Những năm gần đây, nhiều hộ dân người Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có cuộc sống khá giả hơn nhờ trồng và thu hoạch quả sơn tra (táo mèo).
Những năm gần đây, nhiều hộ dân người Mông xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã có cuộc sống khá giả hơn nhờ trồng và thu hoạch quả sơn tra (táo mèo).
1kg quả sơn tra vào thời điểm tháng 9, tháng 10 này có giá tương đương 3kg gạo ngon, nếu đem về thành phố bán giá còn cao hơn. Cây sơn tra đã và đang mở ra hướng thoát nghèo và làm giàu của đồng bào nơi vùng cao này.
Cứ từ tháng 7 đến tháng 10 hàng năm, những bản người Mông ở xã Nậm Khắt lại vắng hoe vì mọi người đang tập trung thu hoạch lúa mùa và lên rừng hái sơn tra. Trên các tuyến đường vào xã, vào bản, xe lớn, xe nhỏ của các thương lái thu mua sơn tra nhộn nhịp, hối hả. Giá 1kg sơn tra ở thời điểm tháng 10 mua được 3kg gạo ngon, còn trung bình là từ 24.000 - 30.000 đồng/kg. Nhờ sơn tra mà nhiều hộ gia đình ở Nậm Khắt đã vơi được đói, bớt được nghèo. Gia đình Thào A Dê ở bản Hua Khắt năm nào cũng thu hoạch sơn tra. Thào A Dê bảo rằng: “Năm nay, sơn tra được mùa, gia đình thu về hàng chục bao tải. Nhờ nó mà gia đình không bị đói ăn”.
Hiện nay, Nậm Khắt có hơn 385ha cây sơn tra cả mọc tự nhiên và trồng mới, tập trung ở bản Hua Khắt, Nậm Khắt. Năm 2012 vừa qua, toàn xã thu về trên 450 tấn sơn tra, giá bán dao động từ 27.000 - 30.000 đồng/kg đem về cho Nậm Khắt trên 1,2 tỷ đồng. Trước đây, do sơn tra là cây mọc tự nhiên, người dân quan niệm là của núi, của rừng nên ai thấy trước thì lấy được. Vì vậy, sơn tra được thu hái vô tội vạ, không đúng kỹ thuật, hiệu quả kinh tế không cao.
Trước thực trạng này, xã đã chủ động phối hợp với huyện mở các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc và chế biến quả sơn tra đồng thời từng bước quy hoạch diện tích cây sơn tra giao cho các hộ khoanh nuôi bảo vệ và tuyên truyền, vận động nhân dân không hái quả non gây lãng phí.
Ông Chang A Sửu - Chủ tịch UBND xã Nậm Khắt cho biết: “Trước đây, nhiều hộ dân đua nhau lên rừng trồng thảo quả. Tuy nhiên, hiện nay, giá thảo quả thấp cùng với thảo quả mọc ở đâu là có nguy cơ mất rừng ở đó nên xã đã vận động nhân dân tập trung trồng sơn tra. Từ năm 2008, xã đã vận động nhân dân trồng sơn tra vào các tán rừng phòng hộ. Bình quân mỗi năm, toàn xã trồng được 10 - 15ha và riêng năm 2013 đã trồng mới được 70ha sơn tra tập trung ở bản Nậm Khắt, Hua Khắt”.
Anh Thao Tồng Chua ở thôn Hua Khắt cho biết: “Mọi năm, táo còn non nhưng người dân đã lên rừng tranh nhau hái. Nhờ xã mở các lớp tập huấn về chăm sóc, bảo vệ, chế biến sơn tra nên táo được chăm sóc, bảo vệ đến lúc chín mới hái. Vụ này, gia đình thu hoạch khoảng 20 bao táo, mỗi bao trên dưới 40kg. Như vậy, mùa táo năm nay, nhà tôi có thể thu 20 triệu đồng, không những có tiền mua gạo để ăn lúc giáp hạt mà còn mua sắm được đồ đạc”.
Cho đến nay, không ai có thể phủ nhận hiệu quả của cây sơn tra trong xóa đói giảm nghèo ở vùng cao này. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị kinh tế của cây sơn tra, huyện, xã cần quy hoạch vùng trồng sơn tra và giao trực tiếp cho người dân chăm sóc, bảo vệ, thu hoạch bền vững; xây dựng quy trình kỹ thuật về thu hái sơn tra như không bán quả non, đảm bảo phẩm cấp chất lượng, bảo vệ thương hiệu sơn tra Mù Cang Chải.