạnh của từng vùng để bà con học tập làm theo, trong đó, khuyến khích người dân đẩy mạnh sản xuất thành hàng hóa theo chuỗi giá trị; phát triển trồng trọt,chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế.

Đến nay toàn huyện đã xây dựng được hàng nghìn mô hình phát triển kinh tế hiệu quả chủ yếu là mô hình tổng hợp VACR và các mô hình chuyên canh: như mô hình phát triển bưởi đặc sản Đại Minh, mô hình  trồng Thanh Long ruột đỏ bạch Hà, Cảm Nhân, mô hình chè Hán Đà, mô hình trồng quế Tân Hương, mô hình tre măng bát độ Mỹ Gia, Yên Thành, mô hình nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà, mô hình nuôi dê…

Từ thực tiễn cho thấy, việc triển khai xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế ở Yên Bình đã làm thay đổi căn bản đời sống của người dân, giúp đồng bào ổn định đời sống, nâng cao thu nhập, góp phần không nhỏ trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Đến nay, mức thu nhập bình quân của huyện đạt trên 53 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,55% an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội  được giữ vững.

Với mục tiêu giảm nghèo bền vững nâng cao đời sống vật chất, tình thần cho nhân dân huyện Yên Bình đang tiếp tục có nhiều giải pháp cụ thể. Trong đó,  huyện sẽ tiếp tục bám sát các nghị quyết, chương trình, đề án của trung ương, của tỉnh kịp thời triển khai tới người dân, khai thác và quản lý tốt nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, chú trọng đổi mới và nâng cao hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề, tiếp tục chỉ đạo các ngành đoàn thể đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu đồng thời chú trọng việc xây dựng chuỗi liên kết, tìm đầu ra cho các sản phẩm góp phần nâng cao thu nhập giảm nghèo bền vững.

Ban Biên tập