Ngân sách địa phương hỗ trợ cho mỗi xã 3 tỉ đồng/năm, mỗi thôn bản từ 200 - 300 triệu đồng/năm, tập trung lo về giống và phân bón cho các hộ nghèo.
Hay như tỉnh Hà Giang vận động các doanh nghiệp trên và phân công các ngành nhận giúp đỡ 35 xã có tỉ lệ hộ nghèo trên 50%.
Tỉnh Kon Tum cũng đầu tư hỗ trợ cho 8 xã và 52 thôn trọng điểm đặc biệt khó khăn ngoài 2 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a.
Trong cả nước có 40 tập đoàn kinh tế, tổng công ty và doanh nghiệp nhận giúp đỡ 62 huyện nghèo, cam kết hỗ trợ lâu dài với tổng kinh phí lên tới hàng nghìn tỉ đồng.
Cùng với Nghị quyết 30a, nhiều chính sách mới đã được triển khai thực hiện đồng bộ.
Các huyện đã giao khoán bảo vệ rừng với tổng diện tích lên tới hàng triệu ha, tiền hỗ trợ là hàng trăm tỉ đồng. Nhờ đó, hàng chục nghìn hộ đã nhận khoán chăm sóc bảo vệ rừng và được hưởng chính sách hỗ trợ trồng rừng.
Các tỉnh làm tốt việc hỗ trợ trồng rừng sản xuất là Thanh Hóa, Hà Giang. Ngoài ra, nhiều tỉnh như Sơn La, Quảng Trị, Bình Định, Yên Bái đã kết hợp tốt việc thực hiện Nghị quyết 30a với việc qui hoạch sản xuất nông lâm, ngư nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi,...
Những nỗ lực như vừa kể còn được trợ lực bởi việc thực hiện lồng ghép nhiều chương trình dự án, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và từng hộ dân. Tính trung bình mỗi năm số hộ nghèo giảm từ 4% đến 6%. Với tốc độ đó, mục tiêu đến năm 2015 ở những nơi này chỉ còn dưới 25% số hộ nghèo hoàn toàn là hiện thực.
Tuy nhiên, chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở 62 huyện nghèo vẫn đang gặp những khó khăn nhất định.
Đó là văn bản hướng dẫn của một số Bộ, ngành liên quan đến lĩnh vực này còn chưa rõ ràng cụ thể, nên địa phương khó thực hiện. Có những chính sách, nhất là trong lĩnh vực y tế, giáo dục, chưa nhìn nhận sát đúng về thực trạng đời sống, trình độ dân trí, cách tiếp cận thông tin của bà con, nên nhiều trường hợp không trợ giúp được kịp thời và có hiệu quả.
Một vấn đề nữa đối với những huyện nghèo là thiếu cán bộ, trong khi việc triển khai chính sách thu hút đội ngũ trí thức trẻ về những nơi này còn chậm. Rồi còn những rủi ro đột xuất như thiên tai, dịch bệnh, hay tác động của khủng hoảng, của cải cách kinh tế… có thể làm ngay cả người dân ở các đô thị lớn cũng có thể rơi vào tình trạng nghèo khó, chứ ở những huyện nghèo thì chắc chắn càng khó khăn thêm bội phần.
Để giảm nghèo nhanh và bền vững, các huyện nghèo cần được đầu tư nhiều hơn nữa về cơ sở hạ tầng, trước hết là giao thông, điện, nước sinh hoạt.
Tín hiệu vui là các huyện nghèo trong cả nước sắp sửa được bổ sung trí thức trẻ về làm Phó chủ tịch xã.
Cùng với đó, kết quả giảm nghèo sẽ nhanh và bền vững hơn khi mà việc thực hiện Nghị quyết 30a bây giờ được gắn với tiêu chí xây dựng Nông thôn mới và Nghị quyết số 80 của Chính phủ về định hướng giảm nghèo đến năm 2020.
Mặc dù vậy, theo chúng tôi, những trợ giúp cụ thể và kịp thời là cần thiết, nhưng trên tổng thể và về lâu dài thì cần đẩy mạnh truyền thông để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và từng địa phương trong công việc này; đồng thời khơi dậy ý chí tự lực, quyết tâm vượt nghèo vươn lên làm giàu của tất cả các hộ dân trong phạm vi chương trình, dự án. Chỉ khi người nghèo vượt qua được tư tưởng trông chờ ỷ lại thì kết quả giảm nghèo mới thực sự bền vững./.