Việc miễn giảm 50% tiền sử dụng đất (TSDĐ) đối với hộ nghèo là một trong nhiều điểm mới tại Dự thảo Nghị định về thu tiền sử dụng đất đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp của người dân và các Bộ, ngành, địa phương.
Việc miễn giảm 50% tiền sử dụng đất (TSDĐ) đối với hộ nghèo là một trong nhiều điểm mới tại Dự thảo Nghị định về thu tiền sử dụng đất đang được Bộ Tài chính lấy ý kiến đóng góp của người dân và các Bộ, ngành, địa phương.
Ba phương án thu tiền sử dụng đất
Dự thảo Nghị định cũng nêu rõ: Phương án 1, tổ chức kinh tế nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để làm dự án, phải chuyển mục đích sang đất ở thì phải nộp TSDĐ theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm được cơ quan nhà nước cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Số tiền được khấu trừ cũng được xác định theo giá đất cụ thể do UBND cấp tỉnh quyết định theo mục đích sử dụng đất trước chuyển đổi mục đích; Phương án 2, TSDĐ phải nộp theo bảng giá đất nhân với số điều chỉnh giá đất (hệ số K). Số tiền được khấu trừ được xác định theo giá đất quy định tại bảng giá đất do UBND cấp tỉnh quy định của mục đích sử dụng đất trước khi chuyển mục đích nhân với hệ số K; Phương án 3 được đưa ra, giao UBND cấp tỉnh tùy theo điều kiện cụ thể của địa phương, dự án để xem xét, quyết định trường hợp được áp dụng hệ số K hoặc xác định giá đất cụ thể.
Anh Nguyễn Vũ Phan (Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Theo tôi chỉ cần 1 phương án thu hồi đất là thu theo giá đất của tỉnh/thành phố quy định đầu năm, không cần phải định giá thực tế hoặc hệ số K để phát sinh tiêu cực, kiện cáo. Giá đất được khấu trừ cũng tính theo giá quy định của UBND tỉnh/thành phố từ đầu năm không cần phải thuê công ty định giá rất tốn kém và không cần thiết. Đã là quy định thì phải rõ ràng chứ không thể để xử kiểu gì cũng đúng”.
Dự thảo Nghị định quy định, trong vòng 30 ngày kể từ khi có thông báo nộp tiền, người dân phải đóng 50% số tiền sử dụng đất. 50% còn lại được đóng trong 60 ngày tiếp theo. Sau 90 ngày nếu người dân chưa hoàn tất việc đóng tiền thì mới bị phạt. Cũng theo Dự thảo Nghị định, người dân khó khăn về tài chính được ghi nợ TSDĐ và được trả nợ dần khi có khả năng trong thời hạn tối đa 5 năm theo giá đất tại thời điểm cấp giấy chứng nhận. Sau 5 năm phải thanh toán nợ TSDĐ theo giá đất tại thời điểm trả nợ. Tuy nhiên, để khuyến khích người dân đã ghi nợ TSDĐ thanh toán nợ trước hạn, tại phương án 1, hỗ trợ giảm trừ vào TSDĐ phải nộp theo mức hỗ trợ là 6%/năm của số năm trả nợ trước hạn và tính trên số tiền sử dụng đất trả nợ trước hạn. Phương án 2, chỉ hỗ trợ giảm 2%/1 năm trả nợ trước hạn.Ông Trần Đức Thắng, Cục trưởng Cục Quản lý công sản - Bộ Tài chính cho biết: Đơn giá thuê đất hằng năm được tính bằng tỉ lệ % nhân với giá đất. Dự thảo quy định tỉ lệ xác định đơn giá thuê đất chung là 1%; riêng đất đô thị, trung tâm thương mại - dịch vụ… thì UBND cấp tỉnh sẽ quyết tỉ lệ nhưng không quá 3%. Với đất vùng sâu, vùng xa, có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định tỉ lệ.
Nhiều đối tượng được miễn giảm tiền sử dụng đấtTại Dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng đề xuất nhiều trường hợp được miễn tiền sử dụng đất: Sử dụng đất để thực hiện chính sách nhà ở, đất ở đối với người có công với nước thuộc đối tượng được miễn tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về người có công; hộ gia đình nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo; sử dụng đất để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật về nhà ở; nhà ở cho người phải di dời do thiên tai.
Miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức đất ở khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu đối với đất do chuyển mục đích sử dụng từ đất không phải là đất ở sang đất ở do tách hộ đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi theo danh mục các xã đặc biệt khó khăn do Thủ tướng Chính phủ quy định. Giảm 50% tiền sử dụng đất trong hạn mức đất ở đối với hộ gia đình là đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo. Việc xác định hộ nghèo, đồng bào dân tộc theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Ngày càng có nhiều công trình ngầm được đầu tư tại các địa phương nhưng vẫn chưa tính được giá thuê đất do chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất đơn giá thuê đất xây dựng công trình ngầm (không phải là phần ngầm của các công trình xây dựng trên mặt đất) không quá 50% đơn giá thuê đất có cùng mục đích sử dụng trên mặt đất.
Theo kế hoạch, ngày 10/3, Bộ Tài chính sẽ hoàn chỉnh việc tổng hợp ý kiến, ngày 15/4 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành để kịp với thời hiệu của Luật Đất đai (1/7).